• Zalo

Người Trung Quốc chật vật giữ nhà ở nước ngoài

Tư liệuChủ Nhật, 25/02/2024 14:31:07 +07:00Google News
(VTC News) -

Những nhà đầu tư Trung Quốc vay tiền ngân hàng để mua nhà ở nước ngoài đang phải chật vật để giữ tài sản khi lãi suất toàn cầu tăng còn kinh tế trong nước suy thoái.

Theo SCMP, những nhà đầu tư Trung Quốc vay tiền ngân hàng để mua nhà ở nước ngoài đang đối mặt với khó khăn kép, khi vừa phải chống chọi với suy thoái kinh tế trong nước, vừa đối phó với lãi suất tăng vọt trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản vay của họ.

Ngày càng nhiều trường hợp buộc phải bán tài sản ở nước ngoài, do không thể thanh toán khoản vay thế chấp với mức lãi suất cao hơn.

Theo Juwai IQI, một công ty công nghệ bất động sản với hơn 4.000 tỷ USD giá trị niêm yết, hiện chưa có số liệu chính thức về số lượng người Trung Quốc đại lục bán bất động sản nước ngoài, nhưng con số ước tính tăng gấp đôi so với một năm trước.

Maggie Hu, phó giáo sư về bất động sản và tài chính tại Đại học Trung Hoa Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: "Suy thoái kinh tế ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn có sẵn cho đầu tư nước ngoài. Nó cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư và dẫn đến cách tiếp cận thận trọng hơn đối với đầu tư nước ngoài".

Xu hướng này dường như đang ảnh hưởng đến nhiều chủ sở hữu nhà Trung Quốc tại Australia, nơi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất 13 lần kể từ năm 2022.

Tại Bondi, một vùng ngoại ô nổi tiếng ở Sydney với bãi biển tuyệt đẹp, một chủ nhà người Bắc Kinh đã mua căn hộ 2 phòng ngủ với giá 1,3 triệu UAD (848.000 USD) vào năm 2015. Tuy nhiên theo Peter Li, Tổng giám đốc của Plus Agency, một công ty bất động sản có doanh thu hàng năm trên 200 triệu UAD, gần đây họ buộc phải bán căn hộ này với khoản lỗ đáng kể khi cộng thêm chi phí cải tạo.

"Họ vay tiền để đầu tư mua bất động sản nhưng nó vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Sau khi hoàn thiện họ phát hiện ra một số lỗi nên cần phải sửa chữa trước khi muốn cho thuê. Tuy nhiên, mọi việc bị ngưng trệ vì đại dịch COVID-19. Đến năm 2023, họ nhận ra rằng đã hết tiền để đầu tư cho dự án", Li nói.

Sau khi tài khoản ngân hàng Australia của họ cạn tiền vào đầu năm ngoái, ngân hàng đặt ra thời hạn cho họ phải bán tài sản vào tháng này.

"Tổng giá mua với chi phí sửa chữa khiến họ cần đến 1,7 triệu - 1,8 triệu UAD để hòa vốn", Li cho biết thêm. "Mới tuần trước, họ chấp nhận lỗ và bán tài sản với giá 1,4 triệu UAD".

Không ít nhà đầu Trung Quốc buộc phải bán nhà khi tài khoản ngân hàng của họ ở Australia cạn kiệt. (Ảnh: Bloomberg)

Không ít nhà đầu Trung Quốc buộc phải bán nhà khi tài khoản ngân hàng của họ ở Australia cạn kiệt. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Li, một số yếu tố ngoài lãi suất cao dẫn đến “trường hợp cực đoan” trên.

Kể từ năm 2017, các ngân hàng Australia bị cấm cho người nước ngoài vay vốn nên người mua trong trường hợp này sẽ phải sử dụng nguồn tiền từ Trung Quốc để đáp ứng các khoản thanh toán của họ.

Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện được vì Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt để ngăn cản người dân tự do chuyển tiền ra khỏi đất nước.

Kể từ năm 2016, chính phủ Trung Quốc thắt chặt nỗ lực ngăn chặn dòng tiền xuyên biên giới, áp đặt mức trần 50.000 USD hàng năm đối với công dân nước này muốn mua ngoại tệ.

Một nhà đầu tư Trung Quốc khác ở Thượng Hải đã vay thế chấp để mua một căn nhà trị giá 600.000 UAD ở Chiswick, vùng ngoại ô khác của Sydney, vào năm 2009.

Li cho biết căn hộ có người thuê nhưng chủ nhà không thể tăng tiền thuê để theo kịp lãi suất. Vào cuối năm ngoái, người chủ quyết định bán căn nhà với giá 940.000 UAD.

“Chủ nhà nói rằng thà chuẩn bị sớm còn hơn đến lúc nhận được thông báo từ ngân hàng”, Li cho hay.

Sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng là nguyên nhân tăng thêm gánh nặng cho những người sở hữu bất động sản ở nước ngoài. Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến mức mở rộng nhỏ nhất trong ba thập kỷ (không tính đại dịch COVID), ở mức 5,2%.

Thông thường, lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc tạo ra sự giàu có cho người dân, nhưng sự suy thoái đang có tác động ngược lại.

Cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước đã làm lung lay niềm tin, khiến chi tiêu cho nhà ở giảm sút khi các nhà phát triển vật lộn với việc trả nợ và bàn giao các dự án nhà ở đúng hạn.

Theo số liệu chính thức, tháng 12/2023, giá nhà mới tại 70 thành phố trung bình và lớn trên khắp Trung Quốc giảm 0,4%, sau khi giảm 0,3% vào tháng 11 cùng năm. Đây là mức giảm hàng tháng mạnh nhất đối với giá nhà mới kể từ tháng 2/2015.

Đầu tư bất động sản xét về giá trị giảm 9,6% xuống 11,09 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,5 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái, tương đương với mức giảm năm 2022.

Một số thị trường nước ngoài chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng người mua nhà Trung Quốc, do lãi suất tăng chóng mặt và khó khăn kinh tế trong nước khiến việc mua nhà bằng vốn vay trở nên khó khăn hơn.

Như ở Singapore, chỉ có 160 nhà đầu tư Trung Quốc mua bất động sản vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2008, theo PropNex Realty. Quốc đảo này quản lý chính sách tiền tệ thông qua biên độ tỷ giá hối đoái, bắt đầu quá trình thắt chặt chính sách từ tháng 10/2021.

Alan Cheong, Giám đốc điều hành tại Savills, cho biết xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn do thuế trước bạ mà người mua nước ngoài ở Singapore phải trả tăng gần đây.

"Hoạt động của người Trung Quốc đã giảm đến mức gần như im hơi lặng tiếng", Cheong nói.

Hoa Vũ(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn