• Zalo

Người phụ nữ kiệt quệ sức khoẻ sau gần 20 lần chuyển phôi thất bại

Tin tứcChủ Nhật, 19/05/2024 16:04:39 +07:00Google News
(VTC News) -

“Tôi từng nghĩ không còn cơ hội có thêm con sau gần 20 lần chuyển phôi đều thất bại”, Chị Cao Thị Hằng (SN 1983, ở Hà Nội) chia sẻ.

Chị Hằng vừa chia sẻ về hành trình tìm con tại lễ tổng kết Tuần lễ vàng năm 2024 và kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn tổ chức ngày 19/5.

Chị Hằng và anh Phùng Văn Dũng (SN 1978) kết hôn năm 2004 nhưng 6 tháng sau vẫn không có tin vui, cả hai quyết định bước vào hành trình “tìm con”.

Ròng rã suốt 5 năm, ai mách ở đâu chữa được hiếm muộn, anh chị đều tìm đến. Nhưng đến năm 2009, hạnh phúc mới thực sự mỉm cười với anh chị khi thụ tinh ống nghiệm thành công. Cô con gái đầu lòng chào đời trong niềm hạnh phúc của các gia đình hai bên nội ngoại.

Năm năm sau, vợ chồng chị Hằng tiếp tục đến bệnh viện để thụ tinh ống nghiệm với hy vọng có thêm con. Tuy nhiên, hành trình chạy chữa lần này của anh chị rất gian nan với gần 20 lần chuyển phôi đều thất bại nhưng không tìm ra nguyên nhân.

“Đã có lúc tôi nghĩ tới việc từ bỏ việc sinh thêm con vì kiệt quệ cả kinh tế lẫn sức khoẻ. Tôi cũng từng nghĩ mình không còn cơ hội có thêm con sau gần 20 lần chuyển phôi thất bại”, chị Hằng nhớ lại.

Năm 2021, anh chị gom góp hết vốn liếng tài sản quyết tâm đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, tìm kiếm cơ hội sinh thêm con.

Tại bệnh viện, sau khi nghe tiền sử sản khoa nặng nề, chuyển phôi thất bại nhiều lần, bác sĩ tư vấn chị Hằng chọc trứng tạo phôi, nuôi và theo dõi bằng hệ thống tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo Timelapse.

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền thực hiện thủ thuật chọc trứng cho người bệnh hiếm muộn. (Ảnh: BSCC)

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền thực hiện thủ thuật chọc trứng cho người bệnh hiếm muộn. (Ảnh: BSCC)

Theo ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, khi người bệnh lựa chọn phương pháp này, các bác sĩ và chuyên viên phôi học tìm ra những bất thường của một số phôi. “Chúng tôi đã phải theo dõi liên tục để đánh giá chất lượng phôi, chọn ra phôi tốt nhất để chuyển vào buồng tử cung cho người bệnh”, bác sĩ Hiền nói.

15 ngày sau chuyển phôi, chỉ số xét nghiệm báo chị Hằng đậu thai. May mắn hơn, cả thai kỳ chị diễn ra thuận lợi. Chị chào đón con gái vào đầu năm 2023.

Vợ chồng chị Hằng là một trong hàng nghìn gia đình hiếm muộn đã tìm được cơ hội có con nhờ các kỹ thuật y tế tiên tiến và sự tận tâm của các y bác sĩ.

Theo bác sĩ Hiền, mong mỏi có con đối với mỗi người, mỗi gia đình là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên, đôi khi điều đó không dễ dàng với nhiều gia đình.

Trong điều trị hiếm muộn, rào cản lớn nhất chính là vấn đề tài chính. Chương trình Tuần lễ Vàng ra đời đã hỗ trợ thiết thực trong thăm khám và điều trị hiếm muộn, rút ngắn hành trình tìm con của các cặp đôi.

Bình luận
vtcnews.vn