Một trong những giả thuyết được coi là thuyết phục nhất là người tiền sử đi theo đường bộ suốt 1.450km từ Alaska đến Montana. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đan Mạch, Canada và Mỹ đã bác bỏ giả thuyết này.
Không thể đi bằng đường bộ
Vấn đề người cổ đại di cư đến Bắc Mỹ như nào luôn thu hút giới khoa học. Giả thuyết những cư dân đầu tiên của châu Mỹ đến tân thế giới bằng đường bộ được nhiều người ủng hộ nhất. Nhiều học giả tin rằng vào cuối kỷ băng hà - cách đây 13.000 năm, nhiệt độ bắt đầu tăng, làm tan những khối băng khổng lồ bao phủ Canada và miền bắc nước Mỹ, mở ra một hành lang không băng đá dài 1.450km ngoằn ngoèo từ Alaska đến Montana. Người cổ đại nhờ đó mà di cư từ châu Á sang châu Mỹ.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố của Mikkel Winther Pedersen - Trung tâm GeoGenetics, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) - đã bác bỏ giả thuyết này - theo Tạp chí Nature. Nhóm đã tái tạo môi trường của hành lang không băng đá để xem nếu chỉ sống bằng săn bắn và hái lượm, người cổ đại có thể vượt qua hành trình dài và gian khổ như vậy không.
Họ cũng nghiên cứu một loạt hồ ở miền tây Canada dọc tuyến đường kể trên, bởi tin rằng dưới đáy hồ vẫn còn nhiều lớp trầm tích cổ đại chứa DNA của hệ động, thực vật khu vực này hàng nghìn năm qua.
Lấy mẫu trên mặt hồ băng lạnh đến -300C là một việc khó khăn. Một thách thức nữa là DNA cổ đại đã bị hủy hoại quá nặng để phân tích. Pedersen buộc phải dùng phương pháp "shotgun": Thu thập tất cả các đoạn DNA trong mẫu vật, phân tích để tìm ra đoạn DNA thuộc về loài nào trước khi sắp xếp lại.
Mọi việc hoàn tất, họ kinh ngạc khi DNA cổ đại từ đáy hồ chỉ ra rằng hành lang không băng đá không thể là môi trường sống của con người cho đến 12.600 năm trước - nhiều thế kỷ sau khi người cổ đại đầu tiên xuất hiện tại châu Mỹ. Điều này cho thấy người tiền sử không đi bộ qua hành lang này.
"Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng những hành lang này đơn giản là mở ra quá muộn" - ông Mikkel Pedersen cho biết.
Kết quả này phù hợp với một nghiên cứu mới đây của Beth Shapiro và Peter Heintzman thuộc Đại học California (Mỹ). Họ xây dựng lại cây phả hệ của loài bò rừng sống trong hành lang không băng đá và cũng đi đến kết luận rằng loài này không thể sống tại hành lang cho đến 13.000 năm trước.
Vậy nếu không thể đến châu Mỹ bằng đường bộ, người cổ đại tới đây bằng cách nào? Theo GS Loren Davis - Đại học bang Oregon (Mỹ), có thể họ đi đường biển hoặc kết hợp giữa đi thuyền và đi bộ dọc bờ biển Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tìm bằng chứng là việc khó khăn khi hầu hết các địa điểm dọc tuyến đường ven biển đã bị vùi dưới nước.
Người cổ đại đến châu Mỹ theo làn sóng duy nhất
Trước nghiên cứu của Pedersen ít lâu, các nhà khoa học Loren Davis, Maanasa Raghavan và Eske Willerslev - cũng thuộc Trung tâm GeoGenetics, Đại học Copenhagen - đã công bố nghiên cứu đáng chú ý về làn sóng di cư vào châu Mỹ - theo tờ Oregonstate.
Để xác định nguồn gốc của người Mỹ bản địa ngày nay, các chuyên gia đã nghiên cứu trình tự bộ gene của con người hiện đại từ châu Mỹ, Siberia và châu Đại Dương, so sánh chúng với mẫu vật của những người cổ đại từ cả hai chi nhánh của di cư.
Phân tích dữ liệu di truyền cổ xưa và hiện đại, nhóm nghiên cứu phát hiện tổ tiên ngày nay của người châu Mỹ bản địa tiến vào Mỹ một lần duy nhất từ Siberia đến eo biển Bering rồi tỏa đi khắp châu Mỹ cách đây hơn 23.000 năm. Sau đó, làn sóng này chia làm hai nhóm người cổ là Athabascans và Amerindianskhoảng 13.000 năm trước đây.
Họ cũng nêu giả thuyết giống với nhóm của Pedersen, rằng tổ tiên của người châu Mỹ bản địa di chuyển theo một con đường dọc bờ biển Thái Bình Dương trên con đường chinh phục tân thế giới.
Sau đó, các nhóm người Amerindians cũng như Athabascans đã chia tách để tản ra khắp Bắc Mỹ, trong khi các nhóm người chủ yếu là Amerindians tiếp tục tiến về Nam Mỹ theo con đường dọc bờ Thái Bình Dương.
Các nhà khoa học cho rằng giả thuyết này phù hợp một cách chặt chẽ với các bằng chứng khảo cổ học từ thời kỳ tiền sử.
"Nghiên cứu này có ý nghĩa lớn đối với các vấn đề khảo cổ chúng tôi đang theo đuổi. Kết luận tổ tiên người châu Mỹ bản địa có thể đi theo một tuyến đường ven biển Thái Bình Dương để vào châu Mỹ có nghĩa là chúng ta đang đi đúng hướng trên con đường đến với những khám phá quan trọng trong thời gian tới" - ông Davis nói.
Nguồn: khoahocphattrien
Bình luận