Trên đường từ Tuyên Quang đi Hà Giang vào những dịp như thế này, thỉnh thoảng lại bắt gặp các tốp trung niên dừng xe vào quán nước nghỉ chân. Họ là những người lính, cựu binh chiến trường Vị Xuyên đẫm máu từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên…, đến thăm đồng đội mình nằm lại ở nghĩa trang Vị Xuyên. Đa số họ còn rất phong độ, chủ yếu sinh năm 1963 - 1968. Thậm chí, có người còn khá trẻ, sinh năm 1969 - 1970, lớp lính cuối cùng của chiến trường Vị Xuyên (năm 1989 Trung Quốc mới ngừng pháo kích).
Trong câu chuyện bên chiếc điếu cày, ấm trà, họ nói về những đồng đội đã hy sinh, về các cuộc pháo kích đẫm máu, về những lần bám trụ chiến đấu quyết tử đẩy lui quân xâm lược, máu trộn với đất đá… Chỉ có họ mới hiểu được cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận Vị Xuyên đã ác liệt, đẫm máu và oanh liệt đến nhường nào.
Trên những “lò vôi thế kỷ” ấy, có đợt, chỉ trong 3 ngày, quân xâm lược Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Cả 5 năm, Trung Quốc đã bắn vào mặt trận Vị Xuyên hơn 1,8 triệu viên đại bác.
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, ta đo lại, có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm: 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích… Ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc chúng phải rút quân về bên kia biên giới. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi…
Nghĩa trang Vị Xuyên giờ đã hoàn toàn khác: Uy nghiêm, khang trang, bề thế. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ nằm lại trên chiến trường vẫn được tỉnh Hà Giang và Quân khu 2 xem là công việc hết sức quan trọng, khẩn trương. Hàng năm, tỉnh Hà Giang và Quân khu 2 có nhiều đợt tổ chức đưa các anh về nghĩa trang Vị Xuyên yên nghỉ cùng đồng đội.
Ai từng đến nghĩa trang Vị Xuyên, được tham dự lễ quy tập trang nghiêm, trong giai điệu của những ca khúc bi tráng sẽ thấy mình như được chìm đắm trong không gian tâm linh, thấy như những người lính tuổi mười tám đôi mươi vẫn đang ở đâu đây, quanh mình…
Chùm ảnh đại lễ cầu siêu cho các anh hùng đã ngã xuống bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc:
Bình luận