Video: Đoàn viên, thanh niên làm tấm chắn giọt bắn gửi tặng Đà Nẵng, Quảng Nam
Người già, trẻ nhỏ, đoàn viên thanh niên gửi gắm yêu thương
Gần một tuần nay, thay bằng việc nghỉ ngơi sau bữa cơm trưa như thường lệ, các cụ già và em nhỏ cũng như cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh lại nhanh chóng tập trung về một căn phòng nhỏ cuối dãy để làm ‘tai giả’ đeo khẩu trang gửi tặng các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Lo lắng việc các y, bác sĩ, chiến sĩ sẽ có cảm giác đau nhói quanh vành tai khi phải đeo khẩu trang suốt thời gian làm nhiệm vụ, mà chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang này được mọi người ngày đêm miệt mài hoàn thành một cách nhanh nhất. Đặc biệt, ‘tai giả’ đeo khẩu trang được các cụ già, em nhỏ tự tay đan móc bằng len, có cái thì may bằng vải chun, đều là chất liệu sợi mềm mại, có độ giãn nhẹ nên sẽ tạo cảm giác thoải mái cho người dùng.
Chỉ mới hơn 3 ngày, các cụ già, em nhỏ ở trung tâm đã làm được khoảng hơn 500 chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang bằng len và vải chun. Thấy được việc làm ý nghĩa này, nhiều người đã ủng hộ thêm nguyên liệu như len, kim chỉ cho trung tâm.
Năm nay đã ngoài 67 tuổi, dù đôi tay có phần chậm hơn lớp trẻ, nhưng bà Nguyễn Thị Mai vẫn miệt mài may vá để những chiếc ‘tai giả’ đeo khẩu trang sẽ mau chóng đến được với các y, bác sĩ Đà Nẵng, Quảng Nam.
“Tôi cảm thấy đây là việc làm thật sự ý nghĩa. Những người thường xuyên phải đeo khẩu trang sẽ cảm thấy rất đau tai. Mong rằng những bác sĩ tuyến đầu chống dịch sẽ dễ chịu hơn rất nhiều với chiếc ‘tai giả’ này. Nếu mỗi người góp một chút sức thì các y, bác sĩ sẽ bớt đi phần nào khó khăn”, bà Mai cho biết.
Là người kêu gọi người già, trẻ nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ cùng nhau làm ‘tai giả’ đeo khẩu trang gửi tuyến đầu chống dịch, chia sẻ với VTC News, bà Tạ Thị Anh Đào - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: “Hoạt động này được triển khai với mong muốn sẽ chia sẻ được một phần nào khó khăn với những người ở tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, qua việc làm này, chúng tôi cũng muốn dạy cho các em nhỏ ở đây biết san sẻ yêu thương, sẻ chia khó khăn đối với mọi người”.
Những ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, các đoàn viên, thanh niên tại phường Tây Sơn (TP Pleiku, Gia Lai) đã tranh thủ ngày cuối tuần, tập trung lại để làm tấm chắn ngăn giọt bắn để gửi tới ngành y tế tỉnh Quảng Nam, với mục đích khi đeo sẽ giúp ích trong việc che chắn phần mặt, ngăn giọt bắn khi tiếp xúc với người bệnh.
Được biết, trước đó, đoàn phường cũng đã tự tay may hơn 1.300 chiếc khẩu trang vải tặng người dân trong mùa dịch. Và dự định, hơn 500 tấm chắn giọt bắn thời gian tới khi hoàn thành sẽ được Trạm y tế phường Tây Sơn ủng hộ đến tỉnh Quảng Nam thông qua một nhóm thiện nguyện.
Trước đó, hơn 6.000 khẩu trang vải, 2.000 ‘tai giả’ đeo khẩu trang cũng đã được người dân, cán bộ hưu trí tại huyện Mang Yang (Gia Lai) hoàn thành, gửi để trao tận tay cho các y, bác sĩ và người dân Đà Nẵng.
Hoạt động này do chị Trương Cẩm Thạch (ngụ Thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang) khởi xướng. Tùy theo điều kiện, người làm tai giả bằng cách móc len, người làm bằng dây thun; người có máy may thì cắt may khẩu trang. Tất cả các sản phẩm đều được đóng gói cẩn thận, gửi về Câu lạc bộ Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam (TP Đà Nẵng) để trao tặng đến những nơi cần hỗ trợ.
Trắng đêm vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân
Để san sẻ phần nào khó khăn với người dân tỉnh bạn, hơn một tuần nay, anh Võ Phi Hổ (27 tuổi, TP Pleiku) cùng các thành viên của nhóm “Thiện nguyện Gia Lai” thức xuyên đêm, vận chuyển hàng chục tấn rau củ, nhu yếu phẩm đến Đà Nẵng, Quảng Nam.
Nhóm anh Hổ đã kết nối để trao tận tay rau củ hỗ trợ cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hải Châu (TP. Đà Nẵng); Ban Chỉ huy Quân sự huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam),...
Sau khi được trao tận tay số rau củ, nhu yếu phẩm, nhóm thiện nguyện của anh Hổ lại lên xe, quay về lại Gia Lai để tiếp tục chuẩn bị cho những chuyến hàng tiếp theo.
Suốt quá trình di chuyển, tất cả các thành viên đều bịt khẩu trang, mặc đồ bảo hộ và sử dụng nước sát khuẩn. Dù thời tiết nóng bức, quãng đường đi lại xuyên đêm không nghỉ tuy nhiên những lời cảm ơn của người dân đã là động lực để nhóm thiện nguyện cố gắng nhiều hơn.
Anh Võ Phi Hổ chia sẻ: “Chúng tôi luân phiên nhau cầm lái để đảm bảo sức khoẻ cũng như an toàn cho mỗi chuyến đi. Dù có mệt nhưng để hỗ trợ được đồng bào mình thì chúng tôi vẫn cố gắng làm hết sức”.
Tương tự, chị Đào Thị Phương Dung (số 169 đường Cách mạng tháng Tám, TP Pleiku) cũng đã đứng ra kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ khi hay tin nhiều bếp ăn thiện nguyện ở TP Đà Nẵng đang thiếu hụt nguồn rau, củ phục vụ cho việc nấu ăn.
Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân và các mạnh thường quân, chị Dung là người trực tiếp lái xe tải đi tiếp nhận nhu yếu phẩm, gói ghém lại đảm bảo thực phẩm vẫn còn tươi ngon khi đến Đà Nẵng. Tất cả sự hỗ trợ của mọi người đều được chị Dung đăng tải trên facebook cá nhân để đảm bảo sự minh bạch.
Chị Dung cho biết: “Hiện tại, tôi đã gửi về Đà Nẵng 2 chuyến hàng để bếp nấu ăn cho các bệnh nhân khu cách ly, các sinh viên và những người bán vé số. Không chỉ gửi thực phẩm, chúng tôi còn gửi gắm sự cổ vũ, sự động viên để mọi người có thêm niềm tin, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm”.
Bình luận