COVID-19 khiến nhịp sống thường nhật của người dân ở nhiều nước trên thế giới đảo lộn. Italy không phải ngoại lệ, khi đây là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Cộng đồng người Việt Nam tại Italy đã đối phó với dịch bệnh thế nào trong hơn 2 tháng biến động vừa qua?
Tính đến sáng 15/5, Italy ghi nhận hơn 223.000 ca nhiễm và gần 32.000 người chết do COVID-19. Giai đoạn đỉnh dịch ở quốc gia hình chiếc ủng rơi vào nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 với trung bình 4.000-6.000 ca nhiễm/ngày.
Đó là quãng thời gian số ca nhiễm mới ở Italy tăng đột biến, vượt qua Trung Quốc để đứng trong nhóm ba nước chịu thiệt hại về người nhiều nhất do SARS-CoV-2. Tình hình nguy cấp khiến Thủ tướng Giuseppe Conte phải ra lệnh phong tỏa toàn quốc, trước khi nới lỏng khi tình hình có dấu hiệu hạ nhiệt.
2 tháng “đóng băng” chống dịch, bức tranh toàn cảnh tại Italy thực sự u ám. Trong ký ức của Thiên Ái, cô sinh viên 20 tuổi tại Venice, những dòng tin nhắn hỏi thăm nhuốm màu lo âu từ bố mẹ ở quê nhà vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
“Ở quê nhà, mọi người rất lo lắng. Tôi quen nhiều người cũng từ nước ngoài về Việt Nam. Họ nhắn hỏi tôi là “sao em còn chưa về?”, “em phải về đi, ở lại làm gì?”, rồi “về Việt Nam có chính phủ, bố mẹ lo, ở đây một thân một mình thì ai lo, lỡ có chuyện gì thì phải làm sao”.
Bố mẹ tôi lo và suy nghĩ nhiều nhưng luôn tôn trọng quyết định của tôi. Họ theo chủ trương là phải ở yên. Nhiều khi ở yên tại chỗ mới không nhiễm bệnh, còn khi về nguy cơ lây chéo ở sân bay là tương đối cao, hơn nữa từ Italy về Việt Nam không có chuyến bay thẳng mà phải quá cảnh ở một sân bay khác.
Ở Italy, tôi cũng ở trong nhà thôi, không đi đâu. Như thế vẫn hơn là ra sân bay, gặp bao nhiêu người mà cũng có những người không quan tâm, không đeo khẩu trang”, Thiên Ái kể lại.
Giống với Thiên Ái, chị Quỳnh Anh (sống tại Venice) cũng cho rằng sự hoảng loạn là không cần thiết bởi càng sợ hãi, người ta càng có nguy cơ hành động mất kiểm soát.
“Tôi hạn chế tối đa tiếp xúc với mọi người, nhất là người lớn tuổi vì hơn hết họ là đối tượng cần được bảo vệ nhất. Tôi cũng dành thời gian ở nhà nhiều hơn, mua nhiều thức ăn hơn một chút để đỡ phải ra ngoài, ăn nhiều rau củ quả, dành thời gian tập luyện tại nhà.
Người nhà lo lắng, thường xuyên gọi điện, nhưng mình không nghĩ đến chuyện trở về Việt Nam. Quan điểm của mình là ở đâu thì hãy ở yên đó để bảo vệ chính mình và xã hội. Việc xê dịch sẽ làm lây lan dịch bệnh nhanh và mạnh hơn. Theo mình, bến tàu xe, sân bay là những nơi dễ lây lan nhất”.
Theo Thiên Ái, tình hình ở Italy dù không khả quan, nhưng cũng không đến mức cuốn vào bi kịch như nhiều người hình dung.
“Đôi khi ở tâm dịch, mình còn phải trấn an ngược lại người nhà là tình hình không đến mức như họ nghĩ. Người dân vẫn đi siêu thị bình thường, đồ ăn rau củ quả vẫn đầy đủ”, Thiên Ái nói.
Lan Hương, sinh viên Đại học Ca' Foscari (Venice), cũng cho rằng cuộc sống ở Italy vẫn diễn ra bình thường, chỉ có việc đi lại là bị kiểm soát chặt chẽ. “Khi Italy thắt chặt đi lại, mọi người đi ra ngoài phải có tờ khai, tôi ở trong nhà một mình, thỉnh thoảng mới đi ra ngoài đi siêu thị, không được gặp bạn bè nên rất buồn. Nói chuyện với bạn bè chỉ qua Facebook hoặc gọi điện.
Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi cũng chỉ xuất hiện thời gian đầu, về sau thì cũng không quá lo lắng. Mình cẩn thận khi ra ngoài, khử trùng khi về nhà là được. Y tế tại Italy lúc đó rất thiếu thốn, việc liên lạc với bác sĩ, cũng như đến bệnh viện thời điểm đó rất khó khăn. Vì vậy, mình cần phải cảnh giác, tự bảo vệ mình tốt nhất có thể. Tất nhiên, mỗi lần có triệu chứng bị nhiễm bệnh là tôi thấy lo”, Lan Hương nói.
Vấn đề mà người Việt nói chung ở Italy đối mặt là sự bàng quan của người bản địa với dịch bệnh trong giai đoạn đầu. Thói quen đeo khẩu trang hiếm khi tồn tại với nhiều người dân ở châu Âu trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Định kiến “chỉ ai bị bệnh mới đeo khẩu trang” khiến không ít người có ý thức bảo vệ sức khỏe phải chịu cái nhìn dò xét. Chỉ đến khi SARS-CoV-2 lây lan mạnh ở Italy, tất cả mới coi khẩu trang, găng tay là bạn đồng hành.
“Trong cộng đồng người Việt Nam ở Italy, mỗi người có một góc nhìn. Với tôi, người Italy tương đối bàng quan trước dịch. Tại thời điểm COVID-19 bùng phát, cộng đồng châu Á, với ý thức dịch bệnh sớm nhất, mọi người đeo khẩu trang và tránh nơi đông người. Dù vậy, người Italy vẫn ra ngoài, nói chuyện, đi bar, tụ tập như thường.
Có những người trẻ còn nói dịch bệnh không có gì đáng sợ, cũng như cúm mùa thôi, dịch cúm có khi tỷ lệ tử vong còn cao hơn. Họ chỉ sợ khi chính phủ đăng thông tin số lượng người mắc bệnh hay chết vì COVID-19”, chị Hạ Vũ, đang làm việc trong ngành xuất nhập khẩu tại Milan, khẳng định.
“Đeo khẩu trang ở đây sẽ bị kỳ thị, người ta nhìn mình như người mang dịch bệnh. Lúc dịch bệnh bùng phát ban đầu thì hầu như mọi người lạc quan, chỉ nghĩ là cúm mùa thông thường. Khi chính phủ yêu cầu người dân cách ly, chia “vùng đỏ” (những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất) thì mọi người mới lo sợ, thậm chí có tâm lý kỳ thị người châu Á”, Thiên Ái nói.
Bình thường, chỉ mất khoảng 10-12 tiếng ngồi máy bay để đi từ Việt Nam sang các nước châu Âu, nhưng COVID-19 đã khiến đường về nước của các du học sinh trở nên gian nan, khó khăn hơn nhiều.
“Mẹ rất muốn tôi về nước. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, máy bay hủy chuyến nên cũng không về được. Một số hãng có chuyến bay nhưng phải xin giấy xác nhận y tế không bị nhiễm COVID-19. Việc xin giấy này rất khó khăn, nhiều người có vé máy bay nhưng không thể lên máy bay để về nước”, Lan Hương nhớ lại.
“Khi Italy bắt đầu siết chặt các biện pháp hạn chế, số người nhiễm bệnh có xu hướng giảm. Lúc đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy có gửi cho tôi phiếu đăng ký để bảo lãnh công dân Việt Nam tại Italy. Trong phiếu có câu hỏi là khi có chuyến bay về nước, bạn có về không. Nếu đồng ý thì coi như đăng ký nguyện vọng về nước.
Công việc chuẩn bị rất gấp, ngày 18/4 bay nhưng chúng tôi chỉ nhận được thông báo hôm 15/4.
Ngày 16/4, Lan Hương nhận được thông tin sẽ bay về nước từ Milan. Cô phải xin rất nhiều giấy tờ để di chuyển từ Venice lên Milan. Trong đó có giấy tờ bảo lãnh từ Đại sứ quán Việt Nam ở Italy, và tự viết bằng tay một tờ khai rất dài, cung cấp thông tin ở đâu, lý do di chuyển là gì.
"Chúng tôi phải di chuyển quãng đường từ Venice đến Milan mất 3 tiếng đồng hồ. Theo dự kiến, tôi phải có mặt ở sân bay lúc 3h sáng. Quá trình di chuyển từ Venice đến Milan có nhiều khó khăn, nhiều bạn bị cảnh sát giữ lại bởi vì mình di chuyển nhóm đông người. Cảnh sát sẽ hỏi mục đích di chuyển, khi đó mình sẽ phải giải trình những giấy tờ chứng minh việc di chuyển này là có mục đích.
Vì nhiều thủ tục, nên dù được báo là có mặt ở sân bay lúc 3h nhưng đến 7h sáng, chúng tôi mới được xếp hàng, đóng dấu xuất cảnh rồi mới lên máy bay về nước. Quá trình bay, chúng tôi cũng phải chờ 2 tiếng để làm thủ tục, mặc đồ bảo hộ, phun thuốc khử trùng. Khi đáp xuống sân bay Đà Nẵng, chúng tôi được đưa thẳng khu vực cách ly", Lan Hương nhớ lại.
Đây là chuyến bay được Tập đoàn dầu khí Italy (ENI) tài trợ, không phải là chuyến bay thương mại nên không phải đóng bất kỳ kinh phí nào. Công dân Việt Nam chỉ phải đóng khoản phí sân bay là khoảng 800.000 đồng/người. Thành phần tham gia chuyến bay đa số là sinh viên, một số người đi làm và có những người đang sống cố định ở Italy. Đây là chuyến bay mà ai cũng có thể đăng ký nếu có nhu cầu thực sự
Cũng có mặt trên chuyến bay về nước cùng Lan Hương, Phương Thảo không thể quên cảm giác hồi hộp khi thực hiện các thủ tục về nước và vui mừng khi trở lại quê hương. Nhờ có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Italy và cộng đồng du học sinh Việt tại Italy, hành trình về nước của các sinh viên Việt Nam diễn ra suôn sẻ, dù phát sinh nhiều thủ tục hơn thường lệ.
“Cảm giác của tôi khi về “đất mẹ” là hạnh phúc và yên tâm. Khi đặt chân xuống Đà Nẵng, tôi vui vì bố mẹ mình cũng không còn quá lo lắng như khi ở Italy. Khi vào trại cách ly thì đã có người theo dõi sức khỏe, không như ở Italy, mình không biết tình hình sẽ như thế nào.
Tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh và các biện pháp chống dịch của Việt Nam nên thấy rất an toàn khi đã về quê hương. Việt Nam có sự cảnh giác cao độ trong chống dịch COVID-19. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, tôi ra Hà Nội đoàn tụ, sum vầy cùng bố mẹ và gia đình”, Phương Thảo chia sẻ.
Dịch COVID-19 khiến toàn thế giới chịu tổn thất không thể đong đếm về mặt con người lẫn kinh tế, tiêu dùng, dịch vụ. Dù vậy, trên góc độ lạc quan, khó khăn cũng là mảnh đất phì nhiêu để sự lạc quan cùng tình cảm giữa người với người vươn lên mạnh mẽ. Những kỷ niệm trong những ngày gồng mình chống dịch đã trở thành một phần ký ức của nhiều người Việt Nam ở Italy.
“Tôi sẽ nhớ đến tinh thần lạc quan của người Italy. Họ lãng mạn, yêu đời đến kinh ngạc. Cứ 6h chiều, người dân đổ ra ban công.
Họ hát, họ nhảy, cổ vũ tinh thần cho các bệnh nhân chiến đấu với dịch bệnh cùng các bác sĩ, những người làm trong lĩnh vực y tế ngày đêm cống hiến cho công việc, cũng như người nhà của y bác sĩ, những người phải chịu thiệt thòi khi người thân làm việc xa nhà liên tục”, chị Quỳnh Anh nhớ lại.
Quan trọng hơn, người Việt Nam ở Italy đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ đồng hương bằng nhiều hình thức khác nhau. Những bàn tay siết lấy bàn tay khiến không ai cô đơn trong cuộc chiến với COVID-19, dù ở cách Tổ quốc hàng nghìn cây số.
“Tôi có tham gia một số diễn đàn của người Việt Nam tại Italy, có rất nhiều cô chú, các bác đã sống nhiều năm ở đây. Họ chia sẻ thông tin về hỗ trợ chính phủ Italy, rồi động viên tinh thần nhau. Mình có thêm nhiều thông tin bổ ích từ đó.
Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cũng gửi thông điệp “an toàn là trên hết” tới cộng đồng người Việt. Trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành, đại sứ quán luôn có những khuyến cáo an toàn, đường dây nóng 24/7 trực hỗ trợ về dịch bệnh, thậm chí cả về vấn đề visa, thẻ cư trú, thi cử của sinh viên, các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Hành trình về nước của công dân Việt Nam tại Italy (Video: Lan Hương)
Cũng tại Venice, Phương Thảo nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt khi mọi người rất đoàn kết, quan tâm lẫn nhau, thường xuyên thông tin dịch bệnh, hỏi xem những ai thiếu nước rửa tay, khẩu trang để gửi thêm cho nhau.
Ở Milan, chị Hạ Vũ nhận được sự giúp đỡ rất lớn về mặt thông tin từ các diễn đàn của người Việt. “Hội sinh viên ở Italy có một nhóm trên Facebook, mọi người vẫn thường cập nhật thông tin trên đấy. Các anh chị admin sẽ cập nhật thông tin từ đại sứ quán, chính phủ xem cấm ra sao, biện pháp tránh dịch thế nào. Chúng tôi cũng có nhóm hội sinh viên học ở Milan. Mọi người hỏi nhau nhiều thứ, ví dụ trong thời điểm này mua đồ gia dụng thế nào, cần gì để về Việt Nam”.
Với Thiên Ái, sinh viên ở Venice, đại dịch COVID-19 lại mang tới kỷ niệm khó quên khi phải viết lá đơn trong 40 phút chỉ để… ra đường đổ rác.
“Ở Italy, mọi người phải viết đơn trình báo khi ra đường, nếu gặp cảnh sát thì phải đưa đơn trình báo, còn không là sẽ bị phạt nặng. Với nhiều gia đình ở Italy, họ có máy in nên có thể gõ trên máy, còn sinh viên chúng tôi không có máy in nên sẽ phải viết tay, mà đơn thì rất dài. Đơn được sử dụng khi mọi người ra đường đi mua nhu yếu phẩm, chữa bệnh, đi về nơi cư trú hay đi làm.
Mục đích của tôi khi viết đơn là đi ra đường mua nhu yếu phẩm, mà đi mua siêu thị thì không lẽ không đi đổ rác. Mỗi lần ra đường là tôi làm luôn cả hai việc. Có những lúc rác trong nhà nhiều quá, tôi phải mang đi đổ, mà phải sử dụng lý do là mua nhu yếu phẩm.
Thế là để ra đường đổ rác khoảng 5 phút, tôi phải viết một tờ đơn hơn 40 phút, chưa kể viết sai nữa. Chưa bao giờ tôi có trải nghiệm này, đi đổ rác mà vẫn phải cầm đơn, rất buồn cười”, Thiên Ái nhớ lại.
Thời gian phải ở nhà tránh dịch tại Italy, nhiều người Việt cũng rèn luyện được những thói quen mới tích cực hơn. Với chị Quỳnh Anh, COVID-19 khiến công việc trong ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề, nhưng bù lại, chị tạm rời xa xô bồ công việc để dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình.
“Mình làm trong lĩnh vực du lịch, mà bây giờ 100% không còn khách du lịch nữa nên bạn cũng đoán được ảnh hưởng thế nào rồi đấy. Mình không lo lắng cho tương lai, chỉ quan tâm đến hiện tại thôi.
Mình coi đó là khoảng thời gian nghỉ ngơi, không dính líu nhiều đến công việc. Mình có thêm thời gian cho bản thân và những người thân yêu. Mình học thêm nhiều kỹ năng mới như nhiếp ảnh, quay phim, mình phát hiện ra đam mê mới về trồng cây để cung cấp lương thực cho gia đình, không phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài”, chị Quỳnh Anh kể lại.
Với chị Hạ Vũ, công việc văn phòng về xuất nhập khẩu có thể làm trên máy tính, Internet. Khi dịch bùng phát, chị chuyển về làm tại nhà, làm trên máy tính, điện thoại, nên công việc không bị ảnh hưởng nhiều.
“Đối với những ai phải đi công tác thì ảnh hưởng đôi chút, còn lại thì không phải vấn đề quá lớn. Tôi nghĩ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, sản xuất, hoặc công việc bắt buộc phải đến chỗ làm. Với công việc văn phòng thì vẫn ổn”, chị Vũ khẳng định.
Với Thiên Ái, phải ở nhà 2 tháng là cảm giác không dễ chịu, nhất là với các thanh, thiếu niên thường xuyên ra ngoài vận động, nhưng đó cũng là cơ hội để sắp xếp lại không gian sống và nâng cao ý thức sức khỏe.
Sau 2 tháng phong tỏa, tình hình dịch bệnh ở Italy đã khả quan hơn. Chính quyền Thủ tướng Conte bắt đầu nới lỏng cách ly xã hội, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.
Các sinh viên Việt Nam vừa từ Italy về lại chờ đợi thông báo từ trường học để nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, giấy tờ.
“Ở Italy, tôi cần thẻ cư trú để sinh sống trên địa bàn nên mong muốn tháng 7 hoặc tháng 8 sẽ có chuyến bay để làm thẻ theo yêu cầu của chính quyền sở tại. Theo diện du học, tôi chỉ được cấp visa năm đầu, còn sau đó phải làm thẻ cư trú”, Lan Hương băn khoăn.
Còn Phương Thảo cho biết trường học dự kiến mở cửa trở lại từ tháng 9, nhưng chưa chắc khi ấy tình hình đã khả quan hơn. Tất cả vẫn đang ở trạng thái chờ.
“Italy đang bắt đầu sang giai đoạn 2. Biện pháp triệt để thì chưa có, nhưng chính phủ bắt đầu có phương án để người dân từng bước trở lại cuộc sống bình thường. Người dân có thể ra ngoài đi bộ, đi xung quanh khu vực của mình. Nếu đi quá xa thì phải xin giấy ra ngoài. Nhà hàng chưa mở nhưng dịch vụ giao đồ ăn tại nhà vẫn hoạt động.
Italy đã phần nào kiềm chế được dịch bệnh. Mọi thứ có thể mở lại trong tháng 6, khoảng 80%. Người dân mong tháng 7, mọi thứ có thể trở lại như nối lại đường bay”, chị Hạ Vũ cho biết.
Italy cùng rất nhiều nước trên thế giới cần nhiều thời gian phục hồi, khi khủng hoảng dịch bệnh đã mang đến thiệt hại lớn hơn nhiều cuộc khủng hoảng từng khiến loài người hoang mang trong lịch sử. Dù vậy, sự lạc quan và tin tưởng của người Việt cũng như toàn thể người dân tại tại Italy sẽ là xúc tác cần thiết để xứ sở mỳ ống đứng dậy sau khó khăn.
Bình luận