Đọc bài “Tốn 4 - 5 tháng lương để về quê ăn Tết, sao không về dịp khác?” của bạn Thái Đăng, tôi tự hỏi sao nhiều người cứ tự làm mình mệt mỏi một cách không cần thiết như vậy.
Bạn nói yêu Tết cổ truyền, “mê không khí ấm áp, hân hoan đặc biệt của Tết từ thời thơ bé và luôn hoài niệm về những ngày ấy”. Vậy thì cứ hồn nhiên mà về thôi, về mà tận hưởng những niềm hạnh phúc không gì so sánh được của cái Tết bên gia đình. Những trở ngại cho chuyến trở về đều là chính bạn tự đặt ra để làm khó mình chứ nào phải quê hương đặt ra thủ tục nhiêu khê khiến bạn tốn kém.
Đúng là ở xa đưa cả nhà về Tết cũng phải tính toán về tài chính, vì đi ô tô sẽ không đủ thời gian, đi máy bay thì đắt đỏ. Việc lên kế hoạch để mua vé sớm cũng chỉ đỡ được phần nào. Tuy nhiên, trừ khi bạn hợp thật sự không có khả năng chi trả, đây là khoản có thể chấp nhận để đổi lấy niềm vui đoàn tụ trong năm mới.
Còn những khoản khác, bạn không cần quá câu nệ. Những người ruột thịt chắc chắn sẽ không muốn bạn tốn kém vì mình. Quà cho họ chỉ cần thể hiện tấm lòng, không cần đắt đỏ. Tiền biếu bố mẹ chi tiêu, bạn có thể đưa bất kỳ lúc nào trong năm, Tết chỉ cần mừng tuổi 500 nghìn đồng lấy thảo thôi cũng được mà.
Còn đối với họ hàng, xóm giềng, bạn có điều kiện thì biếu quà, mừng tuổi. Ai từ làng quê đi ra đều hiểu, người quê khái tính lắm, họ cần tình cảm chứ đâu có đòi quà. Chẳng qua nhiều người đi làm ăn xa cứ nghĩ rằng mình cần trở về trong tư thế thành đạt, giàu có, nên cần phải tặng quà, lì xì thật xông xênh; kể cả khi không thật sự dồi dào tiền bạc vẫn cứ cố gồng mình lên, để rồi căng thẳng, mệt mỏi, kêu về quê ăn Tết là gánh nặng, ngại về.
Chúng ta ai cũng hoài niệm về những cái Tết thời ấu thơ, thấy nó đẹp nhất, nhiều cảm xúc tuyệt vời nhất. Đó là vì lúc đó chúng ta hoàn toàn hồn nhiên, mở rộng tâm hồn đón nhận những rung cảm đặc biệt của Tết cổ truyền dân tộc.
Còn khi là người lớn, cái Tết khiến ta mệt mỏi không chỉ vì công việc hay trách nhiệm, mà cả vì gánh nặng của sĩ diện và nhu cầu thể hiện bản thân. Nếu thực sự coi mình đơn thuần là một người con của quê hương trở về ăn Tết thì chúng ta sẽ mang tâm thế như các cô cậu sinh viên, chỉ cần có tiền mua vé xe hay tàu bay là hớn hở lên đường, chẳng ngại “vác mồm về ăn chực” những người thân.
Nếu thực sự hiểu và coi trọng giá trị tinh thần của Tết cổ truyền, bạn sẽ không để những phần quà Tết trở thành vướng mắc, vì bạn cần biếu chứ người quê không cần nhận. Ngày Tết, thứ quý nhất chúng ta cho và nhận chính là sự ấm áp của tình thân, tình làng nghĩa xóm.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận