Gần đây, một người đàn ông Hàn Quốc họ Kim ở độ tuổi 20 đã quyết định dựng lều trên giường của mình, nhằm chống chọi với đợt lạnh "cắt da cắt thịt".
Anh sống một mình trong căn hộ nhỏ có hệ thống sưởi tập trung. “Lúc đầu tôi không chắc có nên làm vậy không”, anh nói. “Nhưng khi áp dụng cách này vài ngày, tôi hiểu tại sao trên mạng người ta lại nhắc đến nó nhiều như vậy. Nó hiệu quả hơn bạn tưởng. Tôi khuyên bạn nên thử".
Kim chỉ đặt máy điều nhiệt ở mức 15 độ C, nhiệt độ thấp nhất có thể cài đặt thủ công và hiếm khi ra khỏi lều. Chất liệu nhựa của lều hoàn toàn không thoáng khí, giúp giữ không khí và nhiệt cơ thể bên trong một cách hiệu quả. Có nhiều loại lều có giá khác nhau, dao động xuống thấp nhất là khoảng 25.000 won (20 USD) bao gồm cả phí vận chuyển.
“Trong trường hợp này, tôi không nghĩ cứ giá cao hơn thì sẽ giữ ấm không khí tốt hơn. Đôi khi chỉ cần những chiếc lều dưới 30.000 won là đủ".
Theo Kim, thoạt nhìn thì dựng lều trong phòng ngủ có vẻ như một việc kì lạ. Nhưng khi nhận được hóa đơn tiền gas gần gấp đôi so với một năm trước, anh đã phải thay đổi cách nghĩ.
“Không chỉ mình tôi mà nhiều người cũng choáng váng khi nhìn thấy hóa đơn gas của tháng 12", Kim cho biết. Anh nghe nói giá sẽ tăng lên trong năm nay vì cuộc xung đột Nga - Ukraine - và không có nhiều khả năng tình trạng đó sẽ sớm kết thúc. Nhưng không dùng hệ thống sưởi cũng không được, đặc biệt là trong đợt lạnh "tàn khốc" gần đây. "Đây là điều tối thiểu tôi có thể làm để giúp cắt giảm chi phí", Kim nói.
Tương tự, một phụ nữ họ Choi đã mua lều để hai con học cấp hai của cô sử dụng trong mùa lạnh. Theo quan điểm của cô - khi chi phí sinh hoạt tăng vọt - vẫn có những khoản không thể cắt giảm được, như hệ thống sưởi và điều hòa không khí là như vậy, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Nhưng cô vẫn phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, sau khi nhận được hóa đơn gas tăng bất ngờ.
“Tôi không phải là không chuẩn bị cho việc chi phí sưởi ấm tăng đột ngột này. Tôi chọn những chiếc lều được đánh giá tốt trên các trang mua sắm trực tuyến. Sau khi sử dụng chúng cho bản thân một thời gian, tôi cảm thấy cách đó cũng hay chứ không nghĩ mình có gì phải buồn vì hoàn cảnh của mình. Các con tôi cũng rất thích và nói cảm thấy như được đi cắm trại", Choi nói.
Cô cũng đang tìm những cách khác để tiết kiệm tiền, chủ yếu là thông qua các mẹo từ cộng đồng mạng. “Có thông tin giá điện sẽ tăng trở lại trong những tháng tới. Tôi cần tìm mọi cách tiết kiệm có thể, nếu không sẽ không thể thanh toán hóa đơn”.
Một trong số đó là cách đặt lại nhiệt độ nước nóng xuống 40 độ C, thay vì 60 độ C. Theo một bài đăng được chia sẻ trên các cộng đồng trực tuyến ở Hàn Quốc, đun sôi nước tốn rất nhiều năng lượng và đặt nhiệt độ thấp hơn sẽ tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, sử dụng rèm, băng, phim và dải cách nhiệt dán trên cửa sổ là một trong những cách được nhiều người chia sẻ để ngăn không khí lạnh tràn vào.
“Lương của chồng tôi không nhích lên được là bao. Chúng tôi có khoản chi tiêu cố định hàng tháng. Nhưng giá cả mọi thứ đều tăng trừ thu nhập của chồng tôi. Tôi nghĩ nhiều người cũng cảm thấy như vậy", Choi cho biết.
Hàn Quốc nhập khẩu lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 70 nghìn tỷ won (56,7 tỷ USD) vào năm 2022. Đây là con số cao nhất mọi thời đại kể từ năm 1956, tăng 84,4% so với năm trước đó. Giá khí đốt tại đây tăng 38,4% kể từ năm 2021 đến 2022. Hàn Quốc nhập khẩu hơn 93% nhu cầu năng lượng của mình.
Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc (KOGAS) cũng ghi nhận khoản lỗ trong hoạt động là 8,8 nghìn tỷ won vào năm ngoái, tăng mạnh so với mức 1,8 nghìn tỷ won vào năm 2021. Trong khi đó tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) được cho là đã báo cáo khoản lỗ trị giá 34 nghìn tỷ won vào năm ngoái, dự kiến sẽ báo cáo khoản lỗ 18 nghìn tỷ won trong năm nay. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng giá năng lượng ở nước này sẽ tăng từ 1,5 đến 1,9 lần so với năm 2022 vào năm 2023.
Bình luận