(VTC News) – Cho đến giờ, không một trận đấu nào có thể tái hiện được không khí cuồng nhiệt đến ngộp thở như trận cầu lịch sử 39 năm trước trên sân Thống Nhất!
Đối thủ chỉ nghe qua đài phát thanh
Cảng Sài Gòn quy tụ những cầu thủ có thể coi là hay nhất Sài Gòn thời điểm đó với những tên tuổi vang bóng một thời đủ để những cầu thủ phía Bắc dù mới chỉ nghe qua đài phát thanh mà chưa từng gặp mặt cũng đã mang trong lòng sự mong mỏi được gặp gỡ, trong niềm mong mỏi ước ao chung được một lần đặt chân vào Sài Gòn ở những ngày đầu giải phóng.
Nói về sự mong mỏi này, ông Lê Thụy Hải chia sẻ: “Mấy anh em tôi lúc đó rất háo hức. Háo hức được chơi với những anh như anh Tam Lang, anh Tư Lê, anh Ngôn, anh Thà… mà chúng tôi từng được nghe tường thuật về những trận đấu của các anh ở trong Nam. Được gặp mặt các anh ấy cũng là điều tự hào rồi.
Thực ra mà nói, vào miền Nam lúc đó không phải là điều dễ đâu. Đi phải có giấy tờ, phải có mọi thứ. Thế nên được đi đã là điều rất vui rồi, hạnh phúc rồi, nhất là lại được đá bóng nữa”.
Cựu tiền vệ của đội Tổng cục đường sắt Lê Thụy Hải gặp lại đồng đội xưa (Ảnh: Hoàng Tùng) |
“Lúc đó chỉ được nghe qua đài phát thanh, hoặc trên báo chí nói Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông nên toàn đội háo hức xem vào đến nơi, Sài Gòn đẹp đến như thế nào!” - ông Lê Khắc Chính, cựu trung vệ Tổng cụ Đường sắt (1976) chia sẻ thêm.
Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay và được đi máy bay cảm thấy là hạnh phúc rồi. Tôi trông cái cánh cửa nó cứ đen đen, mấy anh em cứ nói đùa: “Nó đen, nó vẫn bay được là được rồi, không có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả. Và đúng thật, nó bay nhanh!”- ông Nguyễn Minh Điểm, cựu tiền đạo đội Tổng cục Đường sắt (1976).
Những háo hức, phấn khởi của ngày ấy, cho đến hôm nay, vẫn đọng lại trong những câu chuyện của những cầu thủ Tổng cục Đường sắt năm xưa. Nếu một lần được ngồi giữa cuộc gặp gỡ của họ, sẽ thấy câu chuyện về chuyến du Nam đầu tiên ấy của họ, dường như không bao giờ dứt.
Họ, năm ấy, là những thanh niên hơn 20 tuổi, đá bóng bằng niềm đam mê cháy bỏng chứ không quản việc đói hay no. Họ, năm ấy, ấn tượng bởi tình cảm nồng hậu của lãnh đạo Sở TDTT TP.HCM của các cầu thủ Cảng Sài Gòn, Hải Quan ngay từ khi họ đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất cho tới những buổi tiệc giao lưu trước trận đấu cũng chính là những lần đầu tiên các đội gặp gỡ nhau.
Đội Tổng cục đường sắt những năm 1970 |
Trái với tâm lý háo hức của các cầu thủ từ Bắc vào, những cầu thủ của Cảng Sài Gòn - đội bóng đầu tiên tiếp Tổng cục Đường sắt lại khá xáo trộn trước trận đấu ý nghĩa này.
“Lúc đó nói đúng ra là thời kỳ mới giải phóng, tư tưởng mình còn hoang mang, chưa ổn định được” - Ông Lê Đình Thăng, cựu trung vệ đội Cảng Sài Gòn (1976) cho biết.
Còn ông Lê Văn Tư (Tư Lê), cựu tiền đạo đội Cảng Sài Gòn (1976) thì nhớ lại: “Qua mấy người bạn, tôi được biết, Đường sắt là đội bóng có những cầu thủ có tiếng và đá cũng “cứng”. Và tôi cảm thấy rất phấn khởi bởi mới giải phóng, thống nhất đất nước mà anh em hai miền gặp nhau trong tình thể thao”.
