Chiều 19/4, trong cuộc gặp gỡ với báo chí, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack chia sẻ rất ấn tượng với những nỗ lực của Việt Nam trong thực hành nông nghiệp thông minh và cho biết Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
- An ninh lương thực đã trở thành một vấn đề nóng thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong đảm bảo an ninh lương thực?
Việt Nam là nước sản xuất gạo lớn. Tôi nghĩ rằng khi chúng ta hợp tác cùng nhau để giảm phát thải khí nhà kính sẽ giúp Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu của chính mình mà còn hy vọng có thể hỗ trợ thêm cho các quốc gia khác.
Về an ninh lương thực, thực tế là mọi quốc gia đều có vai trò trong điều này. Như chúng ta thấy dân số thế giới đang tăng lên. Tất cả chúng ta sẽ phải tìm ra cách phát triển với quỹ đất nông nghiệp ít hơn, năng lượng đầu vào và nước ít hơn. Tôi tin rằng khi hợp tác cùng nhau, thông qua đổi mới, chúng ta sẽ thấy được sự gia tăng sản xuất được thực hiện theo cách bền vững.
- Nguyên nhân gì khiến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Mỹ đang giảm trong thời gian gần đây, thưa ông?
Khả năng nhập khẩu gỗ và các sản phẩm làm từ gỗ có liên quan trực tiếp đến bản chất của nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi đã chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao làm giảm số lượng nhà ở được bán, dẫn đến nhập khẩu giảm. Hiện lạm phát đang được kiểm soát, vì vậy tôi cho rằng sẽ có nhiều đồ nội thất và các sản phẩm gỗ khác được nhập khẩu trở lại hơn trong tương lai gần.
- Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu với nông nghiệp, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thế nào, thưa ông?
Về biến đổi khí hậu, chúng ta đều có nhiều điều cần làm. Tại Mỹ, chúng tôi đã bắt đầu chương trình "Quan hệ đối tác cho các mặt hàng lâm nghiệp và nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu". Chương trình được thiết kế để tìm hiểu cách tốt nhất giảm phát thải khí nhà kính và carbon hơn khi chúng ta phát triển và tăng sản lượng hàng hóa. Trong đó, một số dự án có mức độ phù hợp cụ thể với Việt Nam. Trong đó có một số dự án phù hợp với Việt Nam, như dự án tìm cách giảm khí mê-tan trong sản xuất lúa gạo.
Việt Nam cũng là một phần của Liên minh tăng trưởng năng suất bền vững - nỗ lực mà Mỹ bắt đầu vào năm 2021 tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc.
Khi thực hiện các chương trình này, chúng tôi chia sẻ thông tin với nông dân Mỹ và với cả các nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi cũng có các trao đổi, giữa các nhà khoa học và chuyên gia hai nước theo một số chương trình học bổng.
Chúng ta cũng sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau khi Việt Nam hiện đại hóa các hệ thống quản lý và an toàn, cũng như các hệ thống thương mại để các sản phẩm của Việt Nam có thể giao dịch trên toàn cầu dễ dàng hơn. Tất cả nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực trên thế giới, đồng thời thực hiện nó một cách bền vững.
- Ông đánh giá như thế nào về thực tế cũng như tiềm năng của nông nghiệp thông minh tại Việt Nam?
Tôi lạc quan về việc Việt Nam cam kết sản xuất bền vững lương thực, với mục tiêu tích cực cho nền kinh tế không phát thải vào năm 2050. Đó là mục tiêu mà chúng tôi đã nói đến ở Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi tập trung vào các khía cạnh. Thứ nhất là chia sẻ thông tin, sử dụng những đổi mới và công nghệ, cũng như khuyến khích nông dân thay đổi hệ thống và cách thức sản xuất. Tôi tin rằng định hướng khuyến khích dựa trên nhu cầu thị trường một cách khoa học có thể là một cách tốt để thuyết phục nông dân áp dụng các biện pháp thông minh với khí hậu.
Tôi rất vui khi được chia sẻ những gì chúng tôi đã học được với Việt Nam và các quốc gia khác để chính phủ và các nhà sản xuất ở đây có thể tự lựa chọn điều gì họ muốn áp dụng. Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực và sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hành nông nghiệp thông minh.
- Trọng tâm hợp tác nông nghiệp của hai nước trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng các trọng tâm là những gì chúng ta đang làm và hoàn thiện hệ thống thương mại, mở rộng thị trường.
Chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức và thông tin về các phương pháp hay nhất trong thực hành nông nghiệp cũng như sẽ tiếp tục tập trung vào thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng muốn hiện đại hóa hệ thống quy định và hệ thống chứng nhận an toàn giúp các sản phẩm của Việt Nam được giao dịch dễ dàng hơn. Và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mục tiêu tăng trưởng năng suất bền vững.
Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm tìm hiểu các cơ hội tại thị trường Việt Nam cho các nhà sản xuất của Mỹ.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đề xuất kế hoạch về 1 triệu ha sản xuất lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp và dự kiến kế hoạch này sẽ tiêu tốn khoảng 1,7 tỷ USD. Ông có thể cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thế nào trong những kế hoạch này?
Tôi đã đề cập đến một vài điều mà chúng tôi hiện đang làm và sẽ tiếp tục thực hiện, như một số mức hỗ trợ tài chính thông qua chương trình trợ cấp về phân bón, sự chia sẻ thông tin thông qua môi trường quốc tế. Chúng tôi tiếp tục phối hợp cộng tác thông qua liên minh tăng trưởng năng suất bền vững, trao đổi chuyên gia qua các chương trình học bổng.
Bên cạnh đó, sáng kiến đổi mới nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu của chúng tôi cũng có gần 10 tỷ USD được cam kết để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển áp dụng các thực hành thông minh về khí hậu. Ngoài ra, còn có đầu tư của khu vực tư nhân gồm các công ty hoặc tổ chức có quan tâm đến Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack tới Việt Nam với mục tiêu củng cố mối quan hệ nông nghiệp và nêu bật mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước. Tại Việt Nam, ông đã có cuộc gặp gỡ các quan chức và trò chuyện với sinh viên.
Theo ông Vilsack, Mỹ đánh giá cao việc mở rộng cơ hội thương mại giữa hai nước trong các sản phẩm nông nghiệp gần đây, với các loại trái cây Việt Nam vào Mỹ và trái cây Mỹ vào Việt Nam.
Mỹ cũng bắt đầu hợp tác để hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng năng lực và đào tạo liên quan đến nông nghiệp. Ông Vilsack đã thăm Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tại Hà Nội và dự lễ khánh thành Phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART. Dự án được Cục Lâm nghiệp Mỹ tài trợ, tăng cường năng lực giám định gỗ và hỗ trợ công nghệ giám định gỗ DART cho Việt Nam. Đây là hệ thống phân tích tự động cho kết quả trong thời gian phân tích rất ngắn.
Mỹ cũng gửi lời mời phái đoàn từ Việt Nam đến Washington DC vào tháng 5 trong hội nghị AIM for Climate về khí hậu, tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bình luận