Video cảnh thực chiến dài nhất của Lý Tiểu Long
Người đưa Lý Tiểu Long đến với Vịnh Xuân Quyền
Lý Tiểu Long là ngôi sao võ thuật thành danh và được ghi nhận trên toàn thế giới. Ai cũng biết sư phụ của anh là Nhất đại tông sư Diệp Vấn, tuy nhiên, ít người rõ, nhân vật dẫn đường cho Lý đến với cao nhân này là Trương Trác Khánh.
Trương Trác Khánh sinh năm 1940. Ở tuổi lên 7, ông đã được sư phụ Diệp Vấn nhận dạy võ công và sớm thể hiện rõ những tố chất vượt bậc. Ông chính là người được tiếp nhận đầy đủ và rõ ràng nhất hệ thống hoàn chỉnh bộ pháp Vịnh Xuân.
Lên 10 tuổi, trong một lần đi dự tiệc tại Thành Bắc, khu Cửu Long, Trác Khánh quen biết Lý Tiểu Long. Lúc đó, Con rồng nhỏ đang học tại trường Trung học La Salle và cũng là một người cực kì đam mê võ thuật.
Sau một thời gian chơi chung, Lý rất khâm phục võ Vịnh Xuân của Trương Trác Khánh. Bởi vậy, vào một ngày năm 1953, cậu trẻ nhà họ Trương đã giới thiệu Tiểu Long đến với sư phụ mình – Diệp Vấn để học võ.
Sau này rất nhiều năm, mỗi khi nhắc lại sự kiện đó, Con rồng họ Lý vẫn luôn ca ngợi sư huynh, cầu nối cho mình đến với Vịnh Xuân Quyền.
Khi nhập môn tại võ đường, Diệp sư phụ đã giao cho Trương Trác Khánh cùng với Hoàng Thuần Lương kiểm tra và bồi dưỡng công phu cơ bản cho Tiểu Long. Nhờ có hai vị sư huynh cực kì tận tình mà khả năng của cậu bé họ Lý tiến bộ vượt bậc. Sau này, chính Trương Trác Khánh cũng nhiều lần lên tiếng khen ngợi vị sư đệ có nhiều tố chất:
“Người khác học một chiêu thì cứ gấp muốn học chiêu thứ hai, nhưng Lý Tiểu Long thì khác, mỗi chiêu đều luyện đến mức thành thục mới thôi. Cậu ấy tập rất mê say, đi đường hay cả lúc ngủ đều nắm quả tạ tay”.
Trong suốt 4 năm rưỡi tập luyện cùng nhau, hai người đã hình thành một tình bạn cực kì thân thiết. Trác Khánh đã truyền thụ hết cho Bruce Lee hết những kỹ thuật của mình cùng sự tự tin và kinh nghiệm trong chiến đấu.
“Người chiến binh cuối cùng” trong Vịnh Xuân Quyền
Đó là lời ca ngợi của Lý Tiểu Long dành cho vị sư huỳnh mình cực kì tôn trọng bởi kĩ năng Vịnh Xuân Quyền thượng thừa.
Đến với võ thuật không quá sớm, song chính những tố chất cùng khả năng rèn luyện đã giúp hình thành một Trương Trác Khánh nắm cực kì chắc chắn tâm pháp của môn võ này.
Có xuất thân xã hội, bản tính vốn ngổ ngáo sẵn nên Trác Khánh không lạ lẫm gì môn võ nhu quyền cận chiến, có tính sát thương cao này.
Đòn tay là sự quyết định trong mỗi lần thực chiến của Vịnh Xuân, nhưng có nhiều người đã nâng tầm nó lên đến một đỉnh cao mới, Trương Trác Khánh là một ví dụ.
Có một ghi chép nói rằng, trước đây, ông từng lập lỷ lục thế giới tại Trường đại học Harvard về tốc độ ra quyền: 8,3 đòn đánh mỗi giây. Một con số quá khủng khiếp.
