• Zalo

Người lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo chữ tận… Cộng hòa Trung Phi

Tư liệuThứ Năm, 28/11/2019 07:27:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Câu chuyện của Thượng tá Lê Ngọc Sơn cho thấy dù ở nơi đâu, khác biệt màu da, sắc tộc, nhưng tình yêu thương chân thành có thể cảm hóa bất cứ con người nào.

Tháng 4/2017, Thượng tá (khi đó là Trung tá) Lê Ngọc Sơn cùng 4 sĩ quan ưu tú khác của Việt Nam lên đường sang Cộng hòa Trung Phi, đất nước đang chìm trong nội chiến, đói nghèo, để nhận nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ) tại Phái bộ MINUSCA.

Phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ, anh cùng các thành viên khác trong Tổ công tác đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên các mặt công tác, được chỉ huy Phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao.

Trở về từ “chảo lửa” Trung Phi, người quân nhân giàu lòng nhân ái, yêu hòa bình đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình trong thời gian làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại đây.

Bị gài bẫy

Cứ ngỡ chỉ cần làm nhiệm vụ của LHQ, kiến tạo, giữ gìn hòa bình, ổn định ở đất nước đang chìm trong nội chiến này, thì sẽ nhận lại được sự tôn trọng, mến thương của người dân bản địa. Nhưng không, qua câu chuyện kể lại của Thượng tá Sơn mới thấy được rằng muốn nhận được yêu thương, chúng ta phải cho đi rất nhiều yêu thương.

Người lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo chữ tận… Cộng hòa Trung Phi - 1

Thượng tá Lê Ngọc Sơn và gia đình cụ Luyến tại Cộng hòa Trung Phi 

Một ngày nọ tại Trung Phi, sau khi kết thúc công việc tại Phái bộ, Thượng tá Sơn tranh thủ chút thời gian rảnh để ghé qua thăm nom cụ bà Nguyễn Thị Luyến (87 tuổi), người phụ nữ Việt Nam duy nhất tại Thủ đô Bangui. Để giúp người phụ nữ xa Việt Nam từ năm 20 tuổi và chưa bao giờ có cơ hội trở về này vơi bớt nỗi nhớ quê hương, anh Sơn cùng những người đồng đội của mình đã phân chia thời gian, thay nhau đến trò chuyện, chia sẻ với cụ.

Khi đến nơi ở của cụ Luyến, Thượng tá Sơn đã quan sát trước sau và đỗ ngay ngắn chiếc xe ô tô gắn huy hiệu của LHQ ngay sát lề. Tuy nhiên, anh không ngờ rằng khi trở ra, lên xe và vừa mới khẽ nổ máy đã thấy một chiếc xe máy đổ ra ngay trước mũi ô tô. Thì ra trong thời gian anh vào nhà cụ Luyến, một ai đó đã cố tình dựng chiếc xe máy ở ngang, ngay sát đầu xe ô tô của anh, có lẽ, để “bắt vạ”.

Lập tức xuống xe xem tình hình, Thượng tá Sơn nhận thấy chiếc xe máy đổ ra đã bị vỡ mất chiếc đèn xi nhan, mà theo anh, đã nứt từ trước. Chỉ trong giây lát, rất đông người dân ở đâu đã đến bủa vây xung quanh. Họ hung dữ, hô hét đòi bắt vạ anh.

Chỉ khi có một người thanh niên đứng ra nhận là chủ của chiếc xe máy đó, Thượng tá Sơn mới có cơ hội lên tiếng: “Tôi sắp trễ giờ. Anh hãy cho biết phải đền bao nhiêu tiền? Giờ tôi còn phải đến Don Bosco nữa”.

Nghe đến thế, một sự ngạc nhiên lộ rõ trên khuôn mặt của anh thanh niên kia. “Anh bảo là phải đến Don Bosco ư? Anh đến đấy làm gì?”. Để rồi khi biết được câu trả lời, anh thanh niên vỗ vai Thượng tá Sơn thân thiện và nói: “Công việc anh đang làm thật cao cả! Cái xe này sửa không đáng bao nhiêu tiền, anh đi đi cho kịp giờ”.

Vậy Don Bosco là chỗ nào? Và công việc của Thượng tá Sơn là gì mà có thể khiến anh thanh niên đang giở thói lưu manh kia và mọi người lập tức thay đổi thái độ?

Ở đâu cũng giữ hình ảnh "anh bộ đội Cụ Hồ"

Ở Phái bộ MINUSCA, điều kiện an ninh luôn bất ổn, dịch bệnh tràn lan, cuộc sống sinh hoạt cực kỳ túng thiếu. “Nhiều hôm đang ngồi làm việc thấy đồng nghiệp thay nhau đổ gục vì sốt rét. Ban đầu cũng sợ lắm, phải bịt kín mít, nhưng sau đó nóng quá không chịu được đành mặc vậy. Sinh hoạt cũng túng thiếu. Gần 2 tháng đầu không có một tí điện nào suốt 24/24. Đồ ăn thức uống phải ăn triền miên là trứng. Không có điện nên chả bảo quản được gì khác. Ăn triền miền đến mức đầu gối đau nhức” - Thượng tá Sơn chia sẻ.

Người lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo chữ tận… Cộng hòa Trung Phi - 2

Lính mũ nồi xanh Việt Nam bên những người học sinh Cộng hòa Trung Phi. 

Tuy nhiên, với những quân nhân, môi trường khó khăn lại là điều kiện tốt để rèn luyện, trưởng thành, “nhất là đối với bộ đội Cụ Hồ, tất cả đều có thể vượt qua”. Không những làm tốt nhiệm vụ của Phái bộ, Thượng tá Sơn cùng các đồng đội còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân Trung Phi.

Cũng muốn người ta biết đến hình ảnh người Việt Nam, nên mỗi dịp ra ngoài công tác, thấy các hoàn cảnh khó khăn, không cần họ lên tiếng nhờ, chúng tôi lại xắn tay vào đỡ đần họ, lúc thì quét vườn, rẫy cỏ, cuốc đất, lúc thì vác củi, bổ củi, xách nước giúp dân...” - anh Sơn kể.

Dù dạy học không phải là nhiệm vụ, chức trách của một sĩ quan GGHB, nhưng anh vẫn luôn tâm huyết với việc “gieo chữ” cho trẻ em nghèo nơi đây để có thể bù đắp được phần nào sự thiệt thòi cho các em.

Khi tôi sang làm nhiệm vụ tại Phái bộ, thấy trẻ em cuộc sống khó khăn, không có điều kiện tới trường. Nội chiến, bạo lực, xung đột sắc tộc liên miên, đói khát, dịch bệnh khiến con đường đến trường của các em đứt quãng. Do an ninh bất ổn, các em thậm chí còn có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, bị sát hại, hãm hiếp hoặc lôi kéo vào các cuộc xung đột vũ trang” - Thượng tá Sơn chia sẻ.

Ban đầu, khi mới sang, Thượng tá Sơn chỉ dạy học cho 5 đứa trẻ gần khu trọ, vừa trồng rau vừa dạy học ở góc vườn. Sau dần, cảm thấy mình có khả năng truyền đạt kiến thức, trong khi còn có nhiều học trò khác muốn mà không được học, anh đề xuất lên các cơ quan của Liên hợp quốc để tìm cơ sở dạy học. Nguyện vọng không thành, bởi không tìm được địa điểm nào như thế, nhưng quyết tâm của anh vẫn không dừng lại ở đó.

Sau đó, anh tự mình đi liên hệ với các tổ chức nhân đạo, quyền trẻ em, may mắn gặp được một nhân viên LHQ thạo về công tác từ thiện, anh đã tự mình tìm được nơi để dạy học. Đó chính là Trung tâm Don Bosco. Đây là một trung tâm chuyên hỗ trợ trẻ em đường phố, nằm cách khu trọ của các sĩ quan Việt Nam chừng 16-17 km.

Thượng tá Sơn chia sẻ, khó khăn nhất là việc tìm phiên dịch. Dù nhiều sĩ quan các nước tại Phái bộ của LHQ thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng vì lý do mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, họ đều từ chối hỗ trợ anh. Không bỏ cuộc, Thượng tá Sơn tìm đến trường Đại học Bangui để xin giúp đỡ. Cảm động trước việc làm của người lính mũ nồi xanh, nhà trường đã cử 5 sinh viên giỏi ngoại ngữ xuống hỗ trợ phiên dịch cho các lớp học của anh.

Người lính mũ nồi xanh Việt Nam gieo chữ tận… Cộng hòa Trung Phi - 3

Lính mũ nồi xanh gieo chữ tận... Cộng hòa Trung Phi. 

Đến khi đi dạy, thời gian lại “quá căng” đối với người quân nhân Việt Nam. “Trong vòng 3 tuần tôi phải đọc số lượng giáo trình của 13 lớp, mỗi giáo trình dày trên dưới 100 trang. Mỗi ý lại phải ghi chép lại cách diễn đạt bằng tiếng Anh. Phương pháp dạy cũng cần phải chú ý vì đối tượng trẻ em nơi đây rất đặc biệt. Dụng cụ dạy học thì không có. Tôi còn nhớ đã phải lấy hạt của quả gì đó giống quả bàng của mình, rửa sạch phơi khô để làm dụng cụ dạy các em tập đếm. 1 phòng học có đến 4 lớp khác nhau ngồi. Học sinh hỏi nhiều đến mức 2 phiên dịch cùng lúc hỗ trợ tôi cũng phải kêu đau hết cả hàm” - anh Sơn nhớ lại.

Danh tiếng về người thầy Việt Nam vừa giỏi vừa vui tính từ đó cũng vang xa. Trẻ con tìm đến lớp học của thầy Sơn mỗi lúc một đông, có thời điểm lên đến 150 học trò. Một ngày của Thượng tá Sơn trở nên bận rộn, vất vả gấp bội phần các sĩ quan GGHB khác: sáng dạy học, sau đó làm việc tại Phái bộ, đến 5h chiều lại đi dạy đến 7h tối; tối về nhà đọc sách, chuẩn bị cho ngày hôm sau; thứ Bảy và Chủ nhật cũng duy trì như thế.

Tuy có vất vả, nhưng tôi cảm thấy vui lắm. Trẻ em nơi đây cũng rất hiếu học. Tôi vẫn nhớ có lần viết lên bảng câu gì đó có hai chữ Việt Nam, học sinh ở dưới không hiểu sao lại bảo nhau đồng loạt cứ hô vang mãi: ‘Việt Nam! Việt Nam!’. Lúc đó tôi đã rất xúc động, bởi ở một đất nước châu Phi xa xôi, vẫn có những thế hệ học trò rất yêu Việt Nam” - anh Sơn chia sẻ.

Trong một hội nghị của Phái bộ GGHB LHQ tại Trung Phi, sau khi biết chuyện lớp học của Thượng tá Lê Ngọc Sơn, nhiều người đã yêu cầu anh đứng dậy rồi tán thưởng bằng những tràng vỗ tay không ngớt. Anh tâm sự: “Ngay lúc đó, tôi nhớ về quê hương, đất nước hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy tự hào vì mình là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, một người lính Cụ Hồ”.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn