• Zalo

Người góa phụ và "tình sử hai Kim"

Thế giớiThứ Tư, 28/12/2011 06:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - 2 năm sau, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il nằm xuống, không phái đoàn cấp cao nào đến từ Seoul, chỉ có một góa phụ tìm đường sang Bình Nhưỡng.

(VTC News) - Những năm đầu thế kỉ XXI, người ta nói rằng bán đảo Triều Tiên có 2 ông Kim, 2 người mang lại hi vọng hòa bình ổn định cho khu vực Đông Bắc Á: lãnh đạo Kim Jong-il của CHDCND Triều Tiên và Tổng thống Kim Dae-jung của Hàn Quốc.

Giờ đây, sau một thập kỉ, cả 2 ông Kim đều đã ra người thiên cổ, và một cục diện ổn định cho bán đảo Triều Tiên vẫn là điều gì đó rất xa vời.

Hôm 26/12, CHDCND Triều Tiên đón đoàn khách đặc biệt từ Seoul sang viếng nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Đặc biệt ở chỗ, trong đoàn thăm viếng "dân sự" ấy có phu nhân của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, người đã khai sinh chính sách Ánh dương sưởi ấm quan hệ liên Triều suốt 10 năm từ 1998 đến 2008.


Vòng hoa và góa phụ

Cách đây 2 năm, ngày 21/8/2009, đoàn đại biểu gồm 6 quan chức Bắc Triều Tiên do Ủy viên Ban chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki-nam dẫn đầu đã sang Hàn Quốc, mang theo vòng hoa bày tỏ sự tưởng tiếc của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đối với cựu Tổng thống Kim Dae-jung mới từ trần.

 Vòng hoa của ông Kim miền Bắc dành cho ông Kim miền Nam

Lúc bấy giờ, cuộc thăm viếng cấp cao nhất của một phái đoàn miền Bắc đến miền Nam sau 2 năm đã làm dư luận khấp khởi đồn đoán rằng biết đâu trong cái rủi lại có cái may, sự ra đi của Kim Dae-jung sẽ là cái cớ nối lại các cuộc đàm phán giữa 2 miền.

  
  Ủy viên Ban chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki-nam chia buồn với bà Lee Hee-ho ngày 21/8/2009 

2 năm sau, khi Kim Jong-il nằm xuống, không phái đoàn cấp cao nào đến từ Seoul, chỉ có một góa phụ tìm đường sang Bình Nhưỡng theo tư cách cá nhân nhằm đáp lễ những người đã có mặt trong đám tang chồng mình.

Cố nhiên, nếu bà Lee Hee-ho chỉ là một góa phụ bình thường, thì truyền thông thế giới đã không săn đón từng bước đi của bà đến vậy, và càng không quan tâm tới việc bà có cuộc gặp gỡ lần đầu với "người thừa kế vĩ đại" Kim Jong-un, con trai út của nhà lãnh đạo vừa qua đời. 

Từng gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-il lần đầu trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử năm 2000, cựu Đệ nhất phu nhân 89 tuổi chia sẻ, bà hi vọng chuyến thăm của mình sẽ góp phần cải thiện quan hệ trên bán đảo Triều Tiên. "Cũng như Chủ tịch Kim Jong-il đã cử đoàn đại biểu tới Seoul chia buồn khi chồng tôi qua đời năm 2009, tôi tin rằng mình có nhiệm vụ tới đây để bày tỏ lời chia buồn của chúng tôi." - Bà nhấn mạnh.

Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết, trong sổ tang, bà đã bày tỏ mong muốn sớm được thấy hai miền thống nhất và ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh hồi năm 2000 trong đó áp dụng các giải pháp chính trị và kinh tế để giải quyết cuộc khủng hoảng.

 
  
Và bà Lee Hee-ho cúi đầu trước linh cữu nhà lãnh đạo Kim Jong-il ngày 26/12/2011 
  
Phía Seoul khẳng định, bà Lee không mang theo bất cứ thông điệp nào từ chính phủ. Bộ Thống nhất Hàn Quốc còn nhấn mạnh, cuộc gặp giữa bà và con trai lãnh đạo Kim chỉ diễn ra trong 10 phút.

Tất nhiên, báo chí cũng không bỏ qua cuộc gặp thứ 2 của Kim Jong-un với nữ Chủ tịch Hyundai Hyun Jung-eun, khi mà tập đoàn này từng đi đầu trong những nỗ lực xây dựng quan hệ thương mại với miền Bắc và đóng vai trò chủ chốt trong các dự án đầu tư sang Triều Tiên thời chính sách Ánh dương.

Hai "ông Kim", hai số phận

Người ta nói rằng khó có giải Nobel Hòa bình nào thành hình trong hòa bình; đối với chính sách Ánh dương của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, điều này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Một cách ngẫu nhiên, định mệnh đã gắn chặt 2 "ông Kim" của bán đảo Triều Tiên trong cuộc thăng trầm lịch sử.

  

Hàm ý trong tên gọi chính sách Ánh dương bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn: Mặt trời và gió thách nhau cởi áo khoác của con người.

