Vào những ngày cuối năm 2019, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 8, TPHCM bị “lô cốt” bủa vây. Rào chắn thi công công trình sửa chữa đường, làm cống… chiếm dụng gần hết mặt đường, chỉ chừa lại lối đi nhỏ khiến giao thông ùn tắc, kinh doanh của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuyến đường Phạm Thế Hiển mặt đường vốn đã khá chật hẹp hiện có cả chục "lô cốt" án ngữ. “Cứ cái này tháo đi thì cái khác lại mọc lên, chỗ thì có vài công nhân làm việc, có chỗ rào rồi để đó chả thấy làm gì. Rào chắn nằm án ngữ trước mặt tiền nhà ngày này qua tháng nọ khiến chúng tôi không làm ăn buôn bán được, nhất là thời điểm cuối năm, khi người ta mua bán tấp nập thì mình phải đóng cửa hàng vì... lô cốt”, bà Lê Thị Mận (55 tuổi, ngụ quận 8) nói.
Đường Võ Văn Kiệt là cửa ngõ huyết mạch nối từ trung tâm TPHCM đi quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh nhưng rào chắn công trình nằm rải rác khắp nơi. Nhiều đoạn rào chắn chỉ chừa lại một lối nhỏ cho xe máy lưu thông khiến tuyến đường này thường xuyên bị ùn ứ vào giờ cao điểm.
Tương tự, trên địa bàn quận 4, hàng loạt “lô cốt” mọc lên trên đường Bến Vân Đồn từ đoạn chân cầu Calmette kéo dài đến gần cầu Nguyễn Văn Cừ, "lô cốt" nối nhau chiếm dụng mặt đường, khiến xe cộ lưu thông rất khó khăn. Đường Tôn Thất Thuyết dày đặc "lô cốt" thuộc công trình cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2.
Gần 1 tháng nay, các đơn vị đua nhau đào đường, san lấp, lập hàng rào bảo vệ để thi công gây bụi bay mù mịt, kẹt xe trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh… (quận Bình Thạnh). Đặc biệt, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh vốn là điểm “nóng” về ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, sau khi mặt đường bị rào chắn để phục vụ thi công sửa chữa mặt đường thì tình trạng kẹt xe lại càng nghiêm trọng.
Cấm đào đường dịp tết
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố hiện có 123 vị trí rào chắn trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Trong đó, quận 8 là địa bàn nhiều “lô cốt” nhất với 40 vị trí, quận 2 có 14 vị trí.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại các công trình thi công, không cho phép mở rào chắn phát sinh mới từ tháng 12 đến sau Tết Nguyên đán (ngoại trừ các công trình sử dụng vốn ODA hoặc các công trình cấp bách xử lý sự cố).
Với các rào chắn đang vi phạm và được phép tồn tại trong dịp Tết Canh Tý 2020, thanh tra giao thông đã thành lập đoàn kiểm tra. Dự kiến trong tháng 1/2020, Sở GTVT sẽ đưa bản đồ danh mục các tuyến đường cấm đào, không được thi công ban ngày cũng như các tuyến đường đang thi công lên bản đồ.
Lý giải việc cứ vào dịp cuối năm, “lô cốt” lại xuất hiện nhiều trên các tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Đường cho rằng, các công trình chủ yếu thuộc sự quản lý của quận, huyện và được xây dựng kế hoạch, đăng ký vốn, báo cáo về UBND thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm.
Tuy nhiên, các thủ tục dự toán, đấu thầu và giải ngân vốn diễn ra chậm trong khi thời gian trình dự án để được phê duyệt cấp phép thi công phụ thuộc vào chủ đầu tư nên cơ quan quản lý dù biết đây là việc gây phiền cho người dân nhưng cũng không làm khác được. “Tình trạng dồn dự án, đồng loạt khởi công vào giai đoạn cuối năm gần như năm nào cũng diễn ra"- ông Đường nói.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những ngày cuối năm 2019, lực lượng thanh tra đã và đang tiến hành chuyên đề kiểm tra rào chắn ở nhiều công trình trên địa bàn thành phố. “Thanh tra sở tiếp tục kiểm tra các công trình, dự án có rào chắn trên đường để nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu thu gọn rào chắn những vị trí đã thi công xong, không để rào chắn tồn tại. Trường hợp tái phạm sẽ bị xử phạt nghiêm”, ông Khánh nói.
Để hạn chế tình trạng "lô cốt" bủa vây, mặt đường, vỉa hè bị đào bới vào thời gian cuối năm gây ảnh hưởng đến giao thông, đời sống của người dân, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cấm đào đường để thi công các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong dịp Tết Nguyên đán.
Từ ngày 17/1 đến 1/2/2020 (23 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng). Chủ đầu tư tất cả các công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thi công khẩn trương dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đang thi công và trả lại nguyên trạng mặt đường trước ngày 17/1.
Bình luận