Tại cuộc gặp gỡ các nhà khoa học, chuyên gia y tế mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, cần chuyển đổi chiến lược thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Theo chia sẻ của Thủ tướng, chúng ta không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh.
Trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, giãn cách kéo dài ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, chuỗi lao động bị đứt gãy. Vì vậy, nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế trở lại ở những thành phố lớn là biện pháp cấp bách nhất hiện nay. Chúng ta phải chung sống, thích nghi dần với dịch COVID-19.
- Hết ngày 15/9, TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai sẽ kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 sau chuỗi ngày dài giãn cách. Nếu tiếp tục đóng cửa, theo ông, các địa phương này sẽ đối mặt với những khó khăn gì về mọi mặt đời sống xã hội?
Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội và sức khỏe người dân.
Trong đó, kinh tế ngưng trệ, chuỗi lao động bị đứt gãy khi người lao động không trực tiếp tham gia sản xuất, đời sống người dân gặp khó khăn.
Người dân ở trong nhà lâu ngày cũng ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội, dễ dẫn tới trạng thái lo sợ, hoảng loạn, dần xuất hiệu các triệu chứng trầm cảm, rối loạn tinh thần. Trẻ em không được tới trường cũng ảnh hưởng tới việc học hành.
Bên cạnh đó, việc ở nhà nhiều, không được đi lại nguy cơ giảm hệ thống miễn dịch, thúc đẩy các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư…, trẻ em còi xương. Đặc biệt, nhiều người mắc bệnh nền không tái khám, người có triệu chứng bệnh không được phát hiện sớm sẽ bỏ qua giai đoạn tốt nhất để điều trị.
Nới lỏng giãn cách là biện pháp cấp bách hiện nay, chúng ta phải sống chung và dần thích nghi với dịch COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
- Vậy các thành phố trên cần lên kế hoạch nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế trở lại, thưa ông?
Việc nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế trở lại ở các thành phố lớn là biện pháp cấp bách hiện nay khi nhiều nơi đã tạo ra các “vùng xanh”, nhiều ngày không phát hiện ca mắc COVID-19 mới. Các khu vực khác thì thực hiện giãn cách dần dần.
Để làm được điều này, chính quyền ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, các nhà dịch tễ học, y tế, chuyên môn… phải đưa ra lộ trình cụ thể, có kế hoạch riêng, phù hợp với tình hình từng địa phương.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, tự thực hiện giãn cách cá nhân quan trọng hơn giãn cách xã hội, mỗi người phải có ý thức thực hiện nghiêm quy định 5K. Những trường hợp tiêm vaccine ngừa COVID-19 thì tỷ lệ mắc COVID-19 thấp hơn.
Với những trường hợp chưa tiêm, họ vẫn có thể tự bảo vệ bản thân trước đại dịch khi thực hiện người này giãn cách với người khác.
- Hiện tại, cuộc chiến chống COVID-19 tại châu Âu đang chuyển sang chế độ lâu dài. Với vaccine, khẩu trang, cuộc chiến chống COVID-19 vẫn tiếp tục nhưng các hoạt động đi lại của người dân sẽ trở lại bình thường. Dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam, có thể lấy đề xuất về cấp hộ chiếu vaccine cho người tiêm đủ 2 mũi, giấy đi đường cho người tiêm 1 mũi và cho phép nhóm người này được tham gia một số dịch vụ không?
Theo tôi, những người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 thì tạo điều kiện để họ đi lại, bán hàng, lao động… bằng việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe hoặc mã QR, với điều kiện phải hướng dẫn họ tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Bởi, trường hợp tiêm đủ 2 mũi vaccine nguy cơ nhiễm bệnh thấp.
Các nhà hàng cho mở một số lượng nhất định để đảm bảo yêu cầu giãn cách và thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dần dần mở cửa trở lại và đón khách là những người tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Đối với các nhà máy, xí nghiệp cũng tạo điều kiện hoạt động lại. Công nhân, người lao động, công chức, viên chức tiêm đủ 2 mũi vaccine, có mã số tiêm chủng thì cho đi làm. Những trường hợp tiêm 1 mũi có thể để họ làm việc cùng nhau vì người tiêm 1 mũi vaccine nguy cơ nhiễm bệnh còn cao.
Không có gì tuyệt đối, chúng ta không thể kiểm soát hết được F0 nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng người.
- Đối với nhóm dịch vụ, các địa phương du lịch, để họ có thể đón du khách, mở cửa dần nền kinh tế thì chính quyền cần có những biện pháp hỗ trợ gì?
Chúng ta cần đẩy mạnh tiêm chủng nhóm dịch vụ, địa phương du lịch để đón du khách, mở cừa dần nền kinh tế.
Như tôi nói ở trên, với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 có thể tạo điều kiện để họ đi lại. Và du lịch cũng thế nhưng đảm bảo thực hiện các quy định phòng dịch.
Tôi lấy ví dụ tại nước Mỹ, những người tiêm đủ liều vaccine có thể đi lại an toàn tại nước này, song họ vẫn nên đeo khẩu trang khi đi máy bay hay các phương tiện giao thông công cộng khác. Theo CDC Mỹ, nghiên cứu gần đây về hiệu quả của vaccine COVID-19 cho thấy, nguy cơ mắc bệnh với những người đã tiêm vaccine là thấp hơn và họ có thể đi lại mà không cần cách ly hay xét nghiệm virus.
Chúng ta trong trạng thái bình thường mới phải chung sống, thích nghi dần với dịch COVID-19. Giống như chiến tranh, trong điều kiện bom đạn chúng ta cũng dần thích nghi và chiến thắng.
Khi nới lỏng giãn cách, dần mở cửa nếu xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 thì xã hội phải rút kinh nghiệm chứ không thể đổ hết do Nhà nước, cũng như con người không thể đổ lỗi cho cộng đồng mà cá nhân là quan trọng.
- Biến thể Delta và mới đây nhất là biến thể Mu xuất hiện tại 43 quốc gia, vùng lãnh thổ với các đột biến có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của vaccine, đây vẫn luôn là mối nguy hiểm đối với các nước trên thế giới. Vì vậy, đi đôi với nới lỏng giãn cách, chúng ta phải có các biện pháp thiết thực thế nào để chủ động ứng phó với mối nguy hại này?
Các biến chủng này rất nguy hiểm, chúng ta phải thận trọng, từng bước, không chủ quan, nóng vội.
Đi đôi với nới lỏng giãn cách chúng ta phải thực hiện 5K và có hệ thống giám sát, tăng cường xét nghiệm, giải trình tự gen để biết chúng ta đang ứng phó với chủng virus nào.
Theo tôi, phát hiện tới đâu chúng ta làm tới đó, tập trung cao trong việc điều trị người mắc COVID-19. Cách làm là quan trọng nên phải xây dựng lộ trình cụ thể và có hệ thống giám sát cụ thể. Nếu chỗ nào bùng phát dịch chúng ta phải khoanh vùng chỗ đó.
Tôi nhắc lại, giãn cách cá nhân quan trọng hơn nhiều giãn cách xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận