Ông chia sẻ: “Những thanh kiếm này có những uy lực linh thiêng lắm. Tôi đặt lên đây để ngày ngày thắp hương và suy ngẫm. Mỗi vật đều có giá trị và ý nghĩa với tôi cả!”.
Sưu tầm cổ vật vì tò mò
Ông là Lâm Dũ Xênh ở thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người gốc Hải Nam (Trung Quốc), nhưng được sinh ra và lớn lên trên đất Quảng. Từ bé ông được cha truyền nghề bốc thuốc Bắc và dạy tiếng Trung. Có lẽ đời ông Xênh sẽ yên ổn với nghề bốc thuốc nếu như không vì một sự tò mò.
Ba tầng nhà, chỉ một góc nhỏ ông dành để bốc thuốc, còn lại tất cả những khoảng không gian trống trong nhà đều được ông tận dụng để chứa những cổ vật có được.
Có tận mắt chứng kiến số cổ vật ông dày công góp nhặt trong vòng gần 15 năm, mới thấy niềm đam mê của ông lớn đến chừng nào.
Ông Xênh (áo trắng) giới thiệu bộ sưu tập đồ gốm thời Khang Hy của mình với tác giả
Cách đây khoảng 15 năm, khi một ông khách ở xã Bình Thuận đến tiệm bốc thuốc cho biết, có người ở quê đào được 2 hũ tiền xưa không biết từ thời nào, nhưng được làm bằng kẽm và đồng, nặng khoảng 15kg/hũ. Thông tin này khiến ông thấy tò mò, sau khi hỏi địa chỉ cụ thể ông đã thuê xe ôm đi xuống tận nơi.
Chỉ với vốn tiếng Trung ít ỏi và chút kiến thức về đồ cổ hồi ấy, nhưng khi nhìn thấy những đồng tiền được làm từ nhiều đời vua, với đủ niên đại khác nhau đã khiến ông mê mẩn. Ông đã quyết định bỏ ra 2 chỉ vàng mua lại toàn bộ số tiền đem về nhà tiếp tục tìm hiểu, phân loại.
Từ những điều mới mẻ khi khám phá qua những đồng tiền đó đã dần đưa ông đến với niềm đam mê sưu tập đồ cổ. Chỉ riêng số tiền cổ sưu tập của ông Xênh hiện nặng hơn 1,4 tấn.
Tuy nhiên, độc đáo và được ông Xênh quý nhất là bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn. Theo lời ông Xênh thì giá trị kinh tế của nó tuy không lớn bằng những thứ khác, nhưng ý nghĩa văn hoá thì vô giá và đó cũng là một trong số những cổ vật mà ông quý nhất.
Trong căn nhà của ông đâu đâu cũng thấy cổ vật, với đủ chủng loại: chén, đĩa, bình, ly, lu, cối, kiếm, dao... có nguồn gốc từ nhiều triều đại khác nhau: Lê, Trịnh, Nguyễn của Việt Nam; Tống, Minh, Thanh của Trung Quốc.
Đắt tiền nhất có lẽ là những chiếc choé, trong đó có cái làm từ đời Khang Hy (nhà Thanh - Trung Quốc) mà hiện giá lên đến 200 triệu đồng/chiếc. Số tiền mà ông đã bỏ ra để mua và tìm những cổ vật ấy phải tính bằng đơn vị vài chục tỷ đồng, chưa kể đến những nỗi vất vả khi đưa được số đồ cổ ấy về nhà.
Những thanh kiếm Tây Sơn
Ông hiện sở hữu được hơn 300 cây kiếm, là binh khí của quân Tây Sơn và đã “ưu ái” tặng tới 21 cây cho Bảo tàng Quang Trung. Ông chia sẻ: “Những thanh kiếm này có những uy lực linh thiêng lắm. Tôi đặt lên đây để ngày ngày thắp hương và suy ngẫm. Mỗi vật đều có giá trị và ý nghĩa với tôi cả!”.
Cơ duyên đến từ… ve chai
Ông Xênh kể, vào tháng 8/1994, như thường lệ ông ghé điểm phế liệu ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Vừa đến nơi, thấy ông chủ đang bưng bê hàng chục mảnh vỡ đồng nặng khoảng 7kg đi bán đồng nát.
Sau một lúc săm soi, ông nhận ra đây là những mảnh vỡ của một chiếc trống đồng Đông Sơn được đúc ở thế kỷ 1 – 3 sau Công Nguyên nên quyết định mua lại.
Rồi vào tháng 3/2009, nghe tin người bạn ở Huế vừa mua được những mảnh vỡ trống đồng Đông Sơn, loại Hegel I (niên đại 2.500 năm) từ một người hành nghề rà phế liệu, ông lặn lội ra tận nơi xin người bạn để lại cho mình.
Sau nhiều năm ấp ủ, ông đã mời các chuyên viên tổ chức UNESCO từ Hà Nội vào Quảng Ngãi giúp phục hồi thành công những chiếc trống đồng Đông Sơn “đặc biệt” này.
