Sau chính biến ngày 1/2, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar khiến hơn 200 người thiệt mạng, gần 2.200 người bị bắt giữ. Nhiều báo cáo về tình trạng bạo lực, bắt bớ xuất hiện trong sự cảnh báo của cộng đồng quốc tế.
Theo Al Jazeera, tại vùng biên giới Myanmar, nơi các nhóm dân tộc vũ trang đã giành hàng thập kỷ chiến đấu đòi tự quyết, tình hình đang trở nên ngày càng bất ổn.
Ngày 10/2, cơ quan điều hành của chính quyền quân sự, Hội đồng Hành chính nhà nước (SAC), đã giải tán văn phòng mà chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi thành lập để đàm phán hòa bình với các tổ chức dân tộc vũ trang, và thông báo tự thành lập đội đàm phán riêng.
Nhưng nhiều nhóm dân tộc vũ trang, bao gồm 10 nhóm ký tên trong Thỏa thuận Ngừng bắn quốc gia, đã từ chối tham gia với SAC. Một số nhóm thậm chí tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình phản đối đảo chính và quyền biểu tình của người dân.
Bạo lực ở biên giới
Tại bang Kachin, biên giới Myanmar với Trung Quốc, nơi có Tổ chức Kachin Độc lập (KIO/A), một trong những nhóm vũ trang nổi bật nhất ở Myanmar, đã chiến đấu đòi tự quyết từ 1961, tình hình nhanh chóng leo thang.
Từ giữa tháng 2, các cuộc đụng độ giữa KIO/A và quân đội xảy ra gần như hàng ngày ở bang Shan phía Bắc. Đụng độ cũng nổ ra ở 4 thị trấn bang Kachin từ 11/3, khiến hàng trăm người phải rời khỏi nhà.
Một lãnh đạo địa phương tại làng San Pya, thị trấn Hpakant, nói với Al Jazeera rằng những tiếng nổ và tiếng súng đánh thức ông vào khoảng 2 giờ sáng 15/3. Khoảng 3 tiếng sau, một quả lựu đạn phóng từ tên lửa (RPG) rơi xuống ngôi làng, phá hủy một ngôi nhà. Người dân tiếp tục tìm thấy thiết bị chưa nổ sau đó ở trên phố.
Ít nhất 100 phụ nữ và trẻ em ở làng, nơi chủ yếu là cộng đồng Thiên chúa giáo, phải trú tạm trong các nhà thờ gần đó.
“Nếu giao tranh tiếp tục xảy ra, ngay cả trong nhà thờ cũng không còn an toàn nữa. Chúng tôi, người dân, không có vũ khí, nên chúng tôi rất sợ”, vị lãnh đạo nói.
Hôm 18/3, các cuộc đụng độ dường như đã gia tăng tại thị trấn Hpakant, khi KIO/A tấn công căn cứ quân đội và kích hoạt thiết bị nổ ngẫu nhiên.
Giao tranh gia tăng ở Kachin xảy ra khi quân đội tăng cường sử dụng vũ lực sát thương, bạo lực và đe dọa trấn áp các cuộc biểu tình, theo Al Jazeera.
Trong khi đó, chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing, cho biết hôm 16/3 rằng các cuộc biểu tình đã "biến thành bạo loạn và bạo lực".
Ông cũng cho biết lực lượng cảnh sát "được giao nhiệm vụ để kiểm soát các cuộc biểu tình theo quy tắc dân chủ bằng cách thực hiện kiềm chế tối đa", và quân đội đang "giúp cảnh sát làm hậu phương ở những nơi cần thiết để giải quyết những khó khăn và trở ngại".
Ông nói, việc nổ súng là "phải giải tán những người biểu tình, dẫn đến một số thành viên lực lượng an ninh và người biểu tình thương vong".
Thay đổi liên minh
KIO/A là một trong hàng chục nhóm vũ trang dân tộc tại Myanmar. Hơn 100.000 người phải rời khỏi nhà sau khi một lệnh ngừng bắn sụp đổ vào năm 2011, nhưng dù KIO/A và quân đội Myanmar (Tatmadaw) không thể đạt được một lệnh ngừng bắn chính thức, khu vực chứng kiến tương đối ít giao tranh kể từ cuối năm 2018.
Các nhóm vũ trang dân tộc mạnh nhất và gây đe dọa nhất đã bị chính phủ gọi là “các hiệp hội bất hợp pháp” hoặc “các nhóm khủng bố”. Tuy nhiên, khi Tatmadaw giành chính quyền, dư luận dường như đang thay đổi. Những lời xin lỗi đối với các dân tộc thiểu số trở nên phổ biến trên mạng xã hội, trong khi những lời kêu gọi thành lập một quân đội liên bang để phản đối chế độ quân sự ngày càng gia tăng.
Ngày 14/2, Liên minh Quốc gia Karen, một nhóm vũ trang dân tộc nổi bật gần biên giới Thái Lan, tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình giúp đỡ bảo vệ những người dân tộc biểu tình phản đối đảo chính, kể từ đó nhóm này đã tháp tùng những người biểu tình trên đường phố.
Vào ngày 14/3, Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), nhóm đại diện chính quyền dân sự Myanmar, kêu gọi người dân tự vệ trước quân đội.
Ba ngày sau, họ cho biết các tổ chức vũ trang dân tộc sẽ không còn bị coi là các tổ chức "khủng bố" hoặc "bất hợp pháp".
Hôm 18/3, CRPH bày tỏ ý định làm việc với Nhóm Điều phối Lâm thời Chính trị Kachin hướng tới các mục tiêu chung bao gồm cả việc thành lập một liên minh dân chủ liên bang.
Trong khi đó, chính quyền quân sự vào ngày 11/3 xóa bỏ danh hiệu "khủng bố" của nhóm Arakan có trụ sở tại Rakhine, một trong những nhóm vũ trang đáng gờm nhất tại Myanmar.
Đối với những người đang ở trong các trại lánh nạn, họ lo sợ lại mất chỗ ở một lần nữa. “Nếu chiến tranh lại nổ ra, chúng tôi sẽ gần như không còn nơi nào để đi; chúng tôi đã ở biên giới rồi”, một giáo viên 23 tuổi nói.
Bình luận