Cuối năm ngoái, Hưng (17 tuổi, Nam Định) đau bụng nhiều tháng, sụt cân, phải nghỉ học, được bố mẹ đưa lên Hà Nội khám. Các kết quả chụp chiếu chẩn đoán em bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn, bác sĩ đánh giá là không thể mổ, chỉ điều trị hóa chất để thu nhỏ u.
Anh Khoa (bố của Hưng) được bác sĩ mời vào phòng thông báo kết quả. Anh suy sụp, thương con trai ngồi ở hành lang chưa biết tình trạng của mình. Anh cầu xin bác sĩ giấu kết quả, nói dối con chỉ mắc bệnh thông thường, sẽ sớm khỏi bệnh sau điều trị.
Bà Hương (60 tuổi, Hà Nội) đau bụng, đi khám và phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn cuối, di căn gan, phổi, phúc mạc. Anh Hà - con trai bà - tìm đến bác sĩ với 2 quyển sổ khám bệnh, muốn nhờ bác sĩ ghi lại chẩn đoán và hướng điều trị vào quyển sổ mới theo hướng giảm nhẹ tình trạng bệnh.
Điều này giúp gia đình động viên bà có thêm niềm tin, động lực sống những ngày cuối đời.
Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), nguyên tắc nghề nghiệp của bác sĩ là không được giấu người bệnh, song cũng không thể thản nhiên báo với họ tin dữ.
Với nam thanh niên 18 tuổi, sau hội chẩn, bác sĩ trao đổi với người nhà trước để đo lường tâm lý người bệnh trước khi nói chuyện về tình trạng bệnh tật.
Biết người tâm lý yếu, dễ xúc động, hay tủi thân, bác sĩ chọn cách tránh nói quá nhiều về mức độ hay tính chất của bệnh, thay vào đó, bác sĩ nói về tình trạng loét chảy máu, thiếu máu, bệnh tiến triển, động viên bệnh nhân cần điều trị sớm.
Bác sĩ cũng hạn chế dùng một số từ có thể gây xúc động như ung thư hoặc ác tính. Sau nhiều cuộc nói chuyện tích cực, bệnh nhân yên tâm điều trị hóa chất, sức khỏe hiện tiến triển.
Theo bác sĩ Nam, nhiều người được giấu bệnh nhưng vẫn có thể tự đoán, đó là quá trình vô cùng đau đớn, mất tinh thần, gặm nhấm nỗi đau trong cô độc.
Nhiều người cho rằng giấu bệnh nhân càng nhiều càng tốt, để họ có tinh thần chiến đấu là không đúng. Khi một người không hiểu rõ bệnh tình của mình, họ thường mang mối hoài nghi suốt quá trình điều trị. Họ còn có xu hướng bỏ về, hung dữ, đập phá, thậm chí kết thúc cuộc đời khi biết sự thật. Lúc này, lời khuyên của bác sĩ không còn giá trị.
Ngược lại, có người sau tiên lượng nặng, hiểu tình trạng bệnh, lên kế hoạch cho những ngày cuối đời một cách thanh thản và chủ động, như thực hiện những điều bản thân muốn làm, đi du lịch, kết nối người thân, dành thời gian cho vợ chồng, con cái.
Theo các chuyên gia, người bệnh cần được giải thích để hiểu ung thư là bệnh ác tính nhưng điều trị sớm rất hiệu quả. Ngoài ra, ung thư không còn là bản án tử hình như quan niệm cũ. Các phương pháp phẫu thuật, hóa và xạ trị, cũng như liệu pháp miễn dịch ngày càng tiến bộ, giúp người bệnh cải thiện và kéo dài thời gian sống, thậm chí khỏi bệnh.
Tỷ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư trên thế giới khoảng 59,7%, ở các quốc gia đang phát triển là 67,9% thì tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam là 73,5%, ở mức cao trên thế giới.
Ba loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Trong khi đó, người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.
Bình luận