• Zalo

Người thổi hồn cho sân cỏ Việt: Những nhịp trống có ma

Thể thaoThứ Sáu, 12/10/2012 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bụng toan lo, lo vì bằng bẵng trôi đi, nhỡ đâu ông lại đổi ý, chả thèm tiếp, chả thèm kể tiếp những câu chuyện rất… điên về ông!

(VTC News) – Tam tứ lần khất lượt, hẹn ông mà chẳng về được, đâm ra bụng toan lo, lo vì bằng bẵng trôi đi, nhỡ đâu ông lại đổi ý, chả thèm tiếp, chả thèm kể tiếp những câu chuyện rất… điên về ông!

Hôm rồi có dịp về Nam Định, quyết lại nhà ông một phen nữa sau loạt bài “Người Việt ở Olympic”. Tất nhiên lần này chỉ độc viết về ông Thuyết “trống”, tức ông Nguyễn Văn Thuyết.

 Ông Nguyễn Văn Thuyết, tức Thuyết "trống" (Ảnh: Quang Minh)

Nam Đế - Thuyết “trống”

Chập nửa sáng vào nhà, thấy ông ngồi bế cháu xem phim chưởng - chưởng Kim Dung. Ông xem và ông than: “Cái kênh thổ tả, hết phim rồi hay sao không biết, cứ chiếu đi chiếu lại mấy bộ Kim Dung”. Than tới đây ông dừng lại, làm tợp nước chè đánh ực.

Đang định vào hùa chê “cái kênh thổ tả” cùng ông, thì ông tiếp lời luôn: “Ấy thế mà xem tái, xem hồi, được cái vẫn thấy… hay”.

“Cháu thấy ta nói chuyện có hài hước không?” – Ông hỏi khi nhác tôi đang bấm bụng cười. Nhân thể ông làm một tràng ví von nữa: “Đông Tà là lão Định “đầu rồng”, Bắc Cái có lẽ là lão Mạnh “béo”, Tây Độc hiện chưa có ai, nhưng Nam Đế hẳn là… lão này đây!”.

“Vâng, Nam Đế là lão Thuyết “trống”!” – Tôi đồng tình về cách tự phong, cách xưng hùng như các nhân vật truyện Kim Dung của ông!

Tới đây xin ngừng lại, thêm đôi lời diễn giải phần ví danh ở trên.

Định “đầu rồng” là ông Nguyễn Quang Định, một CĐV cuồng nhiệt của đội bóng đất Cảng.

Ông Định có một chiếc đầu rồng được làm bằng tôn, nặng tới cả chục kg, hễ ra sân là đội ngoe nguẩy trên đầu. Ông Định nổi tiếng vì cái vẻ tưng tửng, sexy khi hóa thân thành một cô gái để nhảy múa, cổ vũ và cũng nổi tiếng về đội chịu chơi, “chả sân nào là không mò tới”.

Đông Tà - Định "đầu rồng" (Ảnh: Quang Minh) 

“Chiến tích” để đời của ông Định “đầu rồng” được giới cổ động viên Việt Nam “ngả mũ” là vào năm 2009, mình ông đánh quả liều, chạy xe máy từ Hải Phòng sang Lào cổ vũ cho ĐT U23 Việt Nam. Cũng bởi ở phía Đông (Hải Phòng) và có “độ nhiệt” rất riêng, ông Thuyết mới dựa vào đó mà ví ông Định “đầu rồng” là Đông Tà.

Ông Mạnh “béo” thì ở Hà Nội, coi như ở phía Bắc, ông Thuyết không đánh giá cao tuyệt chiêu cổ vũ của ông Mạnh “béo” nhưng về độ nhiệt, xem ra mạn này, chẳng ai hơn được ông. “Vậy cứ coi ông ta là Bắc Cái cũng chẳng sao” – ông Thuyết nói.

Ông Mạnh “béo” vốn là fan ruột của Thể Công, sau ngày Thể Công giải thể thì ông đi theo đội bóng của bầu Hiển – CLB Hà Nội T&T.

Sang “đầu quân” cho Hà Nội T&T, ông Mạnh “béo” vẫn mang theo màu đỏ của đội bóng quân đội với bộ tóc giả trùm đầu. Sau này được trang bị thêm cái còi, cái loa cầm tay, hô hào cho nó rõ.

 Bắc Cái - Mạnh "béo"

Mấy năm qua, người ta chẳng lạ gì ông Mạnh “béo” vì cũng giống như ông Định “đầu rồng” ở chỗ: “sân nào cũng mò tới”.

Bài cổ động của ông Mạnh “béo” chỉ có vỏn vẹn mấy đoạn nhạc chế “bay lên nào, em bay lên nào” để yểm tà quả bóng trước mỗi pha đá phạt của đối phương nhằm hàm ý, bóng sẽ đi vọt xà.

Mạn phía Tây không có đội bóng, nên Tây Độc tạm khuyết!

Quay về phía Nam (Nam Định) với ông Thuyết “trống”. Hỏi ông rằng, khi tự nhận mình là Nam Đế, hẳn ông có độc chiêu để khoe cho xứng danh chứ nhỉ? Thế là ông thông thốc kể…

Trống ta có ma lực

Ai cũng biết ông Thuyết đánh trống mà thành Thuyết “trống” nhưng có mấy ai biết, ông đánh trống theo bài gì đâu?

Nói thực, bóng đá Việt không thiếu những tay trống, đi sân nào cũng thấy một đội kèn hòa tấu cùng đội trống. Chết nỗi, trống làm đệm cho kèn. Ông Thuyết thì khác, trống của ông tách bạch, và nói như ông, “nó có ma lực riêng”.

 Nam Đê - Thuyết "trống" xuất dùi

“Khi ta đánh nhịp đều, nghe trống ta mà kéo dãn đội hình, cứ nhịp nhàng đan bóng. Khi ta dồn liên hồi là có khoảng trống phía trước, nghe trống ta phản công.

Khi ta đánh nhịp cắc - nhịp tùng, tiếng trống liên hồi đan xen cứ dọc biên khoét lận. Nếu bỗng nhiên trống đổi nhịp ba tùng một cắc là ý ta thông báo cánh đối diện có khoảng trống.

Khi ta dập cả hai dùi, tiếng đánh rầm, bất thình lình là lúc cầu thủ bên ta tung cú sút. Tiếng trống lúc này dễ làm thủ môn đối phương giật mình kiểu tay vợt môn bóng bàn tung cú bạt và dậm chân.

Khi ta hãm những thanh cắc lên thành trống là hậu vệ đề phòng phía sau. Còn nếu trống im bặt nghĩa là chẳng có hàm ý gì nữa, ngoài việc để đội nhà tập trung phòng ngự trước đối phương…” – Ông Thuyết múa một hồi độc chiêu của mình trên miệng!

Tôi nghe gật gù bảo ông đánh trống cứ như kiểu thời Đinh có phép đánh trống xuất trận, niêm luật, nhịp phách đến… sợ! Ngắt lời, tôi quay ra “chọc” ông: “Cháu nghe thì ngon lành chú ạ. Tiếc là cái đám trẻ quân Nam Định chưa kịp ngộ hết ma lực trống chú thì đã đúp mấy hạng!”

Ông cười rồi gật đầu: “Ờ, tụi nó đúp, ta bỏ nghề luôn! Trống ta thành gỗ, bọc da trâu, không đấu lại được kèn Tây, trống Tây, thậm chí cả đàn organ, thi nhau phối nhịp”.

Nghe ông “chốt hạ”, chợt nghĩ về cả nền bóng đá Việt lúc này!

* Còn nữa...

Đón đọc kỳ II:Những trận đánh nhớ đời!

Người Việt Cổ

Bình luận
vtcnews.vn