Được đổi tên từ sân Cộng Hòa sang sân Thống Nhất chỉ 2 tháng sau ngày Miền Nam giải phóng. Đây cũng chính là nơi chứng kiến ước vọng nối liền cõi lòng người dân hai miền Nam-Bắc bằng những trận cầu giao hữu và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao khác.
Đã 30 năm gắn bó với nơi này, kể từ khi chuyển từ Bắc vào Nam đồng hành cùng thể thao TP.HCM nhưng ít ai biết, lần đầu tiên ông Trần Duy Long đặt chân tới đây cũng chính là trận đấu giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn năm 1976 ấy. Khi đó, Trần Duy Long vừa là HLV vừa là cầu thủ.
Nay đã bước qua cái tuổi 70 nhưng kỷ niệm về trận cầu năm ấy với ông còn khắc sâu mãi: “Đây là một ngày hội và rất đáng tự hào với chúng tôi.
Trận cầu lịch sử 1976 |
Rồi một công việc quan trọng nữa để chuẩn bị cho trận đấu này. Đó là chọn được một trọng tài thật xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa của trân đấu.
Ông Hồ Thiệu Quang, một trong những trọng tài FIFA đầu tiên của bóng đá Miền Nam ngày đó, bồi hồi khi nhớ lại trận cầu đáng nhớ nhất trong cuộc đời hơn 30 năm gắn bó với sân cỏ của mình.
“Năm đó có 8 trọng tài tốt nhất Miền Nam được tập trung chuẩn bị cho hai trận của Tổng cục Đường sắt trên sân Thống Nhất (đấu Cảng Sài Gòn và Hải Quan) thì thật bất ngờ, tôi được chỉ định điều khiển cả hai trận.
Ở ngoài, dư luận nói, trọng tài bị sức ép của cả Ban tổ chức, của Tổng cục TDTT, của thế này, thế nọ… nhưng sự thật không phải vâỵ. Tất cả đều là vô tư. Cá nhân tôi cũng chỉ biết mình sẽ điều khiển trận đấu trước 15, 20 phút trước khi trận đấu diễn ra” – Ông Hồ Thiệu Quang nói.
Cả Sài Gòn sôi lên
Hôm ấy, ngày 07/11/1976, cả Sài Gòn đổ xô về sân vận động Thống Nhất, phải 19h trận đấu mới chính thức bắt đầu nhưng khán giả đã đông nghẹt ngay từ trưa, vượt quá sức chứa 3 vạn chỗ ngồi từ 1, 2 giờ chiều.
Sân Thống Nhất đông đến nghẹt thở khi theo dõi trận Cảng Sài Gòn - Tổng cục đường sắt 1976 |
“Cho đến giờ, vẫn chưa trận đấu nào trên sân Thống Nhất tái hiện lại được cái không khí của ngày hôm đó. Toàn thể sân vận động đông nghẹt người, ngồi hết lên hàng rào, các cây đều có người đu bám như là khỉ vậy. Trong khi bên ngoài còn một lượng khán giả rất đông đùn đẩy, muốn tràn vào trong. Hồi đó tôi rất sợ vỡ sân” – ông Lê Đình Thắng, một khán giả đến sân theo dõi trận đấu 39 năm trước kể lại.
Còn ông Trần Hữu Nghĩa, năm đó mới 16 tuổi đã rất khó khăn trong việc xin phép ba đi xem bởi ông sợ an ninh không ổn định ở chỗ đông người thì kể lại: “Không thể tưởng tượng được cái không khí ngày hôm đó khi tôi bước vào sân.
Cũng ở cái nhìn đầu tiên, ông Trần Hữu Nghĩa còn nhận ra một điều, rằng: “Ôi, sao mà cầu thủ miền Bắc to vậy! Làm sao miền Nam mình đá lại?”.
Toàn cảnh hàng nghìn người diễu binh mừng ngày Thống nhất
*Còn nữa…
Tiểu Hàn
Bình luận