• Zalo

Nguyên lãnh đạo Tổng cục Biển Đảo: Trung Quốc cấm biển để lắp thiết bị quân sự ở Trường Sa

Thời sựThứ Năm, 21/05/2015 07:20:00 +07:00Google News

Nguyên lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói việc Trung Quốc cấm biển thực chất là tạo vỏ bọc để lắp đặt trang thiết bị quân sự tại các đảo

(VTC News) – Nguyên lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói việc Trung Quốc cấm biển thực chất là tạo vỏ bọc để lắp đặt trang thiết bị quân sự tại các đảo đang xây dựng chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.

VTC News phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam về việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông trên vùng biển của Việt Nam.

TS Nguyễn Chu Hồi nói:

Đây rõ ràng là hành vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đối với ngư dân Việt Nam thì lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương này là không có giá trị. Đây là hành vi thâm độc, ngông cuồng, ích kỷ chỉ có ở các cường quyền chính trị và kẻ có tư tưởng bành trướng.

Trung Quốc ban hành lệnh cấm này không chỉ ảnh hưởng tới ngư dân Việt Nam, đến đời sống của họ, mà thực chất, đây chỉ là một vỏ bọc dân sự, một trong những cơn "sóng ngầm" mà Trung Quốc tạo ra trong quá trình họ thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông.

Video: Sự thật về biển Đông


- Vỏ bọc này để làm gì, thưa ông?


Trước khi ra lệnh cấm đánh bắt cá hết sức vô lý, Trung Quốc liên tục thực hiện các bước đi nguy hiểm như xây dựng các đảo nhân tạo lớn từ các bãi cạn rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của ta, đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra biển Đông, đang di chuyển và tìm địa điểm hạ đặt, thậm chí không loại trừ lại đưa vào hạ đặt cả ở vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta,... Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát hành vi này.

Các bước đi đầy toan tính như vậy cho thấy ý đồ “độc chiếm Biển Đông” không cần che đậy của Trung Quốc. Sau khi công bố pháp lý quốc tế năm 2009 về yêu sách phi lý “Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” chiếm trên 80% diện tích Biển Đông, hiện Trung Quốc đã bước sang giai đoạn chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò này với các kịch bản rất linh hoạt và chủ yếu vẫn dùng cách tiếp cận “giả danh dân sự”.

Trung Quốc cải tạo đất trái phép tại biển Đông - Nguồn ảnh: Vietnamplus 

Cụ thể, họ thành lập Thành phố Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Đông Sa (tranh chấp chủ quyền với Đài Loan). Xây dựng và củng cố các căn cứ quốc phòng mạnh ở quần đảo Hoàng Sa chiếm giữ của ta năm 1974 và ở Tam Á (đảo Hải Nam của Trung Quốc).

Đặc biệt, gần cuối năm 2014 đến nay Trung Quốc dồn dập cải tạo, thay đổi chức năng tự nhiên của 7 bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1988, thành các đảo nhân tạo.

Họ cũng tiến hành các đợt ‘khảo cổ’ ở Hoàng Sa và Trường Sa của ta, mập mờ công bố kế hoạch ‘con đường tơ lụa trên biển’ ở thế kỷ 21. Tôi nghĩ với phương pháp ‘khảo cổ học’ như vậy, ta có thể tìm thấy ở rìa ‘đường lưỡi bò’ các cổ vật của Trung Quốc vừa thả xuống hôm qua cũng nên, thật trớ trêu! 

Mưu toan của Trung Quốc là "đảo hóa" để tạo căn cứ trong dàn xếp pháp lý về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tiến hành xây các căn cứ quân sự (ngầm và nổi) vững chắc ở đây để khống chế tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông; trực tiếp khống chế Việt Nam, Philipines và các nước có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của ta khi cần.

Và không loại trừ họ sẽ lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Những đợt cấm đoán đánh cá như thế này chẳng qua cũng là những cuộc tập dượt cho cách mà Trung Quốc sẽ làm ở quy mô lớn hơn.

Đến nay, sau khi cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng ở 4/7 địa điểm cải tạo, Trung Quốc đang bước sang giai đoạn lắp đặt trang thiết bị an ninh, quốc phòng và để đánh lạc hướng dư luận họ nói là ‘thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải,...và mời Mỹ tham gia sử dụng các căn cứ này’.

Cứ với giọng điệu như vậy, Trung Quốc sẽ hành chính hóa và tuyên bố dân sự hóa 7 đảo nhân tạo như những đơn vị hành chính của cái gọi là "thành phố Tam Sa" đã nói trên.

Hành động của Trung Quốc như vậy đã vi phạm trắng trợn các quy định của luật pháp quốc tế và DOC, cản trở quá trình xây dựng COC và tiếp tục gây mất ổn định, đe dọa hòa bình khu vực Biển Đông và lân cận.

Khi bị các nước phản ứng mạnh với những tuyên bố và hành động cứng rắn hơn, đặc biệt Mỹ và đồng minh gần đây sẵn sàng có những hành động cụ thể hơn, và kêu gọi các nước ASEAN phối hợp tuần tra trên biển Đông thì Trung Quốc lại đưa ra những tuyên bố ‘giả danh dân sự’ cũ rích là “mời Mỹ dùng chung đảo nhân tạo phục vụ mục đích nhân đạo”.

Dĩ nhiên, ‘lời hay ý đẹp’ của họ đã bị Mỹ gạt phắt vì không muốn mắc bẫy ‘công nhận chủ quyền’ đối với các đảo nhân tạo do Trung Quốc vừa tôn tạo lên.

Để che giấu và đảm bảo an toàn cho quá trình lắp đặt trang thiết bị quân sự ở các bãi cạn đã tôn tạo và xây xong hạ tầng cơ sở, Trung Quốc lại ‘tung chưởng’ mới với lệnh cấm đánh bắt cá ở hầu hết các khu vực trên Biển Đông, trong đó cả vịnh Bắc Bộ đã ký hiệp ước phân định với Việt Nam và cả Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương này sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc đề phòng tàu Mỹ tiếp cận 12 hải lý đối với các ‘đảo nhân tạo’ nói trên. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc đang "có tật giật mình".    

Video: Âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc


- Ngoài âm mưu trên, lệnh cấm biển có liên quan gì đến giàn khoan Hải Dương 981 không, khi nó đang hoạt động trên biển Đông đúng thời điểm này, thưa ông?


Rút kinh nghiệm lần trước (2014), có lẽ lần này phía Trung Quốc vội vã tuyên bố sớm lệnh cấm đánh cá đối với ngư dân hòng ngăn cản ngư dân ta ra biển trước khi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt.

Lệnh cấm cũng nhằm ngăn tàu Mỹ có thể áp sát khu vực biển 12 hải lý quanh các bãi cạn Trung Quốc đang tôn tạo thành ‘đảo nhân tạo’ ở Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù đối sách nào thì cũng là các kịch bản tính sẵn của Trung Quốc.

Việc giàn khoan di động Hải Dương 981 xuất hiện trên Biển Đông vào thời điểm nhạy cảm này khiến người ta nghĩ đến khả năng Trung Quốc sẽ giở trò đối phó với các phản ứng của Mỹ và đồng minh, cũng như một số quốc gia ASEAN gần đây.

 

Lệnh cấm đánh bắt cá chỉ là cái cớ để Trung Quốc tự cho phép lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính của họ hoành hành và ‘tập trận’ không tuyên bố ở vùng biển mà họ luôn coi như ‘ao nhà’ của mình.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
 
Vì giàn khoan này, như phía Trung Quốc từng quảng bá, là ‘lãnh thổ quốc gia di động’ và cần thì sẽ là một pháo đài nổi, một phương tiện để lắp đặt các thiết bị giám sát, kiểm soát ngầm dưới đáy biển,...mà có lẽ họ đã dùng 2,5 tháng năm ngoái để lắp đặt!


