• Zalo

Cựu quan chức Myanmar nhờ Tòa Hình sự quốc tế điều tra bạo lực sau chính biến

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 19/03/2021 15:07:46 +07:00Google News
(VTC News) -

Ủy ban các nghị sĩ thuộc chính quyền dân sự bị lật đổ của Myanmar muốn nhờ Tòa Hình sự quốc tế (ICC) điều tra tình hình bạo lực sau chính biến ở nước này.

Reuters đưa tin, một ủy ban gồm các cựu nghị sĩ Myanmar đang tìm cách đề nghị Tòa Hình sự quốc tế (ICC) điều tra về nghi vấn tội ác chống nhân loại sau khi quân đội tiến hành đảo chính, lên nắm quyền hôm 1/2.

Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun cho biết, một ủy ban đại diện các nghị sĩ thuộc Quốc hội bị lật đổ của Myanmar đang tìm cách buộc những người gây ra tình trạng bạo lực sau chính biến phải chịu trách nhiệm.

Cựu quan chức Myanmar nhờ Tòa Hình sự quốc tế điều tra bạo lực sau chính biến - 1

Tình hình bất ổn kéo dài ở Myanmar kể từ sau đảo chính hôm 1/2. (Ảnh: AP)

Phát biểu tại một sự kiện ở New York, Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun cho biết: “ICC là một cách. Chúng tôi không phải là một quốc gia thành viên ICC. Tuy nhiên, chúng tôi cần tìm mọi cách thức để đưa vụ việc lên ICC”.

Tại Geneva, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc đã tố cáo hành vi bắt giữ tùy tiện và giết hại những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Các chuyên gia nhân quyền nói rằng, các quốc gia nên xem xét việc truy bắt những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người.

Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar cho biết, lực lượng an ninh chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết.

Tình hình bất ổn tại Myanmar bắt đầu hôm 1/2 sau khi xảy ra đảo chính quân sự. Kể từ đó các cuộc biểu tình lan rộng trên nhiều địa phương tại quốc gia Đông Nam Á này. Quân đội và cảnh sát nước này áp đặt các biện pháp mạnh tay, ngăn chặn người biểu tình.

Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar (AAPP) cho biết, đến nay có ít nhất 224 người chết trong các cuộc biểu tình ở nước này.

Các nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi chấm dứt bạo lực và trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Suu Kyi. Các nước châu Á cũng đề nghị tìm kiếm giải pháp cho tình hình bất ổn hiện nay ở Myanmar, nhưng quân đội nước này không có dấu hiệu tìm kiếm hòa giải.

Hôm 18/3, truyền hình Myanmar cho biết, Thống tướng Min Aung Hlaing – người đứng đầu cuộc đảo chính hôm 1/2, đã tham gia một cuộc họp trực tuyến với các quan chức quốc phòng Đông Nam Á khác. Đây là lần đầu ông tham gia cuộc họp quốc tế kể từ khi nắm quyền.

Theo website của quân đội Indonesia, trong cuộc họp, người đứng đầu lực lượng vũ trang Indonesia - Hadi Tjahjanto, bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar.

Kông Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn