Vị trí Báo cáo viên chính là trong thành phần lãnh đạo (Bureau) của Ủy ban - người tổng hợp báo cáo cuối cùng của Uỷ ban trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cũng được nhóm châu Á - Thái Bình Dương (gồm 8 ủy viên) tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm.
Năm 2016, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đại sứ luôn chủ động phát huy vai trò trong việc thúc đẩy các kết quả nghiên cứu của ILC, tích cực phát biểu và tham gia thảo luận các chủ đề tại Ủy ban.
GS. TS Nguyễn Hồng Thao đã có những đóng góp vào các chủ đề truyền thống là mối quan tâm của giới nghiên cứu nói chung, như thừa kế quốc gia, giải quyết tranh chấp quốc tế...
Bên cạnh đó, đại sứ góp phần thể hiện sự quan tâm của các nước đang phát triển đối với những chủ đề mới và phi truyền thống. Ông tham gia sôi nổi trong các phiên thảo luận về chủ đề bảo vệ bầu khí quyển, bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang...
Với vai trò đoàn kết, hòa đồng và đóng góp tích cực cho công việc của Ủy ban nên năm 2018, kỷ niệm 70 năm thành lập ILC, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã được các đồng nghiệp bầu vào vị trí Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban, một vị trí không phải ai ở nhiệm kỳ đầu tiên cũng có được.
Tháng 11/2021, Đại sứ tái đắc cử vị trí thành viên ILC nhiệm kỳ 2023-2027, trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 ở New York, với 145/191 phiếu bầu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Nguyễn Hồng Thao tốt nghiệp Tiến sỹ Luật tại Trường Paris I, ĐH Sorbonne, Pháp. Ông từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam.
Ông còn giữ vai trò cố vấn pháp lý cho các dự án luật quan trọng như Luật Biển, Luật Môi trường; là thành viên sáng lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Hội Luật quốc tế châu Á (AsianSIL). Từ năm 2020, ông là Trọng tài viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) được thành lập theo nghị quyết số 174 ngày 21/11/1947 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế, thông qua việc nghiên cứu, thảo luận và đưa ra khuyến nghị. ILC là nơi sản sinh nhiều điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng, tiêu biểu là Công ước Viên năm 1969 về Điều ước quốc tế.
Thành viên ILC thường là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế.
Bình luận