Cho nên, Hải Dương 981 ra tìm kiếm dầu khí chỉ là ngụy tạo và lệnh cấm đánh bắt cá chỉ là cái cớ để Trung Quốc tự cho phép lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính của họ hoành hành và ‘tập  trận’ không tuyên bố ở vùng biển mà họ luôn coi như ‘ao nhà’ của mình.

Như vậy, đây là những bước đi với mưu toan cực kỳ nguy hiểm và phiêu lưu trong ‘ván bài biển Đông’ của phía Trung Quốc.

Cùng với việc tiến dần đến mục tiêu ‘độc chiếm biển Đông’, Trung Quốc đang chuẩn bị mọi khả năng và giải pháp để “độc quyền khai thác tài nguyên” nếu không có sự cản trở nào.

Họ đang cho mình quyền tự do hoành hành, bắt nạt các nước nhỏ yếu, coi thường công pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực, phớt lờ dư luận quốc tế.

- Như vậy, có thể thấy Trung Quốc gần như công khai, không còn che đậy các bước chiếm trọn Biển Đông?


Đúng vậy. Tham vọng ở biển Đông của Trung Quốc ngày càng lộ rõ, họ không giấu giếm và cũng không lừa được ai nữa. Họ vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và ở 2 quần đảo Hoàng  Sa, Trường Sa theo các quy định của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và luật pháp quốc gia của Việt Nam.

Các hành động trên thực chất là hành động ngang nhiên xâm chiếm trái phép chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ngư dân Việt Nam vươn khơi đánh cá 

-Có cách nào chặn đứng hành động xâm lược này không, thưa Tiến sỹ?

Chúng ta phải kiên trì con đường đàm phán hòa bình, vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ta cũng cần tăng cường bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngư dân Việt Nam khi đánh cá ở các vùng biển truyền thống từ bao đời nay của họ; Tiếp tục theo dõi sát tình hình, chuẩn bị đối phó với các tình huống xấu xảy ra. Người dân Việt ở mọi miền, trong và ngoài nước đồng lòng hướng về vùng biển Tổ quốc, phát huy truyền thống ‘con lạc, cháu Hồng’.

Chúng ta cũng coi trọng đoàn kết với ASEAN và liên minh với các quốc gia cùng cảnh ngộ, ủng hộ quyền và bảo đảm quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Đặc biệt, phải biến các cam kết cấp cao thành hành động có lợi cho nhân dân hai nước và hòa bình lâu dài trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta cũng cần đưa ra tín hiệu cảnh báo rõ ràng: Trung Quốc không được cho rằng bàn cờ Biển Đông chỉ có 1 người chơi!

Video: Ngư dân kiên trì bám biển


- Nếu đúng kịch bản xảy ra như những năm trước thì sắp tới, Trung Quốc sẽ huy động rất nhiều tàu chấp pháp, tàu cá của họ xua đuổi, thậm chí là bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển nước ta?

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trái phép. Giống như mọi lần, ngư dân nước ta không hề lo sợ và vẫn ra khơi đánh bắt bình thường trên những ngư trường truyền thống của cha ông xưa. ‘Biển của ta do nhân dân ta làm chủ’.

Bám biển là bản chất của ngư dân, nếu tàu của Trung Quốc xuất hiện gây cản trở thì lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư cần có mặt để bảo vệ lợi ích của ngư dân, bảo vệ nguồn lợi biển cảu Việt Nam. Con cá biết bơi trong biển rộng, đâu phải của một ai.

Chúng ta cũng cần phải thực hiện việc thông tin tuyên truyền thường xuyên, kịp thời, có kế hoạch cụ thể. Phải tuyên truyền cho nhân hiểu: Tranh trấp trên biển Đông là vấn đề lâu dài, phức tạp và khó lường.

Phải chỉ rõ, vạch trần mưu toan trước mắt và ý đồ lâu dài của Trung Quốc để có biện pháp ứng xử phù hợp, linh hoạt, hiệu quả. Nhân dân đoàn kết, một lòng hướng về biển Đông và không được mất cảnh giác trước những chiêu trò của Trung Quốc.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn