• Zalo

Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường tăng 7 lần, chuyên gia đề nghị quản lý chặt

Tin tứcThứ Hai, 13/03/2023 14:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần biện pháp quản lý chặt chẽ vấn đề này.

Theo Bộ Y tế, tiêu thụ đồ uống có đường đang ngày càng gia tăng và đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi. Tình hình tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đtăng mạnh gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 50,7 lít/người năm 2018. 63% số hộ gia đình tiêu dùng đồ uống có đường.

Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đồ uống có đường là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ và đồ uống, chất lỏng, nước quả cô đặc; nước có pha hương vị; đồ uống năng lượng và đồ uống dành cho thể thao; trà uống liền; cà phê pha sẵn và sữa pha hương vị.

Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường tăng 7 lần, chuyên gia đề nghị quản lý chặt - 1

Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường tăng 7 lần.

Theo Bộ Y tế, sử dụng đồ uống có đường bất hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em. Nó làm tăng nguy cơ bị rối loạn đường huyết, mỡ máu và huyết áp, từ đó, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng như các biến chứng về tim mạch, đột quỵ và tử vong; đồng thời là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về răng miệng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của Văn phòng WHO tại Việt Nam, trong buổi tập huấn truyền thông phòng chống tác hại rượu bia, thuốc lá và đồ uống có đường mới đây cho hay, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư...

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố năm 2021 cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. 

PGS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích, trong một lon nước ngọt 330ml thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 calo năng lượng. Nhưng uống thêm một lon nước ngọt mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng thêm 60% sau 1,5 năm theo dõi.

Trong khi đó, WHO khuyến cáo giảm lượng đường tự do tiêu thụ trong suốt quá trình sống; nên giảm lượng đường tự do tiêu thụ hàng ngày ở cả người lớn và trẻ em xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và có thể giảm xuống dưới 5% (tương đương 25 gram hoặc 5 muỗng cà phê) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Việc giảm lượng đường tiêu thụ, đặc biệt là dưới dạng đồ uống có đường, có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và có thể giảm nguy cơ thừa cân và béo phì ở người lớn và các bệnh không lây nhiễm.

Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường tăng 7 lần, chuyên gia đề nghị quản lý chặt - 2

Làm sao để có các biện pháp quản lý chặt chẽ vấn đề này.

WHO khuyến nghị tới Chính phủ các nước để thực hiện nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2012 chỉ khoảng 15 quốc gia, đến 2021 ít nhất 50 quốc gia thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Ở Đông Nam Á hiện có Thái Lan, Malaysia, Philippines và Brunei áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Ở Thái Lan sau 2 năm đánh thuế, tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày giảm 2,8%, nước uống có ga giảm 17,7%.

“Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai”, ông Lâm nói và khuyến cáo thêm, nên đồng thời tăng cường cung cấp nước uống an toàn, nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh, cấm tiếp thị đồ uống có đường.

Các chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam cần có các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường như: bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường, chính sách kiểm soát quảng cáo đặc biệt là đối với trẻ em, can thiệp dinh dưỡng trong trường học, đánh thuế đối với đồ uống có đường… Trong đó chính sách thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí bởi nó sẽ giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và khuyến khích sử dụng thực phẩm lành mạnh. 

Hiện, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Vũ Huyền
Bình luận
vtcnews.vn