Năm 2009, trong lễ mừng thọ Trương sư phụ tròn 70 tuổi, sau khi nhận hoa quà chúc mừng từ các thân hữu và đệ tử, ông đã cao hứng biểu diễn một số chiêu thức Vịnh Xuân. Kết quả là các môn sinh phải vội vã gấp gáp mà kêu lên: “Sư công đánh nhanh quá, thật sự không thể nhìn thấy gì”.
Chỉ chừng đó thôi cũng thấy được sự lợi hại, linh hoạt cũng như biến ảo trong cách đánh của Trương Trác Khánh. Vịnh Xuân chủ yếu dùng đòn tay, nhưng sử dụng đòn tay một cái ảo diệu như vậy thì đối thủ thật sự khó có thể chống đỡ.
Lại có chuyện kể rằng, năm 1958, khi mới 18 tuổi, do có nhiều ân oán với xã hội đen Hồng Kông, họ Trương buộc phải xuống tàu sang Australia. Không ngờ trên đó có một nhóm tội phạm gồm 19 tên, âm mưu hãm hại, muốn vứt ông xuống biển.
Nhờ sự tinh nhạy sau một thời gian dài học võ cùng bản lĩnh cao cường, một mình ông giao chiến trực tiếp với cả 19 tên có hung khí, đánh gục 6 tên tại chỗ còn mình lãnh 3 vết thương.
Về sau, thuyền trưởng người Đức dùng súng để giải vây, chấm dứt cuộc huyết chiến thì danh tiếng của họ Trương cũng đã trở nên lẫy lừng.
Khi thuyền cập bến, nhiều báo đài ở Australia đã đăng tin về sự kiện một võ sư Trung Quốc chống lại 19 tên côn đồ trên biển khơi mênh mông. Sau khi đến Australia và lấy bằng cử nhân nghệ thuật cùng cử nhân kinh tế, Trương Trác Khánh bắt đầu quay lại với võ thuật.
Năm 1973, ông mở một trường võ đầu tiên tại đây và hoạt động cực kì thành công, thu hút nhiều môn đồ đến học võ truyền thống Trung Quốc.
3 năm sau, nhiều hiệp hội đã tín nhiệm mà bầu ông trở thành Chủ tịch hiệp hội Kungfu Liên bang Australia. Những năm 1978-1980, ông dành thời gian dạy võ cho thủy quân lục chiến ở một trường quân sự của Mỹ.
Không chỉ có thành công cho mình, nhiều môn đồ của ông cũng đạt được sự công nhận từ các tổ chức quốc tế về sức ảnh hưởng võ thuật.
Từ năm 1979, ông và học trò tiến hành những chương trình đặc biệt, dạy võ công trong lực lượng vũ trang tại Mỹ và các quốc gia khác. Việc giảng dạy chủ yếu về kĩ năng chiến đấu bằng tay không, kĩ thuật tấn công cận chiến và hóa giải đòn địch.
Năm 1982, đệ tử của Trương sư phụ giành được danh hiệu vô địch hạng nặng và hạng trung tại giải Kungfu Championships tổ chức ở Hồng Kông.
Không chỉ về võ thuật, từ hơn 20 năm nay, ông đã áp dụng những hiệu quả của nghệ thuật Thiền trong rèn luyện để giảm bớt căng thẳng, điều trị chấn thương.
Có thể nói rằng, Trương Trác Khánh thực sự đã trở thành một trong những người có công sức truyền bá Vịnh Xuân Quyền nổi bật nhất trên toàn thế giới.
Ông cũng chính là người được Lý Tiểu Long gửi đến 20 bức thư để bàn luận về việc cho ra đời môn Triệt quyền đạo lừng lẫy. Trong một bức thư, có đoạn viết: “Thưa sư huynh, gần đây, đệ đã cho ra đời hệ thống công phu của mình và đặt tên là Triệt quyền đạo, đệ cảm thấy nó có hiệu quả rất tốt”.
Bình luận