• Zalo

'Người Việt cứ hám tiền hại đồng loại, không có tư cách trách móc nhau'

Chính trịThứ Sáu, 25/03/2016 08:30:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc sản xuất thực phẩm bẩn là chính chúng ta đang hại bản thân và hại con cháu.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng việc sản xuất thực phẩm bẩn là đang hại nhau, người này hại người kia và ngược lại, nếu cứ như thế chúng ta không có tư cách gì để trách móc lẫn nhau.

Bên hành lang Quốc hội, trả lời phỏng vấn VTC News, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã bày tỏ sự lo lắng về thực phẩm bẩn và đại dịch ung thư đang tấn công Việt Nam.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Việt Dũng
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Việt Dũng 

- Theo số liệu dự tính đến 2020, Việt Nam có khoảng 1 triệu người bị mắc ung thư. Bà nghĩ gì về con số này?


Con số người mắc bệnh ung thư tăng hằng ngày, hằng giờ, hằng năm. Các bệnh viện chuyên về ung bướu, các bệnh viện đa khoa cũng mở rất nhiều về khoa ung thư nhưng chưa đáp ứng hết về nhu cầu bệnh nhân ngày càng tăng.

- Theo Hiệp hội ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có 150.000 trường hợp mắc mới ung thư và trong đó 75.000 người tử vong. Khi nghe đến con số người chết hàng năm vì ung thư có khiến bà giật mình?

Khi nghe đến số liệu Việt Nam có 75.000 người chết vì ung thư hàng năm tôi cảm thấy rất buồn. Hậu quả là ngành Y tế phải giải quyết và gia đình, bản thân người bệnh là người phải trả giá.

Con số người chết vì ung thư rất lớn cho thấy nhiệm vụ của y tế ngày càng nặng nề hơn.

Trước đây, khi nền kinh tế Việt Nam còn khó khăn, đa số các bệnh gây nguyên nhân tử vong là bệnh truyền nhiễm thì giờ nguyên nhân hàng đầu lại là ung thư.

- Bà thấy sự tàn phá khốc liệt của ung thư tới các gia đình có người mắc căn bệnh này như thế nào.


Là người trong nghề, tôi biết nhiều bệnh còn kinh khủng và tàn phá ác liệt hơn cả ung thư cho nên mắc bệnh nào cũng là một sự đau buồn cho mọi gia đình.

Đối với ung thư, có một số trường hợp diễn biến rất nhanh và người nhà chưa chuẩn bị được tinh thần thì đã mất người thân. Trong khi đó, người mắc bệnh ung thư rất đau đớn, khổ sở đến khi chết.


- Nguyên nhân do đâu mà bệnh ung thư ngày càng tăng, thưa bà?

Thứ nhất, nguyên nhân do môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Thứ hai, thực phẩm bẩn không an toàn và do lối sống của từng cá nhân.
 
Hiện nay, ung thư phổi có liên qua đến thuốc lá thì có những nghiên cứu rõ ràng, còn những loại ung thư khác thì những nguyên nhân nêu trên đều là nguy cơ gây ra ung thư.

Nhiệm vụ của ngành y tế là hướng dẫn, tuyên truyền để cho mọi người giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư. Bên cạnh đó, ngành y tế có trách nhiệm cùng với các ngành khác để giảm thiểu nguy cơ về mất an toàn thực phẩm.

- Phải chăng ung thư đã trở thành đại dịch trên toàn cầu?


Những ca mắc và chết vì ung thư không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với các nước trên thế giới. Đó là hậu quả của lối sống công nghiệp hóa.

Bệnh nhân ung thư tại bệnh viện K 3 Tân Triều.
Bệnh nhân ung thư tại bệnh viện K 3 Tân Triều.  

- Có biện pháp gì để làm giảm bớt gánh nặng cho người bị mắc ung thư không, thưa bà?

Ngành Y tế phải can thiệp sớm nhất. Đừng để cho người giàu đủ điều kiện thì được chữa trị và kéo dài được sự sống, còn người nghèo thì phải chờ chết.

Điều cần làm và đang làm đó là phải có chính sách bảo hiểm y tế sao cho phù hợp. Thực ra, bảo hiểm y tế (BHYT) khi chi trả cho 1 bệnh nhân ung thư là bằng cả trăm lần chi trả cho các bệnh nhân khác.

Chúng ta phải tìm mọi biện pháp. Thứ nhất, cơ chế tài chính phù hợp, thứ hai là giá thuốc cho hợp lý. Đặc biệt giá thuốc ung thư đặc trị, nhập khẩu là đắt nhất trong tất cả các loại thuốc.

Ngoài thuốc ung thư về hóa dược, chúng ta phải phát triển nguồn dược liệu, những nguồn thuốc dân tộc. Chúng ta cần có cơ chế để huy động cả xã hội đóng góp để cùng lo cho những người kém may mắn khi mắc phải bệnh ung thư.

- Như đại biểu Hoàng Ngọc Vinh từng chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội là "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế". Quan điểm của bà về thực phẩm bẩn như thế nào?

 

Khi sử dụng hóa chất để sản xuất thực phẩm bẩn là làm hại con cháu chúng ta và cả chúng ta.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
 
Tôi nghĩ thực phẩm bẩn không chỉ gây ung thư mà còn gây nhiều bệnh khác. Trước mắt là bệnh về đường ruột, tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm.


Hiện nay, trên nhiều phương tiện truyền thông cũng nói nhiều về việc  sử dụng các hóa chất không đủ tiêu chuẩn để đưa vào thực phẩm vì mục đích lợi nhuận.

Rõ ràng đối với người dân, thực phẩm bẩn là nguy cơ nguy hiểm nhất. Ngoài ra, còn ô nhiễm môi trường, bụi khói thường xuyên, hút thuốc lá, rượu bia nhiều...Tất cả làm cho sức đề kháng giảm và tạo cơ hội cho mầm mống bệnh ung thư phát triển.

- Từ phiên chất vấn trong kỳ họp trước đến hiện nay, bà thấy các bộ ngành liên quan đã có những biện pháp để chống lại sự lan tràn của thực phẩm bẩn chưa?


Tôi đã đọc nhiều báo cáo giám sát, chất vấn xung quanh vấn đề vài trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để đối phó với tình trạng thực phẩm bẩn.  

Tôi thấy cách chia trách nhiệm hiện nay cũng chưa ổn. Cũng giống như lần trước, Bộ này ngành này đổ cho Bộ kia ngành kia. Trước chia theo chiều ngang, thực phẩm nếu đang gieo trồng thì nó thuộc Bộ Nông nghiệp, khi lưu thông trên thị trường thì nó thuộc Bộ Công thương, cuối cùng lên mâm cơm thì thuộc Bộ Y tế.

Cách chia như vậy nó manh mún. Lần này theo Luật mới thì theo chiều dọc, nghĩa là Bộ nào chịu trách nhiệm thì phải từ A đến Z nhưng chúng ta lại chia theo nhóm sản phẩm.

Ví dụ ngành Y tế chịu trách nhiệm về nước tinh khiết, nước đóng chai trong khi sản phẩm rượu bia nước giải khát lại thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương.

Chúng ta vẫn bắt gặp tình trạng, ngành này đổ thừa cho ngành kia, không có ai là đầu mối. Nếu yên lành không có chuyện gì ngành nào cũng có thành tích nhưng nếu xảy ra chuyện gì thì... chúng ta cứ ngồi đó trách móc lẫn nhau.

- Thực tế ở địa phương đông dân như TP.HCM đã giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn lan tràn như thế nào?


Vừa qua, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt vấn đề này. Việc giải quyết sự lan tràn thực phẩm bẩn là một trong những việc đầu tiên ông Thăng chỉ đạo khi về làm việc với ngành y tế thành phố.

Ngay buổi làm việc với Bộ trưởng Y tế, và Sở Y tế TP.HCM, ông Thăng đã đề nghị phải có đầu mối trách nhiệm và đã giao việc này cho Sở Y tế TP.HCM.

Trong thời gian tới, tôi với tư cách là Phó GĐ Sở Y tế TP.HCM, tuy không trực tiếp phụ trách phần vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng tôi sẽ cùng với Giám đốc Sở Y tế đốc thúc việc này.

Vấn đề ở đây là Sở Y tế phải đứng ra chịu trách nhiệm nếu có vấn đề về thực phẩm bẩn xảy ra, làm sao để đảm bảo dân thành phố được ăn thực phẩm an toàn.

Nếu không làm được việc này, Sở Y tế phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM. Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM được phân cấp để có thể làm đầu mối cùng các Sở ngành khác hành động chứ không phải chỉ Sở Y tế hành động.

Thứ 2, với tư cách đại biểu Quốc hội thì tôi cũng sẽ lấy ý kiến cử tri rồi phản ánh trên diễn đàn và cùng với diễn đàn Quốc hội để giám sát, đôn đốc việc này.

- Bà có đề xuất gì để có thể ngăn chặn được thực phẩm đang lan tràn, tàn phá giống nòi như hiện nay?

