CNN ngày 17/10 dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc giấu tên cho biết, Washington sẽ triển khai 2.000 lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng phản ứng nhanh đến gần bờ biển Israel. Động thái này vừa để phô trương sức mạnh vừa thể hiện cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người chỉ trong chưa tới 2 tuần xung đột.
Nguồn tin của CNN nói thêm, lực lượng phản ứng nhanh được huy động từ đơn vị lính thủy đánh bộ viễn chinh số 26 đang diễn tập gần Kuwait. Trong khi đó có thông tin cho thấy tàu đổ bộ tấn công USS Bataan của hải quân Mỹ đã rời khỏi Vịnh Oman và nhiều khả năng sẽ di chuyển đến đông Địa Trung Hải cùng 2.000 lính thủy đánh bộ.
Việc triển khai hải quân được cho là nhằm “gửi thông điệp răn đe tới Iran và nhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon”, và một số tàu chiến của Mỹ gần đây đã tuần tra vùng biển gần Iran
Chỉ trong ít ngày qua, Mỹ đã triển khai tới 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới phía đông Địa Trung Hải. Washington coi sự hiện diện của họ sẽ "răn đe các thế lực thù địch chống Israel".
Cũng theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trước đó đã trực tiếp yêu cầu việc chuẩn bị triển khai khoảng 2.000 binh sĩ đến sát Israel để thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ y tế và hậu cần.
Washington nhiều lần khẳng định họ sẽ không triển khai lực lượng tham gia bất cứ hoạt động chiến đấu trực tiếp nào trong cuộc xung đột giữa Hamas-Israel, nhưng đang khẩn trương cung cấp cho Israel thêm vũ khí và đạn dược.
Mặc dù các quan chức cho biết động thái này nhằm mục đích "ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn", nhưng kế hoạch này được đưa ra khi một số nhà lập pháp Mỹ thúc đẩy hành động quân sự trực tiếp ở Trung Đông.
Trong cuộc trò chuyện với CNN vào tuần trước, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã tuyên bố: “Nếu có sự leo thang trong cuộc chiến chống lại Israel, tôi sẽ đổ lỗi cho Iran và giờ là lúc phải đưa ra cảnh báo cho họ”.
Khi được hỏi liệu Washington có nên “ném bom Iran” hay không, ngay cả khi không có bằng chứng cho thấy nước này đã hỗ trợ cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, Thượng nghị sĩ Graham chỉ trả lời đơn giản: “Có”.
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát sau khi Hamas ngày 7/10 phóng loạt rocket rồi mở đợt tấn công phối hợp bằng đường bộ, đường không và đường biển vào Israel. Tel Aviv đáp trả bằng cách phát động chiến dịch không kích ồ ạt vào Dải Gaza và phong tỏa toàn diện khu vực này. Theo báo cáo của cả hai bên, khoảng 1.400 người đã thiệt mạng ở Israel trong vụ bùng phát mới nhất, trong khi các quan chức Palestine báo cáo hơn 2.800 người thiệt mạng ở Gaza.
Tình hình nhân đạo tại Dải Gaza đang diễn biến xấu đi nhanh chóng khi hàng trăm ngàn người sinh sống tại đây hoảng loạn di chuyển về phía gần biên giới Ai Cập. Họ bỏ lại nhà cửa để sơ tán trong tình trạng không đủ thực phẩm, không nước sạch và thuốc men cạn kiệt.
Hiện cửa khẩu Rafah là điểm duy nhất lưu thông Dải Gaza với bên ngoài mà không nằm trong tầm kiểm soát của Israel. Tuy nhiên, các bên vẫn bất đồng về cách thức di chuyển của các đoàn xe qua biên giới và cơ chế đảm bảo an ninh cho lực lượng cứu trợ.
Bình luận