• Zalo

Người trẻ nộp thuế hàng trăm tỷ đồng: 'Ông lớn' đừng bao biện

Tài chínhThứ Hai, 01/02/2021 10:06:23 +07:00Google News

Việc thu thuế của các nền tảng TMĐT, dịch vụ số xuyên biên giới đã được cải thiện, nhưng số thu vẫn chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh.

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về trường hợp cá nhân có thu nhập 330 tỷ nhờ sáng tác nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải đã chủ động liên hệ với cơ quan thuế để được hướng dẫn kê khai và nộp 23,4 tỷ đồng tiền thuế. Ngoài trường hợp này còn có chàng trai 30 tuổi ở Hà Nội kiếm được 260 tỷ đồng từ sáng tác phần mềm, nộp thuế hơn 18 tỷ...

Nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ

Theo thống kê của Cục thuế, số thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử (từ các nền tảng như Google, Facebook, YouTube…) của năm 2020 là 123 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2019.

Tuy nhiên, con số trên được ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định vẫn chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động kinh doanh của loại dịch vụ này tại Việt Nam.

Đặc biệt, vẫn còn những ông lớn cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Google hay Netflix dù kiếm được hàng tỷ USD ở thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, gây bức xúc, bất bình trong cộng đồng doanh nghiệp.

Người trẻ nộp thuế hàng trăm tỷ đồng: 'Ông lớn' đừng bao biện - 1

Netflix thu hãng nghìn tỷ USD nhưng lại chưa nộp thuế

"Mọi công dân trong nước cũng như ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc, có hoạt động kinh doanh, kiếm tiền, thu lợi nhuận trên lãnh thổ Việt Nam thì đều phải nộp thuế. Việc kê khai, nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm, không phân biệt tuổi tác, quy mô hay loại hình kinh doanh... đã có hoạt động kinh doanh, có doanh thu là phải đóng thuế.

Vì thế mới có những cá nhân tự giác kê khai, nộp thuế lên tới hàng vài chục tỷ đồng như trường hợp của cô gái ở Đà Nẵng, hay chàng trai ở Hà Nội và còn nhiều trường hợp khác nữa. Điều này cho thấy người trẻ đang ngày càng có ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đó là những tấm gương điển hình cần được biểu dương và nhân rộng", vị ĐBQH nhấn mạnh.

So sánh với thực trạng nhiều ông lớn có biểu hiện chây ì trong nộp thuế, ông Hòa nói rõ, các cơ chế, chính sách, quy định về đóng - nộp thuế đều đã có đầy đủ. Việc vin vào việc cơ chế thiếu, chưa có quy định rõ ràng để trốn, không nộp, chưa đóng thuế là không thể chấp nhận được.

"Bản thân những người trẻ còn có ý thức chủ động, tự giác kê khai và nộp thuế đầy đủ thì những ông lớn kinh doanh xuyên biên giới không thể lấy lý do gì để không thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Càng là những "ông lớn" như Facebook, Google hay Netflix.... thì càng phải ứng xử có văn hóa, phải thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ thuế của mình", vị ĐB nhấn mạnh.

Do đó, vị ĐBQH yêu cầu phải có những hình thức xử lý thật nghiêm với những trường hợp cố tình chây ì, trốn tránh, né lách không muốn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế khi kinh doanh tại Việt Nam.

"Ở nước ngoài việc nộp thuế được quy định rất chặt chẽ. Những trường hợp trốn thuế, chậm nộp thuế, không muốn nộp thuế đều bị xử lý nghiêm khắc, kể cả phải truy tố hình sự.

Ở Việt Nam cũng cần phải thực hiện các biện pháp quản lý và xử lý nghiêm khắc như vậy. Với những doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài nhưng  hoạt động kinh doanh, khai thác các dịch vụ thu tiền tại Việt Nam đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế. Các hành vi gian dối, trốn tránh đều phải bị xử lý nghiêm minh.

Cơ quan quản lý cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, thu đúng, thu đủ, bảo đảm môi trường khách quan, công bằng giữa các đối tượng kinh doanh với nhau", ông Hòa đề xuất.

Xử nghiêm tiêu cực nếu có

Trong bối cảnh kỹ thuật số, công nghệ số đang ngày càng phát triển, ĐBQH Phạm Văn Hòa đặc biệt lo lắng nếu cơ quan thuế không quyết liệt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa thì nguy cơ thất thu còn lớn hơn.

Để chứng minh, ông dẫn số liệu thống kê ở quý I/2020 cho thấy, gần 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống đã ngừng đăng ký, thế nhưng trong bối cảnh đó các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam thì lại tăng trưởng mạnh. Điển hình như thuê bao của Netflix quý I/2020 tại Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Google và Facebook là 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. 

Vị ĐH nói thẳng, về khía cạnh quản lý, chúng ta đã có các quy định hành lang pháp lý rõ ràng nhưng có việc vận dụng còn chưa hiệu quả, thu thuế chưa cao là trách nhiệm của ngành thuế.

"Đang tồn tại những vấn đề trong phối hợp, thực hiện thu thuế của ngành thuế, cơ quan thuế với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh... Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần vào cuộc chủ động hơn, tránh tình trạng ngồi chờ doanh nghiệp kê khai, nộp thuế mới biết, không kê khai, không nộp cũng không hay.

Ông Hòa nói thêm, trong bối cảnh kỷ nguyên số đang là một xu thế toàn cầu, việc tạo ra một môi trường cạnh tranh sòng phằng, bình đẳng, lành mạnh sẽ mang lại những tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, trong khi Nhà nước kiểm soát, kiểm duyệt rất chặt chẽ đối với các đơn vị truyền hình trả tiền, phim ảnh..., nhưng lại chưa thực hiện tốt đối với các ứng dụng xuyên biên giới sẽ tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây thất thu cho ngân sách, gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn