• Zalo

Tết Đoan Ngọ: Những món ăn thú vị ngày tết diệt sâu bọ

Sức khỏeThứ Hai, 29/05/2017 14:39:00 +07:00Google News

Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống của người Việt, tuy nhiên, Tết Đoan Ngọ ăn gì theo đúng phong tục truyền thống thì không phải ai cũng biết.

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan dương, vào ngày 5/5 âm lịch. Vậy, Tết Đoan Ngọ ăn gì?

Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú.

Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ.

Vì vậy, Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người Việt hay có truyền thống ăn những món ăn cổ truyền với hy vọng, những món ăn này sẽ có tác dụng giảm bệnh tật, diệt trừ "sâu bọ", mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dưới đây là 4 món ăn không thể bỏ qua trong ngày Lễ Đoan Ngọ.

Bánh tro

Nhắc đến Tết đoan ngọ thì không thể bỏ qua một món ăn truyền thống của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, đó là bánh tro. Bánh tro được bán rất nhiều trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi vì ông cha ta tin rằng, loài bánh này có khả năng tiêu tan mọi bệnh tật trong cơ thể người.

Hinh anh

Bánh tro là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. 

Đó là lý do vì sao trong ngày Tết Đoan Ngọ, trong mỗi gia đình đều không thể thiếu món bánh gio cùng với một ít hoa quả và rượu nếp. Theo quan niệm của ông cha ta, tháng 5 âm lịch là thời điểm "độc trời" nhất trong năm, thời tiết oi bức, dễ sinh bệnh nên cần phải có những món ăn mang tính mát của cây cỏ để giải nhiệt.

Bánh tro nhìn qua thì tưởng là một loại bánh đơn giản, dễ làm, nhưng thực chất cách làm của nó lại đòi hỏi rất nhiều sự cầu kỳ, tỉ mẩn. Từ khâu chọn gạo nếp sao cho đều, thơm đến cách gạn nước tro được đốt từ cây rơm nếp vàng óng, rồi sau đó gói sao cho đẹp đẽ để luộc mới cho ra được chiếc bánh thơm nồng với hương vị quyến rũ, khiến cho những người thưởng thức cảm thấy bồi hồi.

Cơm rượu nếp

Giống như bánh tro, rượu nếp là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình ngày Tết Đoan Ngọ. Cơm rượu nếp là một món dễ làm, dễ ăn, tuy nhiên để làm ra được đúng thứ cơm rượu vừa ngon, ngọt, vừa có thể giúp cơ thể "giải độc, tiêu tán bệnh tật" thì cần phải hết sức cẩn thận trong khâu lựa chọn men rượu.

Hinh anh

 Cơm rượu nếp là món ăn luôn xuất hiện trong mỗi gia đình người Việt vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Nếu người làm món ăn này không biết cách lựa chọn loại men ngon thì chắc chắn món rượu nếp sẽ không thể đạt được chất lượng như ý, cơm bị sượng, không ngấm và không có vị cay cay, lâng lâng, ngọt ngọt đầu lưỡi khi thưởng thức. 

Bên cạnh việc lựa chọn một loại men ưng ý thì cách nấu món cơm rượu nếp này cũng đòi hỏi người làm phải kì công rất nhiều từ cách chọn gạo sao cho mềm dẻo, nhiệt độ và thời gian ủ phải chuẩn xác thì mới có thể thổi được "phần hồn" vào trong món ăn tưởng như rất đơn giản này, để cho nó trở thành một món ăn đặc sắc, quốc hồn quốc túy trong ngày Tết Đoan Ngọ. .

Hoa quả

Hoa quả là món đồ không thể thiếu trong mâm cơm cúng hàng ngày của mỗi gia đình người Việt. Cùng với bánh tro và cơm rượu nếp, người Việt càng không thể quên được được món "vật phẩm" là hoa quả này trong ngày Tết Đoan Ngọ. 

Hinh anh  3

Mâm cơm ngày Tết Đoan Ngọ. 

Đúng như ý nghĩa để "giết sâu bọ", tiêu tan bệnh tật, làm mát cơ thể, các loại hoa quả trên mâm cơm của người Việt ngày Tết Đoan Ngọ thường là những loại quả mùa hè, chua chua ngon ngọt như mận, đào, vài, chôm chôm, xoài, dưa hấu... Đây là những loại quả "điển hình" không thể nào thiếu trong ngày mùng 5/5 âm lịch này.

Thịt vịt

Trong số những món ăn quen thuộc vào ngày Tết Đoan Ngọ này thì thịt vịt có lẽ là một món ăn ít được nhắc đến nhất. Tuy nhiên, đối với một số địa phương, đặc biệt là miền Trung, đây lại là một món ăn truyền thống bắt buộc phải có trong ngày Tết "giết sâu bọ" này. 

Hinh anh  4

Dù không phổ biến bằng 3 món ăn trên nhưng rất nhiều người lựa chọn đây là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ. 

Theo người dân ở những địa phương này, đây là thời điểm thịt vịt thơm ngon nhất và không bị hôi. Thịt vịt được chế biến thành rất nhiều món như luộc, nướng, quay, om sấu... ; trong đó, tiết canh vịt là món ăn đặc sắc và phổ biến nhất ở nhiều vùng quê Việt Nam.

Trước ngày Tết Đoan Ngọ, bên cạnh việc buôn bán những vật dụng để làm rượu nếp, khắp các khu chợ đều vô cùng náo nhiệt, đông đúc các hàng bán thịt vịt sống. Không chỉ có 4 món ăn kể trên, mà còn rất nhiều những món ăn khác được lưu truyền qua các thế hệ của mỗi gia đình người Việt.

Video: Hoa quả, rượu nếp 'diệt sâu bọ' đắt hàng nhân ngày Tết Đoan Ngọ

Tuy nhiên, bắt kể là lựa chọn món ăn gì, thì ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ vẫn không thay đổi. Đối với người Việt Nam ta từ bao đời nay, sinh sống và làm việc với chủ yếu bằng canh tác đất nông nghiệp thì việc thời thiết thuận hòa, mùa màng phát triển là một điều quan trọng hơn tất thảy.

Do vậy, ngày hội Tết Đoan Ngọ, hay còn là ngày Lễ "giết sâu bọ" thực sự là một ngày Tết quan trọng và có ý nghĩa vô cùng đối với cuộc sống của người dân ta.

Quỳnh Chi
Chuyên đề: Tết Đoan Ngọ 2017
Bình luận
vtcnews.vn