Video: Người phụ nữ 60 tuổi kể lại 7 ngày đêm tìm sự sống dưới vực sâu ở Yên Tử
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được giải cứu khỏi vực sâu ở khu vực núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, sau khi câu chuyện của bà Liên được chia sẻ, nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng bà dựng chuyện, thêu dệt câu chuyện sinh tồn trong 7 ngày ở núi Yên Tử để nổi tiếng.
Sáng 4/5, tâm sự với phóng viên VTC News, bà Nguyễn Thị Bích Liên rất bức xúc khi trên mạng có những lời đồn ác ý về bà và gia đình.
“Mọi chuyện tôi trải qua đều là sự thật, thông tin vé cáp treo tôi đã từng đi thì hiện nay ban quản lý vẫn nắm giữ. Cũng không có chuyện tôi lên núi để tu hay bế quan. Tôi rất buồn khi gia đình lâm vào khủng hoảng không đáng có này", bà Liên khẳng định.
Bên cạnh đó, người phụ nữ này cũng chia sẻ rút kinh nghiệm sau sự cố không đáng có vừa qua: "Sai lầm lớn nhất của tôi là chỉ nghĩ đi lấy thuốc về trong ngày nên không báo cho chồng con. Qua sự việc này tôi chỉ mong đây là bài học để mọi người cẩn trọng hơn trong quá trình đi tham quan, du lịch”.
Chia sẻ thêm về những khó khăn gia đình đã gặp phải trong khoảng 7 ngày vợ mất tích, ông Hoàng Phúc Khánh - chồng bà Liên cho biết gia đình phải chạy đôn chạy đáo đi tìm vợ.
"Sáng 27/4, hai vợ chồng vẫn liên lạc với nhau bằng điện thoại, tôi vẫn nghĩ bà ấy chỉ đang đi loanh quanh ở Hà Nội thôi vì đi bằng xe máy mà. Tôi có thói quen thức khuya, 3h sáng ngày 28/4, không thấy bà ấy về mà cũng không liên lạc gì. Tôi nghĩ bà ấy đang ở bệnh viện trông bà ngoại nên không gọi.
Trưa 28/4 tôi gọi cho vợ nhưng không được, linh tính chẳng lành nên tôi gọi cho tất cả anh em bạn bè ở Hà Nội hỏi nhưng không có nên tôi lại càng sợ. Dự cảm có chuyện không lành tôi lập tức làm đơn trình báo lên cơ quan công an", ông Khánh kể lại.
Ngoài ra, gia đình ông Khánh cũng đưa ra nhiều giả thuyết và tìm các phương án để tìm người thân.
"Gia đình cũng phân tích nhiều giả thuyết về việc vợ tôi mất tích. Mọi người cứ hỏi ở nhà có cãi vã hay gì không? Dạo này có xích mích hay vay nợ? Có người còn nói gở bảo hay bà ấy tự tử hay phải trốn nợ...", ông Khánh kể về quãng thời gian lo lắng khi vợ mất tích.
Ông Khánh kể rằng nhiều ngày tìm kiếm, gia đình gần như tuyệt vọng. Sự việc không may xảy đến khiến ông gần như suy sụp hoàn toàn.
“Có những tối tôi không ngủ, hút hết 2 bao thuốc lá, rồi lôi điện thoại gọi vợ mà vẫn biệt vô âm tín. Cho đến sáng hôm qua (3/5) có số lạ gọi đến, thói quen của tôi thì không hay nghe máy người lạ nhưng lần này quyết định bắt máy. Bên số còn hỏi ông Khánh chồng bà Liên phải không? Lúc đó tôi ngỡ có chuyện chẳng lành. Nhưng may thay họ bảo vừa tìm được vợ tôi ở dưới vực, sức khỏe tinh thần ổn định nên mới gọi được cho tôi", ông Khánh kể.
Nhận được cuộc gọi, ông Khánh vui mừng không nói lên lời. Đón được người thân, ông Khánh gửi lời cảm ơn tới Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã tận tình hỗ trợ, giúp đỡ và đưa bà Liên trở về an toàn.
Trong câu chuyện với phóng viên VTC News, bà Liên kể rằng ngày 27/4, bà đi một mình từ Hà Nội xuống Quảng Ninh để cắt thuốc Nam chữa đau xương khớp. Khi qua Uông Bí, bà ghé vào Yên Tử để lễ chùa. Sau đó, bà mua vé tham quan và vé cáp treo khứ hồi để lên đỉnh chùa Đồng.
Sau khi lễ ở chùa Đồng, bà Liên quay xuống núi. Vừa đi được một đoạn, bà thấy chóng mặt nên ngồi tựa vào lan can cạnh vách núi để nghỉ. Lúc đứng dậy do loạng choạng nên bà bị trượt ngã xuống vực.
“Ban đầu tôi không có ý định đi nhưng nghe người dân gần đó bảo gần chùa Yên Tử nên tôi nghĩ rằng tiện thể lên chùa để cầu cho gia đình được bình an. Buổi trưa lên thì trời mưa, lúc trở xuống thì đã cuối giờ chiều, sương mù dày đặc. Tôi bám theo đoàn thanh niên nhưng họ nhanh chân đi trước, tôi đuổi không kịp.
Tôi quyết định ngồi nghỉ ở một phiến đá phẳng, đợi tốp người sau để đi cùng. Lúc có đoàn khác xuống, tôi vội vàng đứng dậy nhưng bị hoa mắt, chóng mặt nên bị lộn nhào về sau. Tôi bị ngất luôn, lúc tỉnh dậy cũng không biết là đã lịm được bao lâu, chỉ biết lúc tỉnh lại thấy mình bị lọt vào khe đá, đầu đang gối vào rễ cây, chân tay xước xát hết cả vì va vào đá”, bà Liên nhớ lại.
Do địa hình hiểm trở ít người qua lại và đặc biệt, khu vực đỉnh chùa Đồng gió rất to, thời tiết thường xuyên mây mù nên dù bà Liên kêu cứu từ dưới vực nhiều ngày nhưng không ai nghe thấy.
7 ngày, lúc đói, lúc khát bà Liên chỉ có thể cầm cự bằng cách chia nhỏ gói bánh cháy ăn dần và chai nước mang theo bên người.
"Có chai nước mỗi ngày cứ chia ra uống, ăn thì tôi ăn lá dương xỉ với củ lạc tiên. Đọc qua Đông y cũng biết dương xỉ làm được mà loại cây này sống cả triệu năm rồi nên cứ thử ăn xem sao. Ăn xong cũng lấy củ lạc tiên đắp vào những vết thương ở chân tay, nó dịu hẳn đi, cũng đỡ hơn. Sau 2 – 3 ngày, số nước sạch trong chai hết, nên tôi phải bới rác để tìm các chai nước họ vứt đi để uống", người phụ nữ 60 tuổi nhớ lại.
Giữa vực sâu, xung quanh là đống rác, ẩm thấp, với đầy rẫy nguy hiểm nhưng bà Liên chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ buông xuôi. “Tôi khát khao được sống, được về với gia đình. Nhờ những trải nghiệm, kiến thức được trau dồi qua phim ảnh, sách báo nên tôi tự tin vào khả năng sinh tồn của bản thân. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện có thể mình sẽ chết khô ở đây nhưng tự nhủ cứ sống được ngày nào hay ngày đó”.
Khoảng 9h15 ngày 3/5, trong lúc đi tuần tra, đội tuần tra thuộc ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử nghe tiếng kêu cứu của bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dưới vực sâu gần khu vực Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh). Ngay sau đó, đội tuần tra đã tổ chức tìm kiếm, cứu hộ. Sau 1 tiếng, đội cứu hộ phát hiện bà Liên bị mắc kẹt dưới vực sâu.
Vì địa thế hiểm trở, hàng chục nhân viên cứu hộ đã thay nhau dùng dây thừng để đu xuống vực, đưa bà Liên lên. Nạn nhân không bị chấn thương và sức khỏe bình thường.
Theo bà Liên, bà bị rơi xuống vực đã 7 ngày nay nhưng không ai tìm thấy.
Bình luận