Trước thực tế một số xe buýttại TP.HCM buộc phải giảm tuyến vì không đủ khách để bù đắp chi phí, Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành quyết định về việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt áp dụng trên các tuyến xe buýt có trợ giá.
Theo đó, đối với vé lượt áp dụng cho hành khách thường, các tuyến xe buýt có cự ly từ 15km trở xuống, giá vé đồng hạng là 5.000 đồng/lượt hành khách; các tuyến xe buýt có cự ly trên 15km đến dưới 25km, giá vé đồng hạng là 6.000 đồng/lượt hành khách; các tuyến xe buýt có cự ly từ 25km trở lên, giá vé đồng hạng là 7.000 đồng/lượt hành khách.
Giá vé lượt áp dụng cho đối tượng học sinh, sinh viên gồm: Giá vé lượt đồng hạng là 3.000 đồng/lượt hành khách. Học sinh, sinh viên khi lên xe phải xuất trình thẻ học sinh, thẻ sinh viên hoặc giấy tờ liên quan khác để chứng minh; trường hợp học sinh, sinh viên không xuất trình thẻ học sinh, thẻ sinh viên hoặc giấy tờ liên quan khác để chứng minh vẫn mua vé như hành khách thường.
Đối với vé bán trước (hay vé tập năm), tương ứng với giá vé lượt 5.000 đồng/lượt hành khách, giá vé tập năm là 112.500 đồng/1 tập 30 vé; tương ướng với giá vé lượt 6.000 đồng/lượt hành khách, giá vé tập năm là 135.000 đồng/1 tập 30 vé; tương ứng với giá vé lượt 7.000 đồng/lượt hành khách, giá vé tập năm là 157.500 đồng/1 tập 30 vé.
Đối với giá vé xe buýt có trợ giá tuyến xe buýt số 13, 94, 96, không điều chỉnh giá vé lượt, chỉ điều chỉnh giá vé tập cho học sinh, sinh viên. Cụ thể, giá vé lượt đồng hạng là 10.000 đồng/lượt hành khách; giá vé tập cho đối tượng học sinh, sinh viên là 135.000 đồng/1 tập 30 vé.
Việc tăng giá vé này sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/5.
Thực tế hiện nay, rất nhiều xe buýt mới được đưa vào sử dụng có chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn nhiều so với xe buýt cũ, như là ghế ngồi, máy lạnh mới, thiết bị soát vé tự động.
Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng mất an ninh trật tự trên xe buýt, nạn trộm cắp móc túi, thậm chí là thái độ của nhân viên phục vụ trên xe buýt cũng không nhã nhặn với hành khách được phản ánh khiến nhiều người phẫn nộ.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế xe buýt phóng nhanh vượt ẩu trên đường, dừng đón khách không đúng nơi quy định, không dừng hẳn khi đón trả khách, chạy ngược chiều, chạy trên vỉa hè gây mất an toàn cho phương tiện khác cũng khiến người dân mất cảm tình với việc đi lại bằng xe buýt.
Hạ tầng giao thông tại TP.HCM thực sự chưa tốt và được đầu tư đúng mức khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, việc này dẫn đến xe buýt chạy không đúng tuyến, trễ giờ hoặc bỏ tuyến.
Lượng hành khách đi xe buýt trong những năm qua vì thế mà chững lại, thậm chí là sụt giảm.
Theo ghi nhận của PV, nhiều người dân tại TP.HCM ủng hộ việc tăng giá vé để duy trì hoạt động của xe buýt. Nhưng đồng nghĩa với đó, người dân cũng mong muốn nhận được chất lượng phục vụ trên xe buýt tốt hơn.
“Nếu xe buýt tăng giá ở mức phù hợp, có thể chấp nhận được thì tôi hoàn toàn đồng tình. Nhưng cùng với đó chất lượng của nó cũng phải tốt hơn, tài xế nên tôn trọng tính mạng nhành khách, nhân viên cũng cần thân thiện hơn.
Ngoài ra các cơ quan quản lý cũng cần đầu tư nhiều hơn vào bến bãi đón trả khách, tránh tình trạng nhếch nhác, chèo kéo nữa”, anh Sơn Văn Thuận (SV Đại học KH-XH&NV TP.HCM) chia sẻ.
Video: TP.HCM chính thức tăng vé xe buýt trong thời gian tới
Xe buýt hiện nay vẫn đang là phương tiện công cộng được sử dụng rộng rãi trong mạng lưới giao thông công cộng tại các đô thị. Đồng thời, nó cũng đang thể hiện được những tiện ích trong việc cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại nội đô các thành phố lớn thời gian qua.
"Tôi vẫn hay đi xe buýt vì thấy cũng tiện, đỡ phải chạy xe ngoài đường ùn tắc khủng khiếp, lại còn tránh mưa tránh nắng và tiết kiệm được một khoản chi phí. Thế nên tăng chi phí để duy trì thì tôi đồng ý, nhưng mà tôi cũng mong thời gian tới chất lượng xe buýt sẽ tốt hơn", ông Nguyễn Hữu Chí (ngụ Gò Vấp, TP.HCM) nói.
Bình luận