• Zalo

Người xạ thủ và tiểu đội tên lửa liên tục bắn rơi B-52

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 08/12/2012 06:25:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa phòng không, tiết lộ chuyện đơn vị đã bắn rơi 4 chiếc B-52.

(VTC News) - Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa phòng không, tiết lộ chuyện đơn vị đã bắn rơi 4 chiếc B-52.


Kỳ 1: Đi tìm lời giải cho bài toán tiêu diệt B-52


Ở tuổi 75, người lính ấy vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, thường tự mình phóng xe máy rời ngôi làng nhỏ bên dòng sông Cà Lồ, Thụy Lâm, Đông Anh) đi chơi nội thành Hà Nội hoặc các vùng lân cận.

Phải hai lần tìm gặp, tôi mới có cơ hội tiếp xúc với Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa phòng không 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361), đơn vị đã bắn rơi 4 chiếc B-52 trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu vào cuối năm 1972.

Bữa nay, ông Đinh Thế Văn ở nhà, cùng vợ lúi húi trong khu vườn rộng rãi mướt mát màu xanh của cây cảnh, cây ăn quả. Thấy khách đến hỏi chuyện cuộc đời quân ngũ, chuyện bắn máy bay B-52 ngày trước, người lính già đầu bạc có gương mặt đen sạm, dáng người gầy mỏng bỗng như hoạt bát hẳn lên.

Đinh Thế Văn - ngoài cùng bên phải, cùng các anh ruột, anh họ trong đoàn dân công tham gia chiến dịch Điện Biên năm 1954. Ảnh tư liệu do Đại tá Đinh Thế Văn cung cấp. 
Là con út trong một gia đình có 3 anh em trai, đầu năm 1954, khi đang học lớp 5, tròn 16 tuổi, Đinh Thế Văn hăm hở theo các anh tham gia đợt tuyển bộ đội. Nhưng ông không trúng tuyển vì chỉ nặng có… 38kg, đành vào đoàn dân công C268 với nhiệm vụ phá đá, đốt mìn, làm đường.

Ở đoàn dân công được một tháng thì đơn vị được chuyển sang biên chế quân đội. Và vẫn vì lý do cân nặng, duy nhất ông Văn không được chuyển. Năn nỉ mãi không được, ông cứ lẽo đẽo theo đơn vị hành quân. Nhận thấy ở ông sự nhiệt tình, hăng hái, chân thành, ban chỉ huy lại “chiếu cố” chấp nhận cho nhập ngũ vào ngày 3/3/1954.

Ông được huấn luyện xạ kích ở bộ binh, rồi bổ sung vào đơn vị pháo phòng không 12ly7 bảo vệ bộ binh chiến đấu, với nhiệm vụ… vác đạn. Những đêm ngày tham gia trực tiếp ở Chiến dịch Điện Biên Phủ là bước đầu trong cuộc đời quân ngũ của người chiến sỹ Đinh Thế Văn.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, mấy năm sau, ông được chuyển ngành sang Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Miệt mài lao động và học tập, đến năm 1965, ông đã học xong chương trình phổ thông, trung cấp hóa chất và thi đỗ vào Đại học Bách khoa.

Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cùng các đồng đội bàn phương án tác chiến trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu.

Lúc này, Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ông lại xếp bút nghiên, trở lại quân ngũ. Được biên chế vào Tiểu đoàn tên lửa phòng không 77 (trung đoàn 257), ông Đinh Thế Văn lần lượt trải qua nhiều cương vị công tác và chiến đấu, đến năm 1971 đã là thượng úy, tiểu đoàn trưởng.


Ông và đồng đội đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công, bắn rơi nhiều máy bay địch… Nhưng ông cũng trải nghiệm nhiều bài học xương máu, chứng kiến nhiều sự hy sinh anh dũng của đồng đội.

Tháng 3/1972, quân đội ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, mở đầu bằng chiến dịch Thừa Thiên - Huế và giành thắng lợi liên tiếp trên các mặt trận. Địch điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc.

Chúng bổ sung lực lượng gấp nhiều lần, tăng thêm 50 máy bay B-52 lên tổng số 140 chiếc, tăng cường máy bay F4D, F4E, F4J và A6, A7. Thiết bị điều khiển bom laser được thay bằng loại do một chiếc ném và chiếu shrike, tên lửa chống radar thay bằng tên lửa Standar có cự ly và tốc độ lớn hơn.

Đại tá Đinh Thế Văn kể chuyện đánh B52 

Đặc biệt, chúng tích cực dùng máy gây nhiễu ALQ-87 và ALQ-100, là loại có công suất mạnh hơn rất nhiều, hòng cản mắt lực lượng phòng không của ta.


Để đối phó, trung đoàn 257 được chuyển về hướng Tây - Tây Bắc thủ đô, tiểu đoàn 77 được cơ động về trận địa Chèm với những mục tiêu bảo vệ cực kỳ quan trọng là lăng Bác, khu Trung ương, sân bay Nội Bài, Đài Phát thanh Mễ Trì, Nhà máy điện Yên Phụ...

Đại tá Đinh Thế Văn tâm sự: “Thời điểm này, chúng tôi đã đối đầu với B-52, nhưng chưa đạt hiệu quả vì cách đánh chưa phù hợp trong điều kiện nhiễu nặng.

