• Zalo

Nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao từ vụ bê bối Pegasus

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 23/07/2021 19:30:38 +07:00Google News

Vụ bê bối Pegasus không chỉ đặt ra câu hỏi về lỗ hổng an ninh mạng, mà còn có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao quy mô lớn giữa các nước liên quan.

Chính phủ một loạt quốc gia trong đó có Pháp, Hungary, Morocco và cả Israel đã bắt đầu có động thái sau khi một loạt hãng truyền thông lớn trên thế giới tiết lộ thông tin gây chấn động về việc hàng chục nghìn chính trị gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà báo và các nhà hoạt động trên thế giới trở thành mục tiêu của phần mềm theo dõi Pegasus do một công ty tư nhân của Israel phát triển.

Nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao từ vụ bê bối Pegasus  - 1

(Ảnh minh họa: Reuters)

Chính phủ Pháp vừa triệu tập cuộc họp khẩn cấp về an ninh mạng để cân nhắc hành động sau khi có báo cáo rằng điện thoại di động của nhà lãnh đạo này và một loạt bộ trưởng trong chính phủ có thể đã bị phần mền gián điệp Pegasus tấn công. Theo Thủ tướng Jean Castex, nếu những tiết lộ của báo chí được xác nhận, thì đây là một vụ việc rất nghiêm trọng.

"Nếu được chứng minh, thì đây là vụ việc nghiêm trọng. Tuy nhiên chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề để đánh giá mức độ nghiêm trọng. Chúng ta phải xác định điều gì đã xảy ra, cũng như quy mô của vụ việc”.

Angeria cùng ngày bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước thông tin Ma Rốc sử dụng phần mềm Pegasus để do thám “các quan chức và công dân Algeria”, có nguy cơ làm thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Theo chính phủ Algeria, một cuộc tấn công như thế là không thể chấp nhận, vi phạm quyền con người và các quyền tự do cơ bản, cũng như vi phạm rõ ràng những nguyên tắc điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế.

Số điện thoại của các quan chức Pháp và Algeria nằm trong số hơn 50.000 số điện thoại được xác định là các nhân vật được quan tâm từ năm 2016 đến tháng 6/2021 của các khách hàng công ty NSO. Khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Ma Rốc, Rwanda, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Theo Người đứng đầu Tổ chức truyền thông phi lợi nhuận Forbidden Stories có trụ sở tại Paris Laurent Richard, vụ việc một lần nữa đặt ra câu hỏi về vấn đề an ninh mạng.

"Đây là thị trường tư nhân, không có quy định nào cả, nên không có gì để bảo vệ bạn. Sẽ là không may là nếu điện thoại của bạn bị hack, bạn sẽ không biết điều đó vì không có dấu hiệu. Bạn không cần phải nhấp vào bất cứ thứ gì. Đó là một cuộc tấn công vô hình chống lại nền dân chủ. Như bạn thấy đấy, danh sách các mục tiêu bị tấn công đều là những nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền, tất cả những người đang đóng một vai trò lớn trong xã hội”.

Tuy nhiên, chính phủ Ma Rốc đã ngay lập tức phủ nhận các cáo buộc, đồng thời thông báo khởi kiện Tổ chức Ân xá và các tập đoàn truyền thông ra trước Tòa án Hình sự Paris vì tội phỉ báng. Phiên tòa đầu tiên dự kiến diễn vào ngày 8/10 tới. Trong khi đó, Hungary, một trong số những cái tên có trong danh sách khách hàng của NSO cũng bác bỏ các cáo buộc sử dụng phần mềm theo dõi Pegasus, gọi điều này là “không có cơ sở”, đồng thời thông báo mở một cuộc điều tra.

Pegasus được phát triển bởi Tập đoàn NSO của Israel. Đây là phần mềm giám sát cấp quân sự, có khả năng xâm nhập vào các thiết bị iPhone và Android sau đó cho phép người sử dụng điều khiển công cụ trích xuất tin nhắn, ảnh, email, ghi âm cuộc gọi và bí mật kích hoạt micro. Vụ việc đã đặt ra thách thức với chính quyền tại Israel.

Thủ tướng Israel Benny Gentz đã ngay lập tức quyết định thành lập một nhóm công tác đặc biệt để đối phó với các hậu quả ngoại giao có thể, cũng như kiểm tra lại các giấy phép xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ tin học.

Đây không phải là lần đầu tiên NSO vướng vào những vụ bê bối như thế này. Hồi tháng 10/2019, tập đoàn này từng bị Facebook khởi kiện với cáo buộc đã sử dụng lỗ hổng trong WhatsApp để gửi mã độc cho hơn 1.400 nhà báo.

Thu Hoài(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn