• Zalo

Người Việt ở Israel bị tên lửa đánh thức từ sáng sớm, trốn hầm trú ẩn suốt 4 giờ

Thời sự quốc tếThứ Tư, 18/10/2023 09:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dù phần lớn cộng đồng người Việt ở Israel sinh sống cách xa vùng chiến sự nhưng các cuộc tấn công rocket từ Dải Gaza luôn có thể rơi xuống bất cứ khu định cư nào.

Hình ảnh quân đội Israel phản công lại lực lượng Hamas ngay dưới tòa nhà người Việt sinh sống ở thành phố Sredot. (Nguồn: VTC Now)

Sau gần hai tuần kể khi xung đột ở Dải Gaza diễn ra (7/10), lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vẫn tiếp tục không kích vào nhiều mục tiêu của phong trào Hamas ở Dải Gaza. Trong khi đó Hamas vẫn thực hiện tấn công rocket vào nhiều khu định cư ở miền nam Israel và giao tranh chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.

Tính đến ngày 12/10, theo Đại sứ Việt Nam tại Israel, 15 thực tập sinh đang học tập tại trung tâm đào tạo quốc tế về nông nghiệp Israel Agrostudies và sống lân cận thị trấn Sredot ở miền nam Israel đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Sredot là một trong những thị trấn nằm gần Dải Gaza nên khu vực này nằm trong nhóm nguy cơ rủi ro cao trong xung đột. Cùng với việc sơ tán 15 tu nghiệp sinh khỏi Sredot, hiện không có công dân Việt Nam nào sinh sống gần khu vực chiến sự.

Tuy nhiên theo nhiều người Việt đang sinh sống Israel nguy cơ vẫn chưa được giải trừ khi các cuộc tấn công rocket vẫn diễn ra bất chấp việc IDF không kích dữ dội Dải Gaza.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Midreshet Ben-Gurion, miền nam Israel chia sẻ về vụ tấn công ngày 7/10.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Midreshet Ben-Gurion, miền nam Israel chia sẻ về vụ tấn công ngày 7/10.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình VTC, anh Nguyễn Mạnh Hùng, một người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại Israel chia sẻ, vụ tấn công ngày 7/10 diễn ra quá bất ngờ và thành phố Midreshet Ben-Gurion anh sinh sống từ trước đến nay khá yên bình nhưng đến nay nó đã nằm trong vùng có nguy cơ bị rocket tấn công.

“Thường thì từ Gaza người ta sẽ không bắn rocket về phía Midreshet Ben-Gurion và đã như vậy trong bao nhiêu năm. Nhưng ngày 7/10 đã có rocket bắn về vùng này”, anh Hùng chia sẻ.

Cũng theo anh Hùng, ngay từ 6h30 sáng 7/10 cả nhà anh đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng còi báo động. Cả nhà anh phải vội vàng di chuyển đến hầm trú ẩn.

Anh Hùng cho biết ở Israel tất cả các khu vực dân cư xung quanh đều có rất nhiều các hầm trú ẩn. Do đó khi mọi người bị còi báo động đánh thức tất cả đều vội vàng chạy đến đó.

Anh Hùng chia sẻ thêm rằng, Israel hứng chịu cuộc tấn công lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại gần đây, giao tranh giữa hai bên không còn là các cuộc tấn công rocket qua lại vốn là chuyện như cơm bữa.

Cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel diễn ra vào sáng sớm 7/10, mở màn với hàng ngàn quả rocket được bắn qua biên giới. Kết hợp với đó các tay súng Hamas đột kích vào các khu định cư Israel bằng đường bộ, đường không và đường biển. Cuộc tấn công diễn ra vào đúng thời điểm Israel trong ngày cuối cùng kỳ nghỉ lễ của người Do Thái nên Tel Aviv gần như bị động trong những giờ đầu tiên của giao tranh.

Theo anh Hùng, trước khi xung đột nổ ra, quan hệ giữa Israel và Gaza đã được cải thiện đáng kể. Đây cũng là lý do khiến nhiều người Israel bị bất ngờ khi cuộc tấn công diễn ra. Gần đây ở Israel, người ta cho phép người lao động từ bên Dải Gaza đi sang Midreshet Ben-Gurion làm để kiếm tiền thu nhập. Mọi thứ đang diễn ra hết sức thuận lợi. Thậm chí, Israel còn đang tiến tới ký hiệp định hòa bình với Ả Rập Xê-út dù trước đó, Israel từ thời điểm lập quốc (1948) đến nay vẫn có mối quan hệ không tốt với các quốc gia Ả Rập láng giềng.

Chia sẻ thêm về tình hình xung đột hiện tại, anh Hùng cho biết sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc chiến này. Bản thân anh và gia đình cũng là lần đầu tiên trải qua cảnh phải bế con xuống hầm trú ẩn, một trải nghiệm mà anh cảm thấy không hề tốt chút nào.

“May mắn chỗ nhà tôi cũng khá xa khu vực xảy ra chiến sự. Nếu gần hơn và thấy bao nhiêu người đang ngủ yên lành vào ngày thứ Bảy cuối tuần tự dưng từ đâu người ta tràn vào bắt bớ, bắn giết và bị bắt cóc thì không còn gì để diễn tả”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Hùng cũng như nhiều người Việt khác ở Israel vừa lựa chọn ở lại và tiếp tục nghe ngóng thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định di chuyển đến nơi khác an toàn hơn.