Ông Xênh thắp hương trên bàn thờ nơi đặt hơn 300 thanh kiếm thời Tây Sơn
Cứ thế, bộ sưu tập của ông có thêm bộ kiếm thời Tây Sơn, bộ lục lạc lên đến 3.500 chiếc lớn nhỏ bằng đồng, nhạc khí thời Tây Sơn, hơn 1,4 tấn tiền cổ các triều đại Việt Nam - Trung Quốc, bộ tẩu thuốc làm bằng đất nung hàng trăm chiếc đậm chất văn hóa Tây Nguyên, chiếc ngà voi dài 1,5m, xác một con tàu đắm có niên đại tới gần 600 năm, hay bộ sưu tập gốm Chu Đậu trong con tàu đắm ngòai khơi biển Cù Lao Chàm…
Suốt 15 năm qua, ông đã cần mẫn sưu tập hơn 10.000 món cổ vật gồm gốm sứ, đồ đồng, đá có niên đại hàng nghìn năm.
15 năm ông lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, hễ cứ nghe thấy ở đâu có gì lạ, có gì hay là ông lại tới bằng được. Người đưa ông đi lại là một người tài xế xe thồ già tận tuỵ.
Có những đêm ông trốn nhà, để vợ con ở lại rồi lặn lội cùng người bạn chạy xe thồ đi tìm cổ vật. Mới đầu vợ ông có ý nghi ngờ nhưng thấy ông đam mê quá nên cũng thuận theo. Bây giờ vợ ông trở thành “trợ lý đắc lực” trong việc phân loại, bảo quản các cổ vật trong nhà.
Mỗi lần có được một “món” gì đó, ông càng thấm thía hơn với “cái nghiệp” đòi hỏi vốn kiến thức sâu dày này. Trong mắt những người như ông Xênh thì sự xấu xí, hư hỏng chỉ là bên ngoài nhưng ẩn chứa bên trong là bao sự kì diệu về cuộc sống cách đây hàng trăm năm, hơn nữa là cả một giai đoạn lịch sử của con người.
“Để sở hữu được một đồ vật thật "độc", yêu thích thì nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được nếu không có "máu liều" và cả một chút "mánh khoé", ông Xênh kể. Thời gian qua, ông đã trao tặng hơn 300 cổ vật giá trị cho gần 10 bảo tàng lớn nhỏ trên cả nước.
Trong đó có các cổ vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn, kiếm cổ thời Tây Sơn, bộ sưu tập tiền giấy có chữ ký của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi còn làm Bộ trưởng Tài chính, bộ chiêng cổ đồng bào H’re, các hiện vật đồ đá văn hóa Chăm Pa.
Nhà ông giờ đã đầy chật cổ vật, là những nhân chứng của chuỗi lịch sử dân tộc thăng trầm mấy ngàn năm qua...
Ông Xênh bên gia tài của mình
“Tâm huyết ắt làm được”
Sau một ngày tham quan “kho tàng cổ vật” tại nhà riêng ông Xênh, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước khối đồ cổ đồ sộ ấy. Ông Xênh dẫn chúng tôi tới nơi mà sẽ thành nhà trưng bày những cổ vật của ông.
Được biết “nhà trưng bày” này được ông tìm kiếm, mua lại từ những ngôi nhà lâu năm đã hư hỏng mà chủ nhân của nó chẳng thể làm gì khác được để mang về dựng lại.
Ông trân trọng từng cái song cửa, từng miếng phù điêu trên những tấm phên cũ, từng họa tiết trang trí trên vì kèo, “để làm được một không gian cổ mà trưng bày những đồ vật cổ” - như lời ông nói.
“Nhà trưng bày” này được làm lại nguyên bản theo mô hình truyền thống “Tam gian nhị hạ” (ba gian, hai chái) của người Việt, với diện tích xấp xỉ 450m2. Tất cả số tiền thu được từ việc bán vé tham quan cổ vật nơi đây sẽ được ông xây dựng thành quỹ hỗ trợ cho người nghèo.
Điều khiến ông băn khoăn bởi không biết việc ông mở một nhà trưng bày như thế có được phép, hay có ảnh hưởng gì không. Nhưng chắc chắn vì tâm huyết ông sẽ làm được./.
TS Nguyễn Đăng Vũ, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi nhận định: “Bộ sưu tập của ông Xênh là một dạng bảo tàng tổng hợp về lịch sử, tích hợp nhiều nền văn hóa khác nhau; đặc biệt phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của người bản địa cổ ở vùng đất này. Điều thú vị là trong bộ sưu tập có cả những mảnh gốm vỡ chứng minh từ buổi đầu xa xưa người Việt Cổ từng giao lưu, trao đổi mua bán với cộng đồng cư dân bản địa tại vùng đất miền Trung. Nhờ ông Xênh mà chúng tôi còn giữ lại được nhiều hiện vật quý giá cho đến tận bây giờ. Quả thật hiếm có một người nào nơi mảnh đất này có được niềm đam mê đáng quý đến như thế”.
Gia Ly-VOV
Tin đọc thêm
» Kho cổ vật quý 500 tuổi trong ngôi chùa giữa cánh đồng» Bí mật bất ngờ về cổ vật ở Việt Nam» Phát hiện nhiều cổ vật quý ở di chỉ 2.000 "tuổi"» Đau lòng hàng trăm cổ vật ở Hải Dương» Kiếm báu của người Dao và trận chiến kỳ lạ» Huyền thoại kiếm báu của tổ tiên người Dao» Ông vua nghèo kiết xác và kiếm thần ở Gia Lai» Bí ẩn đại long đao 500 tuổi của vua Mạc ở Hải Phòng
Bình luận