Từ thực tế của TP.HCM, tôi hy vọng tiến đến sửa luật, phân công cho rõ ràng.Trong Luật tôi có đề nghị 2 vấn đề:
 
Thứ nhất, thực phẩm chức năng. Loại này gần với thuốc hơn là thực phẩm, tại sao Bộ Y tế lại lý luận là đã được quản lý trong Luật an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi không đồng ý, phải có trong Luật thì mới quản chặt chẽ được. Thực phẩm chức năng không có chất lượng thì cũng là thực phẩm bẩn.

Thứ 2, về mô hình quản lý. Tại sao các nước quản lý được còn ta lại không. Tôi nghĩ về bộ máy nhà nước hay luật của các nước cũng không hơn gì Việt Nam nhưng họ xử nghiêm, không đổ thừa cho nhau.

Bây giờ chúng ta cứ loay hoay đi thành lập chi cục này, chi cục kia rồi lại chồng chéo trách nhiệm và sau cùng chỉ có người dân là trả giá mà không ai chịu trách nhiệm.

Video: Băng vệ sinh nghi gây ung thư vẫn được bán ở Việt Nam

Nguồn: VTV

- Tức là dù giao cho đơn vị nào làm đầu mối quản lý thì cũng phải giao cho họ thực quyền và cả trách nhiệm, thưa bà?

Tôi có đề xuất cơ quan được giao chống thực phẩm bẩn phải có quyền đủ mạnh, có quyền nếu phát hiện ra, xử phạt nặng hoặc đình chỉ ngay lập tức, không cần trình báo ai.

Trong cơ chế hành chính của Việt Nam, khi đưa lên qua các cấp, sự việc cứ nguội dần rồi không ai chịu trách nhiệm cả.

 

Người Việt phải ý thức được là không nên đầu độc nhau. Nếu bây giờ vì lợi nhuận mà hại người khác thì cũng sẽ bị người khác hại lại.
ĐBQH Khánh Phong Lan
 
Việc gì cũng tập thể quyết. Phải có vai trò của cá nhân, vai trò của nơi chịu trách nhiệm, phải rõ ràng chứ không thể để tình trạng đó làm hòa được.


Tôi lấy ví dụ sai phạm tại các chợ hóa chất vẫn chưa xử lý được. Mỗi lần xử lý thì các cơ quan cứ lôi luật ra.

Có luật nào quan trọng bằng tính mạng của người dân, bằng sức khỏe của người dân, vấn đề chúng ta muốn xử hay không.

Bên cạnh xóa những cơ sở thực phẩm bẩn thì phải xây dựng các cơ sở sản xuất và bán thực phẩm an toàn. Nếu như chúng ta kiểm soát được thực phẩm đến từ các chợ đầu mối thì sẽ đỡ hơn. Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm ở các siêu thị cũng tốt hơn.

Cho nên, tất cả những việc đó phải song hành, nếu chỉ đi phạt thì người dân biết mua ở đâu.

- Báo chí đã từng nêu trường hợp người nông dân trồng riêng một khoảnh để nhà ăn còn phần lớn thì phun thuốc sâu, dùng thuốc kích thích để bán ra thị trường. Phải chăng chính ý thức của người sản xuất phải cần đặt lên hàng đầu?

Người Việt phải ý thức được là không nên đầu độc nhau. Nếu bây giờ vì lợi nhuận mà hại người khác thì cũng sẽ bị người khác hại lại. Khi đó chúng ta không có tư cách gì để trách móc lẫn nhau.

Khi sử dụng hóa chất để sản xuất thực phẩm bẩn là làm hại con cháu chúng ta và cả chúng ta.

Trong khi đó, người dân Việt Nam lại có tâm lý cứ nhìn nhau. Họ thường nghĩ tại sao người khác làm được mình làm không được cho nên Nhà nước phải chủ động về vấn đề này. Tôi nghĩ phạt cho thật nghiêm thì sẽ làm được.

- Theo bà, hiện nay cơ chế xử phạt vẫn chưa đủ nghiêm để cho cá nhân, cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn có đất sống?

Cách làm của chúng ta là làm theo đợt. Cứ đợt cao điểm mới có người đi xử ly. Chúng ta phải làm sao để phát huy sức mạnh của xã hội.

Ví dụ ở các nước, vai trò của hội nghề nghiệp rất quan trọng. Họ tự quản với nhau. Người nào vi phạm thì sẽ bị tẩy chay hoặc báo cáo lên chính quyền.

Trong khi đó, chúng ta chỉ trông cậy vào lực lượng thanh tra.


Tôi nghĩ, nếu tăng hình phạt cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề. Đôi khi người vi phạm lại bắt tay với thanh tra. Cuối cùng Nhà nước không được điều lợi gì và người vi phạm vẫn vi phạm còn chúng ta  mất cán bộ thanh tra.

Vì vậy, tôi nhấn mạnh phải có quy định rõ ràng, khoanh vùng và cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm.

Xin cảm ơn bà!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn