Nằm cheo leo giữa vùng núi cao Sơn La, bản Bó Hoi, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu giống như một ốc đảo rất khó tiếp cận. Dân cư ở đây 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Xa xôi cách trở là vậy nhưng từ năm 2015, đã có 1/4 dân số ở đây dấn thân vào mạng lưới đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy.
Đang nghèo khó bỗng dưng vớ được tiền
Theo ông Bàn Văn Quốc, Bí thư Chi bộ bản Bó Hoi, toàn bộ bản có tất cả 105 hộ dân thuộc các dân tộc Mường, H’Mông, Thái và nhiều nhất là người Dao theo họ Bàn. Các hộ dân ở đây làm nương rẫy, trồng ngô là chủ yếu, đời sống dân cư rất khó khăn, dân trí thấp.
“Hầu hết dân số ở đây đều có trình độ dân trí khá thấp, các hộ dân sống bằng nghề đi rừng, làm nương rẫy, trồng ngô, khoai, sắn để sinh sống. Vào những năm ngô được mùa, tổng thu nhập mỗi nhà có thể được 100 triệu đồng/năm, tùy từng nhà. Trừ đi các chi phí hạt giống, phân bón thì cũng dư ra được 1/3”, Ông Quốc nói.
Tuy nhiên, vào những năm mất mùa, thu nhập trung bình của người dân bản Bó Hoi chỉ khoảng 1 - 1,8 triệu đồng/tháng từ trồng ngô. Nhiều nhà phải đi mót rau rừng về ăn.
“Nói chung, đây là vùng sâu vùng xa, nên đời sống khó khăn lắm. Đường đi còn chưa được đổ bể tông hết, phải đi đường đất đá. Chỉ cần một cơn mưa là không thể đi nổi, đất, đá từ núi rơi xuống, đi lại nguy hiểm”, ông Quốc cho biết thêm.
Vào năm 2015, đời sống của đồng bào dân tộc bản Bó Hoi bỗng dưng đổi đời nhờ vào Đề án ổn dịnh dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, xây dựng thủy điện Hòa Bình (gọi tắt là Đề án 1460).
Số tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư được dùng hỗ trợ phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 50 xã và 2 thị trấn thuộc 6 huyện.
Trong đó, bản Bó Ho được nhận tổng hỗ trợ là 3,3 tỷ đồng. Theo ông Quốc, dân cư tại bản ít nhiều nhận được tiền hỗ trợ, sinh ra một số hệ lụy không đáng có.
“Nhà nhiều thì vài trăm triệu, ít thì vài chục triệu. Sau khi có tiền, họ sắm sửa tivi, tủ lạnh, xe gắn máy đắt tiền,... Tuy nhiên, công việc chính của họ là đi trồng ngô, khoai, sắn. Một số thanh niên trong bản thì bỏ quê ra huyện, hoặc thành phố để làm việc. Sau khi nhận được tiền, họ cũng không còn mặn mà với nông nghiệp”, ông Quốc cho biết thêm.
Lấy tiền hỗ trợ tái định cư để đầu tư đa cấp
Ngay sau khi người dân nhận được tiền hỗ trợ tái định cư từ Đề án 1460, “chân rết” của Tập đoàn đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy đã đến tận nơi để lôi kéo người dân tham gia mạng lưới của mình.
Anh Bàn Văn Cường (sinh năm 1982, dân tộc Dao) cho biết: “Có một chị tên H. làm tại huyện Mộc Châu có giới thiệu tới Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, cho một số người dân trong bản. Chị này nói, đầu tư càng nhiều thì nhận cổ tức càng cao. Tôi bỏ ra 390 triệu đồng để đầu tư vào công ty này”.
Trong khi đó, thanh niên đa cấp đang giữ kỷ lục trong bản Bó Hoi là anh Bàn Văn Hương đã đầu tư 600 triệu đồng để tham gia mạng lưới Thiên Ngọc Minh Uy.
Anh Hương nói: “Trước khi tham gia, tôi đã tìm hiểu rất kỹ công ty này. Nếu một công ty lừa đảo, nó không thể tồn tại được 15 - 16 năm nay. Vì vậy, tôi tin vào uy tín của Thiên Ngọc Minh Uy”.
Theo thống kê của ông Bàn Văn Quốc, tại bản Bó Hoi có tất cả 22 hộ dân trong tổng số 105 hộ tham gia vào mạng lưới đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy. Trong đó, nhiều nhất là anh Hương với 600 triệu đồng, anh Cường là 390 triệu đồng, ông Bàn Văn Lơm, người đầu tiên tham gia mạng lưới đa cấp là 120 triệu đồng,... Tổng số tiền của 22 hộ dân tham gia mạng lưới đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy là 4,7 tỷ đồng.
Trong đó, 90% tổng số tiền mà người dân tham gia đa cấp là nguồn tiền từ Đề án 1460, số tiền còn lại người dân vay mượn, hoặc tiền từ làm nương.
Ông Quốc nói, “Người dân tham gia đa cấp bắt đầu từ tháng 4/2015, một số 'cán bộ' của công ty này đã đến tận bản để giới thiệu mô hình kinh doanh cho bà con. Nhiều người tin tưởng lắm”.
Ngay từ thời điểm, Thiên Ngọc Minh Uy có ý định mở rộng “vòi bạch tuộc” của mình tại bản Bó Hoi, chính quyền, đảng bộ huyện Mộc Châu đã đưa ra khuyến cáo người dân không nên tham gia mạng lưới đa cấp đang vấp phải nhiều tranh cãi này.
Ông Quốc nói thêm: “Tôi có bảo với người dân là nên cẩn trọng, huyện cũng đã đưa ra thông báo đến người dân, nhưng họ không nghe”.
“Bản thân tôi cũng khuyên họ, mấy trăm triệu tiền đền bù là rất lớn. Công ty Thiên Ngọc Minh Uy giới thiệu, nếu đầu tư vào công ty này sẽ nhận được lợi nhuận rất lớn, gấp 3, 4 lần số tiền mà người dân bỏ ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, nếu kiếm tiền dễ như thế thì chẳng đến lượt mình, ở thành phố dân người ta làm hết rồi, họ cũng chẳng vào bản xa xôi, dân trí thấp, lại nghèo như bản Bó Ho để giới thiệu như thế”, ông Bàn Văn Quốc nói thêm.
Trước thông tin công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy dừng hoạt động, một số hộ dân trong bản Bó Hoi bắt đầu tỏ ra hoang mang.
“Ngay sau khi thông tin Thiên Ngọc Minh dừng hoạt động, một số người đã đến nhà tôi hỏi thăm và tìm hiểu sự việc. Một số người bắt đầu tỏ ra nghi ngờ khi không liên lạc được ‘cấp trên’ của công ty. Một số người khác không nhận được lợi nhuận hoa mỹ như trước đó quảng cáo. Hiện tại, bản thân tôi cũng không rõ chuyện này lắm”, ông Quốc chia sẻ.
Video: Thiên Ngọc Minh Uy chính thức bị dừng hoạt động
Bình luận