• Zalo

'Người hùng' Bạc Hy Lai từng được ngợi ca thế nào?

Thế giớiThứ Tư, 25/07/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News)– Bạc Hy Lai từng được ca ngợi là một 'người hùng', là tấm gương lãnh đạo điển hình có tầm nhìn.

(VTC News) – Với những đóng góp to lớn đối với Đại Liên, Bạc Hy Lai từng được ca ngợi là 'người hùng' của thành phố, là tấm gương chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo ở Trung Quốc.

Một ngày bình yên ở Đại Liên. Chiếc xe buýt lớn màu trắng đỗ gần Quảng trường Nhân dân ở trung tâm thành phố với những cánh cửa mở rộng như thể đã sẵn sàng đón chào một ngày mới.
>> Chủ nghĩa Mao Trạch Đông 'truyền lửa' cho Bạc Hy Lai
Thoát khỏi hình ảnh một thành phố nghèo nàn với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình cả nước, với môi trường sống ô nhiễm nặng nề bởi chất thải từ các khu công nghiệp nặng những năm 1990, Đại Liên của ngày hôm nay đã hoàn toàn ‘lột xác’.
Đó là một thành phố kiểu mẫu với cấu trúc hiện đại, cảnh quan đẹp đẽ và cuộc sống nhộn nhịp. 
Nhắc tới đây nhiều người hẳn sẽ băn khoăn, vậy lý do nào đã khiến Đại Liên ‘thay da đổi thịt’ đến như vậy? 
Là do chính sách phát triển của chính quyền thành phố? Là do sự đầu tư của Nhà nước Trung Quốc? Hay là sự tự vận động phù hợp với quy luật phát triển chung của bối cảnh kinh tế và xã hội?

Câu trả lời nằm ở một nhân vật đã từng được mệnh danh là người hùng của thành phố Đại Liên, một “ngôi sao sáng” trên bầu trời chính trị Trung Quốc và giờ là một “Thế tử ngã ngựa”, một Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh mới mất chức vì bê bối động trời -  Bạc Hy Lai.
 Vị cựu Thị trưởng Bạc Hy Lai được xem là người đã có công lớn trong việc thay đổi toàn diện hình ảnh của thành phố trẻ Đại Liên
Bạc Hy Lai giữ chức thị trưởng Thành phố Đại Liên – một thành phố cấp II thuộc tỉnh Liêu Ninh vào năm 1993.

Khi ấy, 
Đại Liên chỉ là một thành phố cảng nặng về phát triển công nghiệp với những vết tích từ thời cải cách kinh tế và chính sách mở cửa quá vội vã, thiếu quy hoạch ở Trung Quốc còn hằn sâu trên mỗi nẻo đường…
Vấn đề công nợ của doanh nghiệp nhà nước; lao động dư thừa do chuyển đổi công nghệ sản xuất từ thủ công sang tự động cùng với bao gánh nặng xã hội (giáo dục, y tế,…) khiến thành phố thực sự kiệt quệ.
Thu nhập kinh tế trong bối cảnh khó khăn ấy thật chẳng khác nào “tiền vào nhà khó, gió vào nhà trống” khiến người dân phải thường xuyên đối mặt với cái đói, cái rét, sự ô nhiễm và nghèo nàn lạc hậu quanh năm suốt tháng.
Hình ảnh về Đại Liên không có gì khác là những khu nhà tệ hơn ổ chuột, những hẻm phố lầy lội, gập ghềnh, một môi trường sống ẩm thấp, tối tăm, nặng nề và bẩn thỉu.

Trước thách thức lớn lao ở vị trí người lãnh đạo mới, chính trị gia họ Bạc đã quyết tâm thực hiện một chiến dịch làm “đẹp hóa Đại Liên” nhằm thay đổi hình ảnh thành phố trẻ và mang lại cuộc sống lý tưởng cho người dân.
Nói là làm, ông Bạc lập tức cho phá hủy các nhà máy cũ; thực hiện phong trào trồng cây phủ xanh mọi khu đất trống, mọi con đường; cho xây dựng nhiều công viên, quảng trường, (trong đó có quảng trường Tinh Hải rộng 166 ha đã được công nhận là đẹp và quy mô bậc nhất ở Châu Á).
Hình ảnh Quảng trường Tinh Hải rực rỡ khi về đêm 
Một tài liệu của chính quyền Đại Liên thống kê, trong 8 năm Bạc Hy Lai làm Thị trưởng, hơn 80% các quảng trường công cộng được xây dựng trong thành phố và tỉ lệ phủ xanh đạt mức 40%.
Ông Bạc còn thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát khâu xử lý rác thải ở các nhà máy, xí nghiệp trong chiến dịch làm trong sạch hơn 40 dòng sông bị ô nhiễm nặng thuộc địa bàn thành phố. 
Trong khi công nghiệp nặng về cơ khí, gang, thép, hóa chất là công nghiệp truyền thống cũng được sàng lọc và đưa ra vùng xa vùng nội thành để dành quỹ đất cho công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp hơn với xu hướng mới.
Về mặt dân sinh, nhằm tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp, Thị trưởng Bạc Hy Lai cũng đã chỉ đạo cho xây dựng nhiều khu nhà cho thuê giá rẻ đáp ứng nhu cầu của khoảng 450.000 người.
Không những thế, chuyện Đại Liên với danh xưng ‘Quạ hóa thành Công’ còn được biết đến với hình ảnh một thành phố du lịch - dịch vụ - thương mại hiện đại, giao thông thuận tiện, có nhiều di tích lâu năm thường xuyên được tôn tạo, cảnh quan hấp dẫn và rất thanh bình.
Nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện ấy, thành phố Đại Liên đã vinh dự được Liên Hiệp quốc khen thưởng vì có thành tích cao trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân.
Bạc Hy Lai trở thành ‘người hùng’ của thành phố Đại Liên, một kiểu mẫu chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo.
 Một góc rất xanh của thành phố Đại Liên nhờ công 'tôn tạo' của chính trị gia họ Bạc sau 8 năm làm thị trưởng
Ngoài những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở Đại Liên, thị trưởng họ Bạc còn góp phần mang lại những nét văn hóa độc đáo cho thành phố cảng bằng nhiều ý tưởng vô cùng mới mẻ.
Ví như việc lần đầu tiên thành lập một đội nữ cảnh sát trẻ trung, xinh đẹp cưỡi ngựa làm nhiệm vụ tuần tra quanh khu vực Quảng trường Nhân dân. 
Hay việc tổ chức một buổi biểu diễn thời trang thường niên thu hút nhiều người nổi tiếng trong đó có cựu Phó Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Đội nữ cảnh sát xinh đẹp ở thành phố Đại Liên 

Mô hình thành phố Đại Liên dưới thời Bạc Hy Lai thu hút sự chú ý của nhiều lãnh đạo Trung Quốc và không ít người đã áp dụng các chính sách của ông Bạc với mong muốn xây dựng một thành phố phát triển nhanh chóng như Đại Liên.
Đến tận bây giờ, sau khi Bạc Hy Lai đã rời Đại Liên tới Trùng Khánh làm Bí thư tỉnh ủy một thời gian, các quan chức thành phố cũ vẫn còn nhớ hình ảnh thị trưởng họ Bạc đã tự hào như thế nào trong các cuộc họp khi lớn tiếng khẳng định rằng: “Thành phố Đại Liên là một bộ trang sức quý giá mà mỗi món đồ trong đó đều được tôi tận tay đánh bóng và nâng niu một cách cẩn thận.”
Ở mỗi cương vị khác nhau, dù là Thị trưởng Đại Liên hay Bí thư Trùng Khánh, Bạc Hy Lai vẫn luôn cố gắng xây dựng cho mình một hình ảnh lãnh đạo mẫu mực, một chính trị gia sắc sảo, khôn ngoan. 
Những tưởng con đường sự nghiệp của chính trị gia họ Bạc sẽ cứ thế thăng hoa nhờ tố chất sẵn có lại thêm xuất thân thuộc hàng ‘công hầu khanh tướng’, ấy thế mà ‘ông Vua con Trung Quốc’ đột nhiên “sảy chân ngã một cú thật đau” vì liên quan vụ bê bối động trời.
 Vụ bê bối liên quan tới giết người, tham nhũng và làm ăn phi pháp của Bạc Hy Lai cùng vợ khiến Bạc gia một phen 'lao đao' (Từ trái qua: Cốc Khai Lai, Bạc Hy Lai, Bạc Qua Qua)
Trong bối cảnh Bắc Kinh đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 18, đánh dấu mốc chuyển giao quyền lực quan trọng vào mùa thu năm nay, vụ việc Bạc Hy Lai được xem là một bài học nghiêm túc cần rút kinh nghiệm đối với thế hệ lãnh đạo hiện tại và tương lai của Trung Quốc.
Từ sau khi bị cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân tố cáo với nhiều tội danh như tham nhũng, làm ăn phi pháp, giết người diệt khẩu… vào hồi cuối tháng 2/2012, hiện ông Bạc và vợ (bà Cốc Khai Lai) đang bị giam giữ để thẩm tra.

Sự việc còn chưa rõ kết quả cuối cùng nhưng Bạc Hy Lai cũng đã phải trả cái giá không ‘rẻ’ khi bị tước mọi chức vụ và để vuột mấy giấc mộng làm ‘Vua’ khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.

Hạ Giang
Bình luận
vtcnews.vn