Trung Quốc đang tập trung đầu tư vào Serbia trong các lĩnh vực đường sắt, xưởng luyện thép và công nghệ giám sát.
Tại văn phòng công ty Đường sắt Trung Quốc (China Railway) ở thủ đô Belgrade, kỹ sư Yu Hui đang giới thiệu về mô hình một tuyến đường sắt. Đây là mô hình tuyến đường sắt Belgrade-Budapest sẽ được thi công bởi các công ty Nga và Trung Quốc trong tương lai gần. "Việc thiết kế tuyến đường sắt này không phải là thách thức đối với tôi. Tôi từng làm việc ở Pakistan, Ai Cập, Iran và cả Argentina", kỹ sư người Trung Quốc cho biết.
Để xây được tuyến đường sắt, Serbia phải vay hàng tỷ USD từ Nga và Trung Quốc. “Con đường Tơ lụa mới” có ý nghĩa to lớn đối với quốc gia Serbia nhỏ bé thuộc bán đảo Balkan nhưng chỉ là một “phi vụ kinh doanh” đối với Trung Quốc. Chủ tịch Nghiệp đoàn Thương mại Serbia Marko Cadez cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới một trong những thị trường lớn nhất thế giới, đó là Liên minh châu Âu với 500 triệu dân”.
“Trung Quốc là món quà trời ban”
Serbia là một địa điểm đầu tư lý tưởng đối với Trung Quốc. Quốc gia này ký kết nhiều hiệp định thương mại với Brussels, nhưng vì không thuộc EU nên không cần tuân theo các quy chuẩn nghiêm ngặt của EU.
Tại Belgrade, Tổng thống Aleksandar Vucic khá thực dụng. Ông theo dõi thông tin truyền thông khi lễ khánh thành một cây cầu do người Trung Quốc xây diễn ra hay khi một đoạn đường cao tốc được đưa vào sử dụng.
Người dẫn chương trình nổi tiếng Serbia Milomir Maric chia sẻ: “Trung Quốc đã xây cho chúng tôi những cây cầu và những tuyến đường, điều mà châu Âu không hề quan tâm tới. Đối với chúng tôi, Trung Quốc giống như một 'món quà trời ban', họ đã cho chúng tôi vay tiền và giúp chúng tôi xây dựng các công trình".
Khi còn trẻ, Maric từng mơ về một giấc mơ của riêng ông, đó là Serbia sẽ gia nhập EU và trở thành một phần của phương Tây. Nhưng hiện tại, vị đạo diễn nghĩ rằng giấc mơ đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Lý do là vì Đức và Bỉ yêu cầu Serbia công nhận độc lập của Cộng hòa Kosovo. Trong khi đó, Nga và Trung lại bác bỏ tuyên bố độc lập của Kosovo tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tiền rơi trở lại vào túi Trung Quốc
Maric tưởng tượng vào một ngày tháng Mười đầy nắng, ông sẽ dạo quanh quận Zemun, thành phố Belgrade và tham quan nhà ga cho tuyến tàu cao tốc mới xây xong. Nơi đây không thấy bóng dáng của công nhân người Serbia. Du khách sẽ chỉ gặp mà bạn sẽ bắt gặp các công nhân đến từ Trung Quốc. Họ không “hé nửa lời” với các nhà báo về việc họ đang làm ở Serbia. Dân chúng cũng không bao giờ nhận được câu trả lời từ công ty Trung Quốc và các bộ thuộc Chính phủ Serbia cho những thắc mắc của mình.
Trung Quốc hiện đang vận hành một nhà máy luyện thép “khổng lồ” ở miền Trung Serbia, một nhà máy luyện đồng ở miền Đông, và một nhà máy sản xuất lốp xe ở miền Bắc. Chính phủ Serbia không quan tâm các công ty Trung Quốc có chấp hành các tiêu chuẩn về môi trường hay không. Việc họ quan tâm là tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nước mình. Đây là một cơ hội đầy hứa hẹn với người dân Serbia, những người phải trang trải cuộc sống với mức lương chưa đến 500 euro/ tháng.
Theo phát ngôn của chính phủ, các khoản tiền "đầu tư" của Trung Quốc lên tới 10 tỷ euro trong những năm gần đây. Tuy nhiên theo dữ liệu chính thức từ Ngân hàng Trung ương, số tiền đầu tư của Trung Quốc cho tới năm 2019 chỉ đạt 1.6 tỷ euro – ít hơn nhiều so với khoản đầu tư từ EU. Những người chỉ trích cho rằng Trung Quốc thực chất không hề đầu tư mà họ chỉ cho Serbia vay tiền để thực hiện các dự án xây dựng. Và cuối cùng các dự án này cũng sẽ rơi vào tay các công ty Trung Quốc.
Chính trị gia Đảng Tự do và Công Lý Marinika Tepic cho biết: “Điều khiến chúng tôi tức giận là sự chênh lệch chi phí quá cao. Sau khi Trung Quốc tham gia vào dự án, khoản tiền ước tính để xây dựng đã tăng gấp đôi so với trước đó, cụ thể là 4.4 tỷ euro. Số tiền này quá sức chi trả của Serbia bởi ngân sách nhà nước chỉ thu khoảng 11 tỷ euro/ năm”.
Bà Tepic bày tỏ nghi ngờ về dấu hiệu của tham nhũng: “Chúng tôi không nhận được báo cáo chi tiết về các khoản tiền được chi vào đâu. Các công ty Trung Quốc được bảo vệ như những “con gấu trắng Bắc Cực” bởi một hiệp định liên chính phủ song phương”. Vì những lời chỉ trích của mình, bà đã bị tố cáo là "kẻ phản bội" trên các tờ báo lá cải và thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng.
Sự xuất hiện của vaccine Trung Quốc
Những người chỉ trích gay gắt Tổng thống Vucic và cảm tình của ông dành cho Trung Quốc đã im hơi lặng tiếng trong vài tuần gần đây.
Với 1 triệu liều vaccine từ nhà sản xuất vaccine Trung Quốc Sinopharm, Serbia đang tiến hành tiêm chủng nhanh hơn nhiều so với các nước EU. Người dân thậm chí có thể lựa chọn giữa vaccine từ Trung Quốc, Nga hoặc các nước phương Tây. Nước láng giềng Hungary đang noi gương Serbia và đặt vaccine từ Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết bà sẽ ủng hộ vaccine từ vùng Viễn Đông ngay sau khi chúng được các cơ quan chức năng châu Âu phê duyệt.
Camera an ninh phủ sóng khắp mọi nơi
“Liệu Serbia có phải là một dự án thử nghiệm trong kế hoạch tiếp cận châu Âu của Trung Quốc?"
Đó là điều mà luật sư Nevena Ruzic, hiện đang làm việc tại Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundation) lo sợ. Đứng trên Quảng trường Cộng hòa giữa trung tâm thành phố Belgrade, luật sư chỉ vào chiếc camera an ninh: “Bạn có thấy chiếc camera hình tròn trông giống một quả bóng kia không? Nó có thể quay 360 độ và có phần mềm nhận dạng khuôn mặt”.
Hơn 1.000 camera như vậy của công ty Huawei có mặt khắp nơi trong thành phố Belgrade. Vì cảnh sát không tiết lộ vị trí chính xác của các camera nên các nhà hoạt động phải tự tìm kiếm và đánh dấu vị trí của chúng trên bản đồ.
Việc cảnh sát Serbia có sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt hay không vẫn còn là một ẩn số. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Belgrade là thành phố đầu tiên tại châu Âu nơi người ta có thể tìm thấy camera an ninh ở khắp mọi ngõ ngách. Danh xưng “thành phố an toàn Belgrade” cũng là một hình thức quảng cáo cho công nghệ giám sát của Trung Quốc.
Tuyên truyền cho Trung Quốc
Serbia và các nước láng giềng thường bị chê bai là "sân sau" của châu Âu. Tuy nhiên, EU đang để mắt tới sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại bán đảo Balkan. EU cho rằng những khoản vay có thể là điều kiện giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng về chính trị đối với các nước đi vay như Serbia.
Nhà báo Maric không nghĩ như vậy: “Thật nực cười! Các quốc gia Tây Âu nói những điều này chỉ vì muốn bảo vệ nền kinh tế của chính họ. Trung Quốc đầu tư vào các nước châu Âu khác hoặc vào các nước thành viên NATO nhiều hơn so với Serbia. Hàng hóa Trung Quốc luôn cập bến tại các cảng Duisburg, Hamburg và Rotterdam”.
Niềm tin của Tổng thống Vucic dành cho Trung Quốc rất được người dân Serbia ủng hộ. Theo một cuộc khảo sát từ tháng 11/ 2020, 16% người Serbia coi Trung Quốc là "người bạn thân nhất". Họ có cảm tình với Trung Quốc khi đã nhanh chóng giúp đỡ Serbia trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.
Tổng thống Vucic đã đích thân tiếp nhận khẩu trang và thiết bị y tế của Trung Quốc. Tuy nhiên mức giá của những món hàng này vẫn là một bí mật. Người dân Belgrade thậm chí còn bắt gặp các biển quảng cáo thổi phồng sự giúp đỡ của Trung Quốc với dòng chữ “Cảm ơn người anh em Tập Cận Bình!"
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông gần như “phớt lờ” khoản hỗ trợ trị giá 100 triệu euro của EU dành cho Serbia. Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi 75% người dân cho rằng Trung Quốc đã có công giúp đỡ Serbia nhiều nhất trong đại dịch COVID-19 và chỉ có 3% công nhận sự viện trợ của EU.
Bình luận