• Zalo

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 25/12/2024 06:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nguồn gốc của ngày lễ Giáng sinh không chỉ có ý nghĩa tôn giáo, mà còn mang theo nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa phong phú.

Giáng sinh, còn gọi là Noel, là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm được tổ chức rộng rãi trên khắp thế giới. 

Nguồn gốc lễ Giáng sinh

25/12 hàng năm được gọi là ngày Giáng sinh, kỷ niệm sự ra đời Chúa Giesu - Đức Chúa con theo niềm tin Kito giáo và là một nhân vật lịch sử người Do Thái. Theo các tài liệu cổ, Chúa Giesu được sinh ra tại Bethlehem, vùng đất mà ngày nay thuộc Palestine.

Câu chuyện về Chúa Giesu giáng sinh được mô tả trong kinh thánh Tân Ước. Bà Maria, một thiếu nữ ở thành Nazareth (xứ Galilêa) được thiên thần Gabriel thông báo rằng cô sẽ thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lúc đó Maria chưa lập gia đình và đã đính hôn với Giuse, một thợ mộc thuộc dòng dõi vua David. Cô gái chấp nhận sứ mệnh này với lòng tin tưởng và vâng phục Chúa. 

Gần đến ngày sinh, bà Maria cùng chồng là Giuse về quê ở Bethlehem để thực hiện cuộc kiểm tra dân số theo sắc lệnh của Hoàng đế La Mã Augustus. Đến Bethlehem, không có nơi nào để nghỉ qua đêm do sự đông đúc, họ phải tạm trú trong một chuồng gia súc và chính tại đó, Chúa Hài đồng Giesu đã chào đời. Người được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ.

Chúa Giêsu được sinh ra tại Bethlehem. (Ảnh: Reddit)

Chúa Giêsu được sinh ra tại Bethlehem. (Ảnh: Reddit)

Trên cánh đồng gần đó, các mục đồng đang canh giữ bầy chiên thì được thiên thần của Chúa báo tin vui về sự ra đời của Chúa Giesu. Họ vội vã đến hang Bethlehem để diện kiến và tôn vinh hài nhi Giesu. Sự kiện này thể hiện rằng tin tức về Chúa không chỉ dành cho người quyền thế mà còn cho cả những người bình dân, người lao động khó khăn.

Trên thực tế, ngày 25/12 không phải là ngày sinh thực sự của Chúa Giesu mà là ngày mà Giáo hội Công giáo quyết định chọn để kỷ niệm sự kiện này. Có giả thuyết cho rằng 25/12 được chọn vì trùng với ngày tổ chức các lễ hội ngoại giáo ở Rôma cổ đại, như lễ hội Saturnalia và Dies Natalis Solis Invicti.

Ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh

Đối với người theo đạo Kitô, Giáng sinh là thời gian để tưởng nhớ tình yêu thương, lòng khoan dung và hy vọng mà Chúa Giesu mang đến cho nhân loại. Đó là lời nhắc nhở về sự giúp đỡ, chia sẻ và lòng nhân ái mà mỗi người cần lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày.

Ngày nay, Giáng sinh đã vượt xa khỏi ý nghĩa tôn giáo ban đầu, trở thành một lễ hội toàn thế giới. Ở nhiều nơi, người ta ăn mừng Giáng sinh mà không gắn liền với tôn giáo, xem đây là dịp để gia đình sum họp, nghỉ ngơi và trao gửi yêu thương. Những yếu tố thương mại cũng đã thêm vào sự phát triển của Giáng sinh, với việc mua sắm nhộn nhịp và những chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Không khí đón Giáng sinh tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. (Ảnh: Đắc Huy)

Không khí đón Giáng sinh tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. (Ảnh: Đắc Huy)

Biểu tượng của Giáng sinh

Những biểu tượng của Giáng sinh không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là những giá trị văn hóa đã được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ.

Cây thông Noel

Cây thông Noel, với sắc xanh tươi đặc trưng, là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi mùa Giáng sinh. Được trang trí lộng lẫy với các loại đèn, quả châu và dây kim tuyến, cây thông tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và niềm tin bất diệt. Theo truyền thuyết, các tán rộng của cây thông bảo vệ thế gian khỏi gió lạnh của mùa đông, mang lại sự an lành và hạnh phúc.

Ông già Noel (Santa Claus)

Hình ảnh ông già Noel với bộ râu trắng phau, mặc bộ đồ đỏ nổi bật, chính là biểu tượng của tình yêu thương và sự cho đi vô điều kiện. Theo truyền thuyết, ông già Noel cưỡi cỗ xe tuần lộc bay trên bầu trời, đi qua các ống khói để phát quà cho trẻ em ngoan. Biểu tượng này thể hiện tinh thần hào phóng, nhân ái và vui vẻ trong mùa lễ hội.

Ngôi sao Giáng sinh

Ngôi sao Giáng sinh thường được đặt trên đỉnh cây thông, là biểu tượng của sự dẫn đường và ánh sáng. Theo Kinh Thánh, ngôi sao Bethlehem đã dẫn đường cho ba vị vua từ phương Đông tới nơi Chúa Hài đồng giáng sinh. Ngày nay, ngôi sao trở thành biểu tượng của hy vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Những chiếc tất

Những chiếc tất xinh xắn treo trên lò sưởi mang biểu tượng hạnh phúc và may mắn. Theo truyền thuyết phương Tây, ông già Noel sẽ để quà vào những chiếc tất của các em nhỏ ngoan, mang lại niềm vui và sự bất ngờ cho các gia đình trong đêm Giáng sinh.

Hang đá Giáng sinh

Hang đá là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ Giáng sinh, tái hiện lại cảnh Chúa Hài đồng ra đời. Hang đá không chỉ là biểu tượng tôn giáo, mà còn là nơi các gia đình cùng nhau nhìn ngắm, tưởng nhớ về giá trị của sự dung dị và tình yêu thương.

Kẹo gậy

Kẹo gậy màu đỏ trắng không chỉ là món ăn ưa thích trong mùa lễ hội mà còn mang ý nghĩa sâu sắc. Hình dạng cây gậy tượng trưng cho cây trượng của người chăn cừu – biểu tượng của sự chăm sóc và dẫn dắt. Màu đỏ tượng trưng cho máu của Chúa Giesu, còn màu trắng biểu trưng cho sự thuần khiết và tình yêu bất diệt.

Bình luận
vtcnews.vn