Gió càng ra sức thổi thật mạnh, con người càng giữ chặt chiếc áo của mình. Trái lại, khi mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp, con người tự nguyện cởi áo để tận hưởng tiết trời tuyệt đẹp. 
 

Cuộc đời cựu Tổng thống Kim Dae-jung, "chính trị gia vĩ đại" như lời ca ngợi của Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak, giống như một cuốn phim ghi lại những sóng gió lịch sử trên bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Bắc Á suốt 8 thập niên qua. Ông từng bị bắt cóc, bị giam nhiều lần, phải lưu vong và chịu án tử hình trước khi trở thành người đứng đầu chính phủ Hàn Quốc và đoạt giải Nobel Hòa bình.

Khác với Kim Jong-il là một nhà chính trị từ trong trứng khi có người cha Kim Nhật Thành đỡ đầu mọi phương diện, Kim Dae-jung xuất thân trong một gia đình trung nông thuần túy. "Kim Hàn Quốc" sinh ngày 6/1/1924 tại một vùng quê thuộc tỉnh Jeolla, trong thời kì Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ.

Ông đã trải qua cuộc chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên, trải nghiệm những xung đột tư tưởng, chia rẽ quốc gia, tiến trình đấu tranh dân chủ và những bước đầu tiên của cuộc tái thiết và tăng tốc kinh tế dẫu chưa đến mức thần kì như Nhật Bản, nhưng cũng khiến cả thế giới phải nhìn vào.

Đặt chân vào Quốc hội năm 1961, nghị sĩ Kim Dae-jung nổi lên với hành động công khai phản đối chế độ độc tài của tướng Park Chung-hee - người lên nắm quyền nhờ đảo chính quân sự. Là đại diện phe đối lập, năm 1971, ông thua sát nút trong cuộc bầu cử tổng thống.

  
  
 Ông Kim Dae-jung trong một cuộc biểu tình chống lại một chính sách của Tổng thống Park Chung-hee năm 1972.
  
Chỉ vài tháng sau bầu cử, ông trở thành đối tượng của ít nhất 5 vụ mưu sát, trong đó có vụ một chiếc xe tải lao vào xe của ông trên đường khiến 2 người cùng đi chết tại chỗ, riêng ông may mắn thoát chết và chỉ bị mang tật ở chân.

Năm 1973, ông bị mật vụ Hàn Quốc bắt cóc ở Tokyo, có lẽ để trả đũa việc lên án tướng Park sửa Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền lực. Người ta cho rằng đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đã can thiệp để cứu tính mạng ông. Trong nhiều năm sau đó, ông bị quản thúc tại gia, vào tù rồi đi lưu vong.

Năm 1979, tướng Park bị ám sát. Một viên tướng quân đội khác là Chun Doo-hwan tiếm quyền. Ông Kim bị chính quyền kết tội xúi giục nổi loạn và bị tuyên tử hình.

Nhờ sự can thiệp của Mỹ, bản án chuyển thành 20 năm tù. Năm 1982, ông sang sống ở Boston và giảng dạy tại đại học Harvard.

Trở về nước năm 1985, Kim Dae-jung lập tức bị quản thúc tại gia, và lại một lần nữa ông trở thành tiếng nói đại diện phe đối lập. Sau khi được thả, ông hai lần tranh cử tổng thống bất thành.

Cuối cùng, ông đã thực hiện được ước nguyện trong cuộc bầu cử năm 1997, đúng vào giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á. N
hững nỗ lực của ông đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi bờ vực sụp đổ tài chính.

Tuy nhiên, nhiều lời hứa hẹn với cử tri không thể thành hiện thực. Cuộc chiến chống tham nhũng do ông phát động gặp phải trở ngại vào những năm cuối nhiệm kỳ, khi hai con trai ông bị truy tố vì nhận hối lộ. Quyền lực của ông kết thúc vào năm 2003.

Dầu vậy, Kim Dae-jung vẫn được đánh giá là nhà chính trị Hàn Quốc mang tầm cỡ thế giới nhờ tầm nhìn và sự kiên định đấu tranh cho tự do.

 Ông Kim Jong-il cùng cha, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đi thị sát tại Bình Nhưỡng năm 1982

Trong thời gian đó, ở đầu kia bán đảo, ông Kim thứ hai, Kim Jong-il, sinh ngày 16/2/1941, được tạo điều kiện để tham gia vào các hoạt động chính trị và đoàn thể sôi nổi, từng bước học cách kế thừa quyền lực từ cha mình là Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Từ chỗ quan tâm đến các vấn đề kinh tế những năm 1960, sang đến thập niên 70, "Kim con" bắt đầu hướng sự chú ý của mình sang quân đội. Ông được chính thức chọn làm người kế vị năm 1980 và trở thành lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên sau khi "Kim cha" qua đời năm 1994, với chức danh Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng.

Dưới ánh mặt trời

Điểm nhấn trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Kim Dae-jung chính là chính sách Ánh dương (Sunshine policy). Trong quan điểm của ông, đất nước Triều Tiên phải được thống nhất, nhưng không phải một sớm một chiều, mà sẽ theo một tiến trình lâu dài, với sự nỗ lực của cả 2 bên, trong đó sự chủ động của Hàn Quốc đóng vai trò then chốt. 

Ông đề ra phương châm thống nhất theo ba giai đoạn gồm: thống nhất, tự chủ, hòa bình và dân chủ. Trong giai đoạn 1, hai miền Triều Tiên sẽ thành lập thống nhất thành liên bang; giai đoạn 2, liên bang sẽ bao gồm chính quyền tự trị các khu vực Bắc và Nam; tiến tới giai đoạn 3, hai miền có thể chọn một trong hai phương thức thành lập một chính phủ trung ương tập quyền hoặc chính phủ tự trị theo khu vực.

 Kim Dae-jung (trái) và Kim Jong-il nắm tay nhau trước khi ký tuyên bố chung lịch sử tại Bình Nhưỡng ngày 14/6/2000

Chính sách Ánh dương được khởi xướng năm 1998, chú trọng thúc đẩy hợp tác hoà bình, tiến tới hòa giải và thống nhất.

Hàm ý trong tên gọi chính sách Ánh dương bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn: Mặt trời và gió thách nhau cởi áo khoác của con người. Gió càng ra sức thổi thật mạnh, con người càng giữ chặt chiếc áo của mình. Trái lại, khi mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp, con người tự nguyện cởi áo để tận hưởng tiết trời tuyệt đẹp.

  

Chính sách Ánh dương gồm 3 nguyên tắc cơ bản:
- Hàn Quốc sẽ không bỏ qua bất cứ khiêu khích vũ trang nào từ phía CHDCND Triều Tiên.
- Hàn Quốc sẽ không cố gắng sáp nhập CHDCND Triều Tiên bằng bất cứ giá nào.
- Hàn Quốc sẽ chủ động tìm kiếm quan hệ hợp tác.
3 nguyên tắc trên đều hướng tới truyền tải một thông điệp: Hàn Quốc không mong muốn sáp nhập CHDCND Triều Tiên bằng bất kỳ giá nào, cũng không ngấm ngầm phá hoại chính phủ nước này. Mục tiêu của Hàn Quốc là 2 nước chung sống hòa bình chứ không phải thay đổi chế độ hay tái thống nhất, dù rằng một bán đảo Triều Tiên thống nhất vẫn là mục tiêu lâu dài đã được khẳng định.
 

Cũng như vậy, mục tiêu chủ yếu của chính sách Ánh dương là 'làm mềm' thái độ của CHDCND Triều Tiên đối với Hàn Quốc thông qua các hoạt động trao đổi và hỗ trợ kinh tế.

Ngày 13/6/2000, cả thế giới nín thở theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên trong suốt hơn 50 năm tại bán đảo Triều Tiên, khi Chủ tịch Kim Jong-il đón phái đoàn của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tại Bình Nhưỡng.

Trong suốt 3 ngày diễn ra hội nghị, người ta luôn thấy những hình ảnh tươi cười, thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo, đặc biệt là nguyên thủ nước chủ nhà Kim Jong-il.

Hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung và thỏa thuận lịch sử nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoà giải liên Triều vào ngày 14/6, ngày thứ hai của cuộc họp thượng đỉnh.

Sau cuộc gặp, xuất hiện những cáo buộc gay gắt rằng Tổng thống Kim Dae-jung đã "mua" hội nghị liên Triều lịch sử đó với giá 500 triệu USD, chuyển thẳng vào tài khoản của chính phủ Bình Nhưỡng với vai trò trung gian của Tập đoàn Hyundai.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-il (trái) tiễn Tổng thống Kim Dae-jung tại sân bay Sunan ngày 15/6/2000.

Nhưng không thể phủ nhận rằng sau cuộc gặp là một thời kì đầy hi vọng trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Triều Tiên dừng phát sóng các chương trình tuyên truyền chống lại Hàn Quốc. Các nhà báo cấp cao từ Hàn Quốc sang thăm Bắc Triều Tiên được mở cửa thông tin.

Hai bên đã đồng ý cho mở lại các văn phòng liên lạc biên giới ở làng đình chiến Panmunjom nằm ở khu vực biên giới liên Triều. Hàn Quốc ban lệnh ân xá cho hơn 3.500 tù nhân. Hàng trăm người Bắc Triều Tiên đã được gặp lại người thân ở Hàn Quốc trong một cuộc hội ngộ đầy xúc động được cả 2 bên chấp thuận.

Những biểu hiện nồng ấm đó khiến người ta khấp khởi mừng thầm.

Cũng trong năm 2000, ông Kim Dae-jong được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong việc đấu tranh cho nền dân chủ và thúc đẩy tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cuối năm 2002, "người trong mộng" đã giáng cho ông Kim Dae-jong một đòn nhớ đời khi tuyên bố, họ vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân ngay sau thỏa thuận đóng băng chương trình hạt nhân đạt được năm 1994.

Còn tiếp...

Đ.L

Bình luận
vtcnews.vn