Mới đây, tài xế Phan Thanh Phú lái xe khách mang BKS 27B - 003.43 đi từ bến xe Điện Biên về Vĩnh Phúc đã lao vào đoàn người đi đưa tang đi bộ trên đường. Vụ tai nạn khiến 7 người chết, 3 người bị thương.
Đáng chú ý, về nhân thân của Phan Thanh Phú, năm 1995, Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng từng tuyên phạt lái xe này 24 tháng tù treo về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Đến năm 2012, Phú lại lĩnh thêm 1 tiền án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, bị Tòa án Nhân dân TP Hạ Long (Quảng Ninh) tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù và ra trại ngày 13/1/2014.
Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Vĩnh Phúc, dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ GTVT trong quản lý tài xế, đặc biệt tài xế xe khách, xe tải sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa qua?
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông cho biết, tất cả doanh nghiệp vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn, các xe đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Do đó, bộ phận này phải giám sát hoạt động của tài xế, từ luồng tuyến hoạt động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của tài xế. Quy định trách nhiệm quản lý tài xế ô tô chủ yếu là của doanh nghiệp vận tải. "Nên trách nhiệm chính quản lý tài xế là doanh nghiệp vận tải" - ông Thạch nói.
Theo ông Thạch, tới đây Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng hệ thống quản lý lái xe kinh doanh vận tải và các doanh nghiệp sẽ phải cập nhật lý lịch, quá trình làm việc của lái xe, những vi phạm, sức khỏe, nghiện ma túy... Nếu tài xế vi phạm ở 1 doanh nghiệp, doanh nghiệp khác sẽ biết để không tuyển dụng lại. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng nắm được lý lịch của tài xế.
Tổng cục Đường bộ sẽ bổ sung quy định, tài xế lái xe kinh doanh, lái taxi phải có lý lịch tư pháp rõ ràng và phải là người đàng hoàng.
Cùng đó, Tổng cục Đường bộ sẽ bổ sung thêm quy định tài xế xe kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.
"Tổng cục Đường bộ sẽ bổ sung quy định, tài xế lái xe kinh doanh phải có lý lịch tư pháp và phải là người đàng hoàng. Để được cấp chứng chỉ này, ngoài bằng lái phù hợp loại xe tương ứng, tài xế còn phải có giấy khám sức khỏe, không nghiện ma túy, lý lịch tư pháp rõ ràng, phải là người đàng hoàng, không vi phạm pháp luật" - ông Thạch cho hay.
Bên cạnh đó, về vấn đề kết nối quản lý cấp bằng lái xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, thực tế đã có Thông tư chia sẻ dữ liệu giữa hai Bộ Công an và Bộ GTVT nhưng những năm qua chưa chia sẻ được nhiều.
Gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện của Cục CSGT để thống nhất cơ sở dữ liệu quản lý bằng lái xe. Theo đó, từ 1/6, các lái xe sẽ được theo dõi kỹ hơn, việc cấp bằng sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.
Trước đó, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất và giao các đơn vị xây dựng cách thức cụ thể trong việc chia sẻ dữ liệu tài xế vi phạm giao thông và giấy phép lái xe bị tạm giữ. Thời gian chậm nhất là ngày 1/6 sẽ kết nối.
"Những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông vận tải các địa phương hàng ngày. Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước bằng lái, cố tình báo mất để làm lại thì sẽ không được cấp mới" - ông Dũng nói.
Theo Cục CSGT, sau khi kết nối, thông tin vi phạm cả về giao thông và ma tuý của tài xế sẽ được cập nhật thường xuyên. Hai đơn vị có thể sử dụng dữ liệu của nhau để xử lý, quản lý tài xế.
Việc chia sẻ dữ liệu được thực hiện sau khi Tổng cục Đường bộ cho hay đơn vị không có dữ liệu để nắm được việc tài xế có phải bị tước bằng hay không khi họ đến làm thủ tục xin cấp lại giấy phép lái xe.
Ngoài ra, việc hai bộ trao đổi thông tin bằng văn bản có thể dẫn đến thất lạc hoặc chậm, ảnh hưởng quá trình cập nhật dữ liệu.
Bình luận