Hiện tại cộng đồng người Việt ở Israel khá khiêm tốn, chủ yếu là sinh viên chỉ khoảng vài trăm người và một số ít bà con kiều bào. Ngay sau khi giao tranh diễn ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã thông báo hướng dẫn bảo hộ công dân.

Lực lượng an ninh Israel tại Sderot, nam Israel ngày 8/10, sau khi Hamas xâm nhập khu vực này. (Ảnh: Reuters)

Lực lượng an ninh Israel tại Sderot, nam Israel ngày 8/10, sau khi Hamas xâm nhập khu vực này. (Ảnh: Reuters)

Một người Việt khác sinh sống cùng gia đình gần Dải Gaza - chị Trần Thị Huệ Anh cho biết, gia đình đã trải qua cảnh phải ngồi trong hầm trú ẩn suốt 4 giờ đồng hồ trước các cuộc tấn công rocket vào nhiều thành phố miền nam Israel.

Chị Trần Thị Huệ Anh và gia định hiện đang sinh sống tại thành phố Beersheva nằm cách Dải Gaza gầm 40km. Khi cuộc tấn công diễn ra, gia đình chị vẫn đang ngủ và phải chạy nhanh đến hầm trú ẩn khi tiếng còi báo động vang lên.

Cũng theo chị Anh, trong năm nay, vùng Beersheva đã hai lần báo động tấn công rocket nhưng mọi việc diễn ra khá nhanh và cũng là chuyện bình thường hàng ngày. Tuy nhiên lần này cứ 5 phút còi báo động lại vang lên một lần.

Chị Anh cho biết các khu định cư hoặc thị trấn bị Hamas tấn công không có sự hiện diện của IDF và các thành phố lớn hoặc các khu tập trung phức tạp mới được bảo vệ. Bảo vệ các khu định cư thông thường dân số vài trăm người chỉ có cảnh sát.

Giống như anh Hùng, chị Anh cũng cho rằng Israel đã bất ngờ trước cuộc tấn công của Hamas, nhất là vào ngày nghỉ lễ. Dù vậy chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị cho các tình huống như vậy bằng các hầm trú ẩn dành cho dân thường.

“Gọi là hầm nhưng thực chất nó là một tòa nhà trên mặt đất với tầng 1 được bỏ trống để làm nơi trú ẩn khi cần thiết”, chị Anh chia sẻ.

Anh Bùi Xuân Tứ thực tập sinh Việt Nam đang sinh sống tại thành phố Sderot – nằm cách Dải Gaza chỉ 5km.

Anh Bùi Xuân Tứ thực tập sinh Việt Nam đang sinh sống tại thành phố Sderot – nằm cách Dải Gaza chỉ 5km.

Còn theo anh Bùi Xuân Tứ, thực tập sinh Việt Nam đang sinh sống tại thành phố Sderot – nằm cách Dải Gaza chỉ 5km cho biết, sáng sớm 7/10 họ nghe thấy một loạt tiếng nổ lớn trong thành phố. Thậm chí anh còn quay lại được cảnh binh sĩ Israel phản công lại các tay súng Hamas ở Sderot ngay bên dưới chân tòa nhà nơi anh Tứ cùng 6 thực tập sinh người Việt khác đang sinh sống.

Trong những ngày đầu giao tranh khốc liệt, các thực tập sinh Việt Nam tại Sderot chỉ biết đóng kín cửa và chèn chặt lối ra vào tại các tòa nhà, thậm chí tận dụng mọi thứ có thể để cản trở việc đột nhập vào từ bên ngoài. Họ còn đối mặt với nguy cơ thiếu thực phẩm khi siêu thị đóng cửa và thành phố bị cắt điện.

Rất may mắn nhóm thực tập sinh người Việt ở Sderot đã được chính quyền Israel và Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ kịp thời.

Anh Tứ và các thực tập sinh khác đều chia sẻ đây là lần đầu mọi người trải qua giao tranh căng thẳng như vậy, ai cũng hoảng sợ. Dù vậy tất cả đều cho rằng nguy cơ họ bị rocket đánh trúng là rất thấp khi hệ thống phòng không Iron Dome đánh chặn gần tất cả rocket Hamas bắn sang.

Trước tình hình chiến sự không có dấu hiệu hạ nhiệt sau gần một tuần, ngày 12/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã phối hợp với chính quyền địa phương đã sơ tán toàn bộ 15 thực tập sinh Việt Nam đến nơi an toàn.

Đại sứ quán Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để thực hiện tốt nhất công tác bảo hộ và hỗ trợ công dân Việt Nam trong những ngày tới, công dân Việt Nam cần giúp đỡ, có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel theo số điện thoại +972508186116 và +972527274248 +972509940889.

Ngoài ra, Đại sứ Israel tại Việt Nam Jadron Meyer cho biết chính quyền Israel chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các công dân Việt Nam và không hề có sự phân biệt đối xử nào. Công dân Việt Nam sẽ được hỗ trợ về mặt y tế hoặc những trợ giúp khác.

Công dân Việt Nam tại Israel khi cần trợ giúp liên hệ với:

- Đại sứ quán Việt Nam tại Israel: +972-50-818-6116, +972-52-727-4248 và +972-50-994-0889

- Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Trà Khánh(Nguồn video: VTC Now)
Bình luận
vtcnews.vn