• Zalo

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Thất tịch 7/7 Âm lịch

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 22/08/2023 09:20:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cứ đến ngày 7/7 Âm lịch là các bạn trẻ độc thân đua nhau ăn đậu đỏ; vậy 7/7 âm là ngày gì, nguồn gốc và ý nghĩa thế nào?

Tháng 7 Âm lịch không chỉ được biết đến với cái tên "tháng cô hồn" hay nghi lễ Xá tội vong nhân, Vu lan báo hiếu. Các bạn trẻ quan tâm đến ngày 7/7 Âm lịch và coi đó như một ngày lễ tình yêu.

7/7 Âm là ngày gì, nguồn gốc ngày 7/7 Âm lịch

Ngày này trong văn hóa phương Đông được gọi là ngày Thất tịch, còn gọi là Tết Ngâu, ngày ông Ngâu bà Ngâu. Nó cũng được gọi là ngày Valentine Đông Á. Lịch sử ngày này gắn bó với câu chuyện Ngưu lang Chức nữ với nhiều dị bản.

Trong truyện Ngưu lang Chức nữ của Việt Nam, chàng trai nghèo tình cờ gặp Chức nữ (tiên nữ dệt vải) trong rừng khi nàng cùng các tiên nữ khác xuống hồ tắm. Bị chàng trộm mất đôi cánh tiên, Chức nữ không thể về trời và ở lại làm vợ chàng. Khi đã có với nhau một mặt con, một hôm khi chồng đi vắng, nàng phát hiện ra đôi cánh tiên của mình giấu trong thúng thóc, bèn đưa con chiếc lược dặn trao cho cha, rồi về trời mất.

7/7 âm là ngày gì, nguồn gốc và ý nghĩa của ngày 7/7 âm?

7/7 âm là ngày gì, nguồn gốc và ý nghĩa của ngày 7/7 âm?

Người chồng mang con lên trời tìm vợ, nhưng tiên phàm không thể kết duyên nên họ phải lén lút gặp nhau, sau vài hôm Chức nữ phải tiễn chồng con về vì người trần không được ở lại thượng giới. Nàng đưa gói cơm cho chồng, để hai cha con ngồi lên trống để dòng xuống, dặn khi nào  đến nơi thì đánh trống để nàng cắt dây.

Khi con đói, người chồng mang cơm ra cho con ăn và đứa trẻ làm rơi mấy hạt lên mặt trống. Đàn quạ sà vào mổ tạo nên tiếng trống, khiến Chức nữ tưởng chồng con đã về đến mặt đất. Nàng cắt dây, hai cha con rơi xuống biển.

Biết chuyện, Ngọc hoàng thương xót, cho chồng con Chức nữ lên trời, giao cho chàng công việc chăn trâu (vì thế chàng được gọi là Ngưu lang) ở bên kia sông Ngân. Hằng ngày Chức nữ dệt vải bên này sống, nhớ thương vô cùng nhưng chỉ có thể chờ gặp mỗi năm một ngày vào 7/7. Ngày đó, lũ quạ phải đội đá bắc cầu cho họ sang. Vợ chồng Ngưu lang ôm nhau khóc nên trời mưa tầm tã...

Trong câu chuyện của người Trung Quốc, chàng chăn bò trẻ tuổi (Ngưu lang) nhìn thấy 7 nàng tiên xinh đẹp đang tắm trong hồ thì mê mẩn. Bị con bò đực xúi giục, chàng lấy trộm váy áo của họ và nấp chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Các nàng tiên tắm xong không thấy xiêm y, liền cử cô em út là Chức nữ ra thương lượng để xin lại. Ngưu lang trả đồ, nhưng vì Chức nữ đã bị chàng nhìn thấy thân thể nên đành theo chàng về nhà làm vợ.

Cuộc hôn nhân này vi phạm thiên quy nên Chức nữ bị bắt về trời. Ngưu lang khoác bộ da trâu đuổi theo, sắp đuổi kịp thì Vương mẫu lấy cây trâm ngọc vạch một đường trên bầu trời, tạo thành sông Ngân ngăn cách Ngưu lang và Chức nữ. Quá đau khổ, Chức nữ hằng ngày rửa mặt bằng nước mắt, ngồi dệt vải bên sông, ngóng về phía Ngưu lang. 

Vào đêm 7/7, đàn quạ thương hai vợ chồng quá nên bay lên trời, lấy thân mình làm thành một cây cầu bắc qua sông Ngân để Ngưu lang Chức nữ gặp nhau trong một đêm. Chứng kiến cảnh này, Ngọc hoàng thương xót nên cho phép hai vợ chồng mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày 7/7. 

Còn chuyện của Nhật Bản kể rằng, Ngọc hoàng Thượng đế có một người con gái dệt lụa rất giỏi tên là Tanabata-tsume (còn gọi là Orihime). Nàng đem lòng thương mến anh chàng chăn bò Hikoboshi. Ngọc hoàng chiều con nên đồng ý gả công chúa cho chàng chăn bò. Hai vợ chồng mải quấn quít lấy nhau mà bê trễ công việc. Tanabata-tsume không dệt vải, còn Hikoboshi để đàn bò đi lạc lên cung trời.

Các vị thần tức giận, tâu lên Ngọc hoàng phạt ngăn cách hai người ở hai bên sông Ngân, mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần vào ngày 7/7. 

Ý nghĩa ngày 7/7 Âm lịch

Có nhiều hình thức tổ chức lễ hội trong dịp Thất tịch tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phong tục phổ biến nhất vào dịp này là: Vào đêm mồng 7/7 Âm lịch, phụ nữ cầu nguyện để có được đôi bàn tay khéo léo; các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong lấy được ông chồng tốt.

Ngày lễ Thất tịch tại Nhật Bản được gọi là lễ Tanabata. Vào ngày này, người Nhật sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong may mắn, vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Các bạn trẻ cũng tới các đền thờ trong ngày lễ Tanabata để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân.

Ngày lễ Thất tịch đã tồn tại trong văn hóa người Việt Nam từ khá lâu. Trong ngày này nhiều người đã kiêng kỵ cưới hỏi vì sợ gặp phải những điều không may mắn như Ngưu Lang và Chức Nữ. Thay vào đó, người ta thường đi chùa cầu duyên để cầu mong những điều tốt đẹp, sự bình an và gặp thuận lợi trong con đường tình duyên.

Ngoài ra, giới trẻ cũng thường truyền miệng nhau rằng ăn chè đậu đỏ để hy vọng tình yêu đôi lứa thêm bền vững hay người độc thân tìm được tình duyên cho bản thân.

Ánh Nguyệt(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn