Doanh số bán lẻ và dịch vụ ăn uống của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1 đến 7/10 năm nay tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,52 nghìn tỷ NDT (tương đương 212,6 tỷ USD). Mức tăng trưởng này thua kém mức tăng 9,5% của năm 2018 và cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001. Tuần lễ vàng ở Trung Quốc diễn ra từ 1/10 hàng năm và kéo dài trong 1 tuần.
Trung Quốc bắt đầu thống kê các chỉ số liên quan tới Tuần lễ vàng từ năm 2000 với mục đích thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Doanh số bán lẻ vào dịp này thường được dùng làm thước đo cho niềm tin và sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo SCMP, sự sụt giảm của mức tăng trưởng sức mua và dịch vụ là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu trong bối cảnh kinh tế không ổn định. Điều này đặt ra thách thức với Bắc Kinh vốn đang bấu víu vào sức mua mạnh mẽ của người tiêu dùng trong nước để đối đầu với Mỹ khi cả hai leo thang căng thẳng thương mại.
Một nguyên nhân khác là do tác động từ tình trạng bất ổn liên tục tại Hong Kong, điểm đến chính cho người mua sắm tới từ đại lục trong các năm trước.
Theo dữ liệu từ Văn phòng quản lý di cư của Trung Quốc, lượng du khách đại lục tới Hong Kong trong 6 ngày đầu Tuần lễ vàng giảm giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Thống kê từ Bộ Du lịch và Văn hóa Trung Quốc cho thấy số người du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ năm nay tăng 7,8% so với năm 2018, đạt mốc 782 triệu. Những năm trước, người Trung Quốc thích đốt tiền mua sắm tại nước ngoài. Năm nay họ thích thư giãn và bớt bạo tay hơn.
Thống kê khác cho thấy doanh số bán nhà liên tục giảm trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Số lượng bất động sản bán được ở Bắc Kinh năm nay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu lạc quan duy nhất tới từ doanh thu phòng vé. 3 bộ phim với đề tài yêu nước thu hút tới hơn 100 triệu người xem tới rạp. Doanh thu của phim chiếu rạp trong 3 ngày đầu nghỉ lễ năm nay tại Trung Quốc nhiều hơn toàn bộ kỳ nghỉ 7 ngày năm 2018.
Theo dự đoán của các nhà phân tích, việc chi tiêu của người tiêu dùng chững lại dự kiến sẽ góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng chung. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm dưới 6% trong năm tới, thấp hơn mức tăng trưởng chính phủ đặt mục tiêu là 6 đến 6,5%.
Các nhà phân tích của Bank of America Merrill Lynch trong một lưu ý gửi tới trong khách hàng tuần này cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III có thể giảm xuống mức 6%, thấp hơn cả mốc 6,2 trong quý II. Số liệu tăng trưởng trong quý III sẽ được công bố vào ngày 18/10.
Bình luận