• Zalo

Người lớn thích ứng với dịch, sao cứ bắt trẻ ở nhà?

Diễn đànThứ Sáu, 21/01/2022 08:22:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Một bác sĩ nổi tiếng nói như vậy khi bày tỏ nỗi lo lắng trẻ sẽ dừng phát triển nếu cứ tiếp tục bị nhốt ở nhà như hiện nay thay vì đến trường.

Trong khi nhiều địa phương còn phức tạp về dịch COVID-19 như TP.HCM, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh vẫn tổ chức dạy học trực tiếp thì ở Hà Nội, hầu hết các lớp vẫn học trực tuyến gần 9 tháng qua.

Có hai con đang học lớp 7 và lớp 12, anh Lâm Quang Hưng (45 tuổi, ở Hoàn Kiếm) trông ngóng từng ngày chờ trường học mở cửa. Khi năm học mới bắt đầu, hai vợ chồng anh bàn trước các kịch bản, phân công cụ thể nhiệm vụ từng người ở từng giai đoạn. Thậm chí, gia đình còn tính tới tình huống xấu có thể phải học online đến hết năm. Đến giờ thì kịch bản xấu nhất này sắp thành hiện thực.

Anh lo ngại nhất là trường học đóng cửa, con học online kéo dài sang đến hết học kỳ II. Đó thực sự là quãng thời gian quá dài, quá sức chịu đựng của các con.

Người lớn thích ứng với dịch, sao cứ bắt trẻ ở nhà? - 1

Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

“Ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và một số địa phương lân cận, học sinh vùng dịch vẫn đi học bình thường. Trường nào đủ điều kiện chống dịch đều bố trí học trực tiếp. Học sinh học 1 buổi trong ngày, thời gian còn lại kết hợp học trực tuyến. Khi có học sinh là F0, trường chỉ khoanh vùng và cách ly học sinh chung lớp đó, không quá tiêu cực đóng toàn bộ. Trong khi đó, Hà Nội vẫn khăng khăng đóng cửa toàn bộ, điều này không những trái với tinh thần bình thường mới của Chính phủ mà cũng đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ và tâm thần của trẻ”, vị phụ huynh nói.

Anh Hưng cho rằng, các quán cà phê, quán ăn đã mở cửa, trong khi trường học vẫn đóng. Đóng cửa trường học nhưng người lớn và trẻ vẫn tụ tập hàng quán khắp nơi, nguy cơ lây nhiễm cao hơn đến trường. Đây là điều này vô lý và khó hiểu ở Hà Nội.

Đóng cửa trường học nhưng người lớn và trẻ vẫn tụ tập hàng quán khắp nơi, nguy cơ lây nhiễm cao hơn đến trường.

Phụ huynh

Theo anh, trước tiên cần giải toả tâm lý, tạo cảm giác thích thú học tập cho các cháu. Phụ huynh cũng cần thời gian sắp xếp cho công việc khi nền kinh tế đang hoạt động trở lại.

Chị Nguyễn Thu Lan (43 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) băn khoăn, từ tháng 12/2021 thành phố triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ học sinh độ tuổi 12 – 17. Nhưng đến nay trường học vẫn chưa mở cửa, các cháu phải thi học kỳ online.

Chị lo lắng con gái lớp 12 học online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tính đến nay, lứa học trò sinh năm 2004 trải qua ba năm THPT liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Theo chị, kỳ thi năm tới sẽ khó đảm bảo chất lượng.

"Hà Nội cần mở cửa sớm cho toàn bộ học sinh khối lớp 12 học trực tiếp, kể cả khu vực vùng cam. Các con hoàn thành 2 mũi vaccine, lại trưởng thành, có thể biết cách bảo vệ mình, vì thế chúng ta hoàn toàn yên tâm để trẻ đi học", vị phụ huynh đề xuất.

Có con học lớp 4, chị Nguyễn Phương Hoa (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, cuối tháng 12, cô giáo chủ nhiệm lấy ý kiến về việc cho học sinh đi học trực tiếp, chị và rất nhiều phụ huynh đã đồng ý.

Lý do chị đồng ý vì các con đều được tiêm đủ 2 mũi vaccine, nguy cơ lây nhiễm rất thấp. Các bậc phụ huynh đều chấp nhận tình huống xấu nhất nếu không may con mắc COVID-19 và họ sẵn sàng cùng cách ly để chăm sóc con.

“Nguyện vọng lớn nhất của con tôi bây giờ là được đến trường. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tập cho con thích nghi với hoàn cảnh hiện tại”, chị Hoa nói.

Trốn dịch đến bao giờ?

Hai năm qua, Hà Nội 4 lần tạm dừng hoạt động dạy học do COVID-19. Đợt 1, từ tháng 2 đến 4/2020 các trường học phải tạm đóng cửa. Giáo viên lúng túng, học sinh bỡ ngỡ chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Năm học 2019 - 2020 phải kéo dài đến 15/7/2020 mới kết thúc.

Đợt 2, từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8/2020. Thời gian này học sinh nghỉ hè nên không ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải chia làm 2 đợt.

Đợt 3, tháng 2/2021, mất 1 tháng đầu học kỳ 2 của năm học 2020 - 2021. Đợt 4, khởi phát từ 27/4/2021 cho đến nay gần 9 tháng.

Câu hỏi "trốn dịch đến bao giờ” được thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đặt ra trong bối cảnh ấy.

Người lớn thích ứng với dịch, sao cứ bắt trẻ ở nhà? - 2

Giáo viên dạy học online. (Ảnh minh hoạ: M.H)

Thầy Khang băn khoăn: "Nếu ngành y tế tập trung chống dịch mỗi khi bùng phát thì ngành giáo dục chẳng còn cách nào khác là cùng nhau ở nhà dạy và học online. Như thế gọi là trốn dịch để duy trì việc học. Lần này trốn lâu quá, không còn trốn tạm thời nữa. 9 tháng đóng cửa trường, thầy trò kiên trì ở nhà trốn dịch. Đóng cửa trường mãi sao? Các con phải trốn dịch đến bao giờ?"

Cũng theo thầy Khang, sau khi thành phố Hà Nội có kế hoạch cho các địa phương vùng 1, 2 được đến trường trực tiếp, nhà trường khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh.

Theo đó, 84% đồng ý cho học sinh nghỉ học và chỉ 16% phụ huynh đồng ý cho học sinh đi học trong bối cảnh này.

Trở ngại lớn nhất hiện nay là tâm lý lo lắng của phụ huynh khi cho con trở lại trường. Lo con nhiễm bệnh trở thành F0 chỉ một phần, nhưng lo nhiều hơn khi con trở thành F1, F2 rồi phải đi cách ly tập trung nơi này, nơi khác.

Trước tình huống đó, dù gần 9 tháng học sinh chưa được đến trường nhưng trường vẫn tiếp tục cho các em học trực tuyến vì không thể đi ngược lại phần lớn mong muốn của phụ huynh.

Theo vị hiệu trưởng, các địa phương, các trường học phải bình tĩnh, có cách ứng xử với F0, F1, F2 xuất hiện trong trường hợp lý để phụ huynh yên tâm. Mặt khác, phụ huynh cần vượt qua nỗi lo, tỉnh táo và yên tâm cho trẻ đến trường khi địa phương có điều kiện thích hợp.

Nói về lộ trình, kế hoạch trở lại trường, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, chỉ khi nào đảm bảo an toàn, Hà Nội mới cho học sinh đến trường. "Nếu không có gì thay đổi, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dự kiến Sở sẽ tiếp tục đề xuất với thành phố cho học sinh khối 7 đến 12 đi học trở lại 100% ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã", ông Cương nói.

Để đưa ra đề xuất, Sở sẽ cân nhắc dựa trên tình hình dịch bệnh tại thành phố cũng như tỷ lệ tiêm chủng của học sinh. Tính đến 11/1, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-14 tuổi ở Hà Nội đạt 99,5% mũi 1 và 90,3% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt 99,4% mũi 1 và 93,9% mũi 2. 

Phải làm tốt nhất để học sinh đến trường

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, cần để các em đi học sớm nhất để giảm bớt sang chấn tâm lý, tăng cường quan hệ xã hội, tương tác giữa thầy trò.

Để học sinh nhanh chóng đến trường, việc đầu tiên là các em phải được tiêm vaccine. Song song với đó là những giải pháp như 5K, học giãn cách, chia ca. Như vậy, nếu có F0 thì việc lây lan sẽ hạn chế hơn.

"Thậm chí, tiến tới chúng ta phải có quy trình chuẩn như Nhật Bản khi xảy ra động đất học sinh sẽ học thế nào, quy trình ra sao. Nên chăng cần xây dựng quy trình chuẩn trong nhà trường khi phát hiện F0 thì xử lý thế nào", đại biểu Hạ bày tỏ.

Ông Hạ nói thêm, khi mở cửa lại nền kinh tế thì việc cho trẻ em đến trường là yêu cầu quan trọng để bố mẹ các em yên tâm làm việc, cuộc sống sớm trở lại bình thường mới. 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, phải làm sao để học sinh được đi học và được học trực tiếp tại trường, bởi đi học là nhu cầu rất chính đáng của các em.

“Mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm để làm được điều đó. Hiện nay, học trực tuyến là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng để hỏi “học có hiệu quả không?”, tôi khẳng định là không thể bằng trực tiếp. Bên cạnh đó còn có những tác hại, có thứ nhìn thấy và cũng có thứ chúng ta chưa thể nhìn thấy hết. Vì vậy, phải giải quyết tốt nhất để các em được đi học và được học trực tiếp tại trường”, ông nhấn mạnh.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn