(VTC News) - Nghiền điện thoại di động, biết mang dép, đội mũ bảo hiểm, đi dạo bộ và ăn mỳ tôm..., anh Hồ Văn Lang đang hòa nhập khá nhanh với cuộc sống hiện đại.
Một biến cố lớn xảy ra vào khoảng năm 1972, khi bom Mỹ dội trúng nhà gây ra cái chết thảm thương của người mẹ già và hai con trai, ông Hồ Văn Thanh, 81 tuổi, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, H.Tây Trà, Quảng Ngãi ôm đứa con 1 tuổi bỏ làng vào rừng sâu làm bạn với đại ngàn.
Hơn 40 năm sống biệt lập trong rừng, cuộc sống khắc nghiệt song ông Thanh vẫn nuôi con trai Hồ Văn Lang, hiện đã 44 tuổi, sống sót đến giờ.
Ông Thanh được người dân dìu đi những bước chập chững. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Biết tin hai cha con được đưa về làng, hàng trăm người dân đã đến chia vui cùng gia đình. Ông Thanh sức khỏe suy kiệt được đưa đến Trung tâm Y tế Tây trà cấp cứu đã dần hồi phục.
Nhưng dường như nỗi đau mất người thân, nỗi ám ảnh về chiến tranh vẫn như vết dao cứa vào lòng ông, nên dù được về sum họp bên người thân, xóm làng, nhưng ông vẫn lặng thinh khi mọi người hỏi chuyện.
Ông Thanh giờ đã đi lại chập chững và ăn uống được, không còn nằm một chỗ như lúc mới đưa về từ rừng.
Về phần anh Hồ Văn Lang, con trai ông Thanh với mái tóc cắt ngắn, da dẻ hồng hào, đóng bộ quần áo mới khiến nhiều người khó nhận ra hình ảnh “người rừng” cách đây chỉ mới một tuần.
Bữa cơm đạm bạc bên người thân. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Nghe nhạc trên điện thoại di động. Ảnh: TNO |
Anh Lang tiếp cận với cộng đồng rất nhanh bằng nhiều cách riêng, thể hiện qua việc đội mũ bảo hiểm, gài quai thành thục. Anh Lang còn rất thích cầm chiếc điện thoại bên mình, táy máy nghe nhạc.
Cài quai mũ bảo hiểm rất nhanh, thuần thục. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Tuy nhiên, dáng người hơi khom, đi rất nhanh và nỗi nhớ rừng vẫn thường trực trong con người anh Lang, cho thấy dường như tâm hồn anh mãi vẫn thuộc về núi rừng đại ngàn.
Nỗi nhớ rừng luôn thường trực trong anh. Ảnh: TNO |
Diệp Vy(tổng hợp)
Bình luận