Như ở trận chúng đánh ga Hà Nội, chỉ bằng một tốp 4 chiếc và hai quả bom laser đã phá hủy toàn bộ tòa nhà ga chính trong thời gian chưa quá 5 phút. Nếu chúng ta không thay đổi cách đánh thì hiệu quả kém đi là tất yếu.

“Siêu pháo đài bay” B-52 bị “Rồng lửa Thăng Long” bắn trúng tại Hà Nội. Ảnh tư liệu. 

Vấn đề lớn nhất khi đánh B-52 là chống nhiễu và chống shrike (tên lửa không đối đất). Bởi tuy là một pháo đài bay to lớn cồng kềnh, tốc độ bay chậm, nhưng B-52 được bảo vệ bằng hệ thống chống nhiễu tối tân, lại bay vào ban đêm nên khó quan sát được bằng mắt thường.


Nếu ta bật radar quan sát thì sẽ bị các loại máy bay tiêm kích phát hiện, phóng tên lửa Standar tiêu diệt ngay lập tức. Vấn đề không còn trong phạm vi tiểu đoàn nữa. Ngay cả các chuyên gia quốc tế cũng rất căng thẳng mà chưa sao nghĩ ra phương pháp hữu hiệu”.

Việc đầu tiên của Tiểu đoàn 77 trong việc chuẩn bị đối phó với B-52 là củng cố nhân sự, lựa chọn những con người tốt nhất phù hợp cho từng vị trí. Tiếp theo là việc rèn luyện phương pháp đánh trong điều kiện địch sử dụng tên lửa chống lại.

Đây là cách đánh chính, cần thuần thục thao tác tắt mở ăng ten kịp thời, không để cho địch điều khiển tên lửa chính xác vào đài mà ta vẫn bám sát được mục tiêu trong sai số không đáng kể. Thời khắc quyết định sống còn đó thường chỉ là 3- 5 giây, đòi hỏi trắc thủ phải thực sự dạn dày kinh nghiệm.

Ngày 29/9/1972, địch tổ chức nhiều tốp đánh sân bay Nội Bài và Nhà máy điện Yên Phụ. Khi tiểu đoàn mở máy thu trên màn hiện sóng nhiễu dày đặc, khi phát sóng thử kiểm tra thấy nhiễu tiêu cực xen kẽ với nhiễu tiêu cực trắng xóa cả màn hiện sóng.

Theo phương án đã tính sẵn, tiểu đoàn bám sát vào giải nhiễu của tốp chỉ định, rồi phóng 2 tên lửa. Khi tên lửa của ta cách mục tiêu 10 km, tín hiệu tên lửa địch ở cự ly 13 km, nên vẫn cho bám sát 3 màn tự động. Khi có điểm nổ, sĩ quan điều khiển liền nhanh chóng tắt ăng ten tránh làm mục tiêu cho địch. Tên lửa địch nổ cách trận địa 500 m.

Đại tá Đinh Thế Văn hào hứng nói: “Trận đánh này giúp chúng tôi mấy kết luận quan trọng: Dù địch gây nhiễu nặng, nhưng đến cự ly thích hợp phát sóng vẫn bắt được mục tiêu đối với máy bay chiến thuật.

Khi đánh, ta phát sóng thì địch vẫn sẽ phóng tên lửa chống lại. Nhưng nếu khi tên lửa ta còn cách máy bay địch khoảng 10 km mà tên lửa địch cách đài xa hơn, thì có thể tiếp tục bám sát cho đến khi có điểm nổ. Rồi nhanh chóng tắt ăng ten.

Tuy nhiên, chênh lệch cự ly cần có độ an toàn, tức là cự ly địch phải hơn ta 6 km thì mới chắc chắn. Đây là ý tưởng đầu tiên giúp chúng tôi đi vào đánh B-52.

Ý tưởng này càng được củng cố, khi chúng tôi nghiên cứu kỹ về B-52. Chúng tôi thảo luận và cùng nhất trí: Trung thành với phương pháp đánh trong nhiễu, phải nhanh chóng nhận ra nhiễu B-52, kiên quyết nghiên cứu giải nhiễu B-52, rút ra được tham số bay như tốc độ góc tà, tốc độ góc phương vị và cự ly để phán đoán đường bay. Tập trung chú ý đường bay từ hướng Tây Bắc xuống là chủ yếu.

Trong đội hình toàn sư đoàn, trên hướng Tây – Tây Bắc có các Tiểu đoàn 78 (Sơn Tây) Tiểu đoàn 57 (Đại Đồng), Tiểu đoàn 59 (Cổ Loa) và chúng tôi (Chèm) ở vị trí sâu hơn.

Những ngày tháng trước trận “Điện Biên Phủ trên không” quả thực căng thẳng tột độ. Nhưng tình hình chiến trận nói chung, nhất là việc Trung đoàn Tên lửa phòng không 263 (Quân khu IV) đã bắn rơi B-52 tại chỗ giữa đất Lào và Thái Lan càng làm cho chúng tôi tin tưởng hơn”.

Còn tiếp...


Lê Quân

Bình luận
vtcnews.vn