GS.TS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (nguyên Bộ trưởng GD-ĐT) cho rằng câu chuyện tự chủ đại học không lạ trên thế giới nhưng chưa quen ở Việt Nam.
Nền giáo dục đại học nước ta được hình thành hoạt động trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, trong một thời gian rất dài cho nên chỉ thành lập các trường công lập.
Vì vậy, các trường này chỉ quản lý tập trung và luôn luôn được bao cấp bằng ngân sách nhà nước, tất cả nhân lực của nhà trường đều thuộc biên chế nhà nước... như là một điều tự nhiên.
Tuy nhiên, một vài trường công lập nhờ các bộ chủ quản có quan niệm đúng, trao quyền tự chủ cao gần như một trường tư, lại có được bộ phận lãnh đạo sáng tạo thì hoạt động hết sức tốt, như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (giai đoạn trước), Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông (giai đoạn trước).
“Riêng hai đại học quốc gia và các trường đại học quốc tế do có yêu cầu đặc biệt nên cũng được nhận các quy chế đặc biệt với quyền tự chủ cao tạo thuận lợi lớn cho sự phát triển”, GS Trần Hồng Quân thông tin thêm.
Với các nhà quản lý, cũng có người rất thật lòng muốn trao quyền tự chủ cho các trường nhưng không phải ai cũng nhận thức ra rằng “Tự chủ” là điều không thể thiếu để các trường có thể năng động sáng tạo và phát triển.
“Nhiều lãnh đạo lại nghĩ rằng cần phải cầm tay chỉ việc, can thiệp cụ thể, thậm chí nghĩ thay làm nhiều tác nghiệp... nhân danh vì trách nhiệm xã hội, để các trường khỏi phạm sai lầm. Ở đây, tôi chưa nói đến động cơ vì lợi ích riêng tư mà cản trở việc giao quyền tự chủ cho các trường”, GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Thăm dò ý kiến: Vì sao các trường đại học chưa mặn mà với tự chủ?
Trong khi đó, trường nào bức xúc với sự ràng buộc quá đáng do quản lý tập trung, hạn chế sự sáng tạo thì hoan nghênh việc triển khai thực hiện tự chủ, coi như được giải phóng.
Bên cạnh đó, các trường thiếu tự tin, ngần ngại việc xa rời bầu sữa bao cấp của ngân sách nhà nước, ngần ngại bơi trong bối cảnh tự lập thì không hoan nghênh tự chủ, coi đó như là sự buông tay thiếu trách nhiệm của nhà nước.
“Họ mong muốn tiếp tục sống trong cơ chế quản lý tập trung như một sự núp bóng an nhàn. Biết rằng còn rất nhiều trường muốn thực hiện tự chủ nhưng hoặc là đang thận trọng hoặc là chưa kịp chuẩn bị đầy đủ”, GS Trần Hồng Quân phân tích.
GS Quân cho rằng có thể coi là đã qua giai đoạn tập trung thuyết phục các nhà quản lý, bây giờ chuyển sang giai đoạn tập trung thuyết phục các cơ sở đào tạo chuẩn bị nhập cuộc thực hiện tự chủ đại học.
Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tạo ra sự trì trệ mang tính phổ biến trong toàn xã hội. Đó là lý do tự chủ đại học chậm được xác lập.
“Phải xóa bao cấp để tránh ỉ lại, phải xóa nghĩ thay làm thầy để tránh dựa dẫm, phải khắc phục sự ràng buộc để tránh tình trạng các trường phải múa gậy trong bị.
Phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan để luôn luôn canh tân theo hướng tối ưu hoá để tồn tại và phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh.
Ngay sự tồn tại cũng không phải là đương nhiên như trước đây, nếu không phấn đấu để tự khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giáo dục thì có thể không đứng vững, có thể bị sàng lọc, sát nhập hoặc giải thể.
Từng cán bộ quản lý, từng cán bộ giảng dạy cũng phải không ngừng phấn đấu mới có chỗ đứng tương xứng trong nhà trường chứ không phải đã vào biên chế nhà nước thì yên vị suốt đời.
Từ động lực tập thể và động lực của từng cá nhân sẽ tạo ra động lực chung của nhà trường, tạo ra sinh khí phát triển mạnh mẽ.
Video: Tự chủ đại học như thế nào?
Việc tự chủ về tài chính khiến cho không ít trường lo ngại nhưng chính phủ có quy định các bước đi trong một lộ trình hợp lý, đồng thời khi thực sự thực hiện tự chủ tài chính đầy đủ thì nhà nước không phải hoàn toàn không đầu tư mà là sẽ đầu tư theo phương thức khác ví dụ như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu khoa học, trong trường hợp đặc biệt có thể đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chất lượng cao...
Các trường tự lo nguồn thu là một trách nhiệm nặng nề, chỉ có thể thực hiện được bằng sự phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
"Về nguyên tắc, phải tiến tới các trường có quyền quyết định mức học phí để bù đủ chi phí đào tạo theo điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng của nhà trường (hiện nay tạm thời nhà nước còn quy định mức học phí tối đa cho các trường tự chủ và thay đổi dần theo lộ trình cần thiết để tránh sự đột ngột đối với người học)", GS Trần Hồng Quân đề xuất.
GS Quân cũng hy vọng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục không giảm mà là phải đầu tư tập trung có hiệu quả hơn. Còn chính sách hỗ trợ học bổng cho các đối tượng sinh viên diện chính sách sẽ được đầu tư trực tiếp theo các sinh viên đó đến nhà trường.
Bình luận