• Zalo

Người Việt Nam duy nhất ở Viện Hàn lâm Khoa học Pháp

Giáo dụcThứ Sáu, 16/12/2011 02:16:00 +07:00 Google News

Giáo sư - Viện sĩ Bùi Huy Đường, người Việt Nam duy nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp với khoảng 350 thành viên.

Trong hơn 400 nghìn người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Pháp, có khá nhiều người thành đạt, được xã hội Pháp trọng dụng. Trong số này phải kể đến Giáo sư - Viện sĩ Bùi Huy Đường, người Việt Nam duy nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp với khoảng 350 thành viên.

Giáo sư - Viện sĩ Bùi Huy Đường.

Sinh năm 1937 ở Hà Nội, vào năm 18 tuổi, ông Bùi Huy Đường sang Pháp theo học tại trường Đại học Bách khoa Pháp, sau đó là trường Mỏ và bảo vệ thành công tấm bằng Tiến sĩ Khoa học năm 1969.

Với nhiều cống hiến quan trọng trong lĩnh vực cơ học chất rắn của Pháp nói riêng và thế giới nói chung, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp năm 1995. Năm 2008, ông lại được nhà nước Pháp trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng năm danh giá.

Viện sĩ Bùi Huy Đường tâm sự: "Các nhà khoa học tùy theo phương tiện của mình, có thể giúp quê hương một cách trực tiếp và có hiệu quả. Không nhất thiết phải bảo người ta về nước rồi cho nhà, tiền lương cao, điều kiện tốt...

Ngay cả ở bên Pháp, dù có học thật giỏi mà không có phương tiện, có thầy, có sở... thì cũng không đi đến đâu cả”. Với ý nghĩ ấy, ông đã không về Việt Nam trực tiếp làm việc, mà hướng về quê nhà từ nước Pháp, nơi có môi trường khoa học thuận lợi hơn cho công tác nghiên cứu khoa học.

Nhiều năm qua, ông luôn âm thầm đóng góp cho quê hương thông qua nỗ lực đón tiếp và tận tình hướng dẫn các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang Pháp học tập, cũng như sẵn sàng trao tặng bản quyền một số quyển sách chuyên ngành mà ông viết cho các trường Đại học của Việt Nam dịch sang tiếng Việt làm phương tiện giảng dạy và nghiên cứu cho sinh viên.

Đặc biệt hiện tại, với tư cách nguyên cố vấn của Tập đoàn điện lực Pháp EDF, GS. Bùi Huy Đường đang dồn hết tâm huyết với chủ đề hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng trong tương lai tại quê nhà. Trước mắt, ông đang tập hợp nhiều tài liệu cần thiết trong lĩnh vực này để hỗ trợ Việt Nam khi cần.

Ông nói: "Khoa học và công nghệ điện hạt nhân hiện nay ở Việt Nam chưa phát triển. Trong tương lai gần, Việt Nam cần phải đào tạo rất nhiều kỹ sư, tiến sĩ khoa học về ngành này, hoặc dựa vào hợp tác với nước ngoài. Tôi nhận thấy rằng sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam rất giỏi trong một số lĩnh vực quan trọng trong phát triển ngành điện hạt nhân như cơ học chất rắn, xây dựng, toán ứng dụng, mô hình hóa... và họ cần được quan tâm đầu tư, đào tạo có chiến lược để có thể đóng góp hiệu quả cho chiến lược phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Cần nhớ rằng ngay cả ở bên Pháp và Mỹ, nhiều vấn đề vẫn còn chưa được giải quyết rốt ráo và luôn cần đến công tác nghiên cứu phối hợp với các trường đại học. Vì vậy, trình độ tiến sĩ là rất cần cho điện hạt nhân. Tôi luôn tâm niệm sẽ giúp Việt Nam tổ chức an toàn hạt nhân và đây cũng là dự định quan trọng nhất của tôi vào cuối đời”.

Tiếp tục nói về những yêu cầu và giải pháp cho Việt Nam trong việc triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, GS. Bùi Huy Đường nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng Việt Nam phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân tương lai bằng cách phát triển cả về lượng và chất lực lượng khoa học nói chung và công nghệ về điện hạt nhân nói riêng.

Lúc đầu như chúng tôi đã làm ở Pháp, thì Việt Nam phải dựa vào lực lượng khoa học và công nghệ của tất cả các trường đại học trong nước, hoặc ngay cả ở ngoài nước. Dĩ nhiên việc lựa chọn công nghệ xây dựng thuộc phạm vi của nhà nước Việt Nam quyết định, sau khi biết rõ được những tổ chức và cách làm việc để về sau có thể tự sửa chữa. Đặc biệt, cần có tổ chức các cơ quan an toàn hạt nhân, quy trình quản lý an toàn hạt nhân hiệu quả, chặt chẽ.

Tôi đã từng làm việc tại Tập đoàn điện lực Pháp EDF về cơ học chất rắn và sự an toàn nhà máy, nên biết rõ cách làm an toàn trong nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Theo tôi, tổ chức công tác an toàn của Pháp hơn hẳn so với Mỹ, Nga, Nhật Bản và Việt Nam có thể học tập. Cụ thể, người Pháp đã có gần 40 năm kinh nghiệm của các Tập đoàn EDF, AREVA hoặc CEA (Commissariat à l'Energie Atomique/Cao ủy về Năng lượng Nguyên tử), đã đưa ra rất nhiều sự thay đổi để cải thiện nhà máy.

Nói tóm lại, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ 3 điểm quan trọng trong công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên như sau: Lựa chọn công nghệ xây dựng tốt, tiên tiến; Lực lượng khoa học phải có trình độ cao và cuối cùng là tổ chức an toàn cho nhà máy điện hạt nhân sao cho vừa hiệu quả, vừa chặt chẽ”.

Theo Như Quỳnh

Đại Đoàn Kết
Bình luận
vtcnews.vn