• Zalo

Người đàn ông 30 năm đi 'nhặt' người điên

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 27/10/2012 06:12:00 +07:00Google News

Suốt 30 năm qua, một người đàn ông đã xuôi ngược tìm kiếm hàng trăm người điên dại đem về nhà nuôi và tìm lại gia đình cho họ...

Suốt 30 năm qua, một người đàn ông đã xuôi ngược tìm kiếm hàng trăm người điên dại đem về nhà nuôi và tìm lại gia đình cho họ...

Người đàn ông có tấm lòng nghĩa hiệp là ông Phạm Văn Nhẫn (SN 1963, ở thôn Chi Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Người dân thôn Chi Ngôn vẫn hay gọi ông bằng cái biệt danh “Nhẫn gàn”.

Nhặt người điên ở khắp nơi

Ông Nhẫn sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó của vùng đất quê Hà Nam chiêm chũng. Khi 16 tuổi, chàng trai trẻ đã dùng máu của mình để viết đơn xin tình nguyện vào quân ngũ. Sau 4 năm trong đơn vị, ông trở về quê hương kết hôn cùng bà Đào Thị Lam (SN 1960), sinh hạ 4 người con.

Cuộc đời của “Nhẫn gàn” bắt đầu rẽ sang hướng khác khi vào năm 1984. Một lần, hai vợ chồng đang phơi rơm ngoài đường và chợt nghe tiếng trẻ con khóc. Khi chạy ra xem,ông Nhẫn phát hiện một cháu bé bị lạc đường. Không ngần ngại, hai vợ chồng đã đưa cháu về nhà tắm rửa và cho ăn uống.

Lân la hỏi chuyện mới biết cháu tên Nam, ở xã Thanh Tân. Ngay sáng hôm sau, ông Nhẫn tìm đường đưa cháu bé về nhà và trao trả tận tay cho gia đình.

Nhẫn gàn cùng vợ và cháu ngoại. 
Chuyện kể về ông Nhẫn “nhặt” người bất hạnh, cơ nhỡ đưa về nhà nuôi không chỉ dừng ở đó. Sau khi trao trả đứa bé cho gia đình, trên đường về ông gặp một người phụ nữ ngoài 40 tuổi tóc tai rũ rượi, hôi hám ngồi thất thểu ở ngoài đường.

Lúc đầu, ông định bụng cho qua nhưng lại thấy thương hại nên ông không đành lòng bỏ mặc, quay xe trở lại và đón về nhà. Cũng trong ngày hôm đó, ông còn nhặt được thêm 2 trường hợp điên dại khác.

Ban đầu, khi chồng một lúc đưa 2-3 người “điên điên, dở dở” về nhà, bà Lam -vợ ông không khỏi giật mình và không bằng lòng với cách làm phúc đó của chồng. Anh em, hàng xóm sang chơi biết chuyện, khuyên ngăn thế nào cũng không được.

Hiểu tính chồng nóng như lửa, quyết là làm, bà Lan đành chấp thuận không kêu ca một lời. Sau này, bà hiểu được ý nghĩa lớn lao việc chồng mình đang làm, bà cũng đỡ đần ông phần nào trong việc chăm sóc những người điên dại khi ông đi vắng.

Kể từ đó, hễ ông gặp bất cứ ai tâm thần, lang thang trên đường, ông đều “nhặt” về nhà, cho ăn ngủ, tắm rửa… Nhiều lời xì xào, bàn tán trong thôn xã, nhiều người gọi ông là “ Nhẫn hâm” nhưng không vì cái lẽ đó mà ông thôi nghiệp.

“Sống sao phải có lương tâm tốt, làm phúc được cho con cháu về sau. Nhiều người vẫn bảo tôi “dở hơi”, cơm không đủ ăn mà còn vẽ chuyện nhặt người điên về nhà nuôi. Dù có đàm tiếu đến đâu, họ nói sao cũng được, miễn mình sống không hổ thẹn với chính bản thân mình, không trái với lương tâm đạo đức là được rồi ” – Hút bi thuốc lào, ông cười, chia sẻ về tâm niệm sống của mình.

Người điên được ông mang về nhà mỗi lúc một đông, trong khi ông chỉ có năm ba đồng tiền công kiếm được từ việc chạy xe ôm nên lúc đó không thể xoay sở cho hơn chục miệng ăn trong nhà. Ông suy nghĩ phải tìm lại gia đình cho họ, vậy là thời gian rảnh rỗi, ông ngồi dỗ ngon ngọt, gặng hỏi về địa chỉ quê quán của từng người. Sau khi đã biết được chút ít về thông tin của họ, ông chạy bộ ra bưu điện gần nhà, gọi điện đến tổng đài 1080 để xác minh và liên lạc với người thân đến đón nhận.

Cứ như vậy, hàng chục lượt người điên đến tá túc trong nhà được ông tìm lại cho mái ấm gia đình. Trường hợp xa, hay gần ở đâu cũng có như Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An xa, Lạng Sơn, Yên Bái... Nhiều gia đình sau khi đến đón thân nhân về, họ cảm tạ hậu hĩnh nhưng ông đều từ chối, không tơ hào của cải.

Con thiệt mạng vì mải giúp bố tìm người điên

Nhớ về ngày tử thần cướp mất đi cậu con trai cả ngoan hiền vừa mới xuất ngũ trở về, ông Nhẫn xót xa kể lại, một buổi tối năm 2006, một cô gái điên bỏ trốn khỏi nhà ông.

Vì đã trót hứa sẽ trả cô gái đó về với gia đình vào sang hôm sau nên ông Nhẫn buộc phải huy động cả vợ và con trai cả đi tìm. Vất vả cả đêm mới tìm ra được cô gái đó thì cũng là lúc ông phải chứng kiến cái chết thương tâm của con trai mình dưới bánh xe tải.

Anh Trần Văn Cường quê Bắc Giang ( ảnh trái) được ông Nhẫn cưu mang gần 4 năm.  
Trong suốt 30 năm gắn bó với nghề, kỉ niệm đáng nhớ nhất là trường hợp của anh Trần Văn Cường (quê Bắc Giang) do không có người thân thích nên hiện anh đang được ông cưu mang tại nhà suốt gần 4 năm qua.
Ông kể, vào một đêm, hai vợ chồng đang ngủ, bỗng giật mình với tiếng loảng xoảng ngoài đường. Nghi chuyện không lành, bật đèn bin soi ra ông hoảng hồn phát hiện một người đàn ông người dính đầy máu me, quần áo rách te tua, tay cầm chai rượu, chửi khóc liên hồi. Biết là thành phần điên dại, ông đã không quản nguy hiểm đến gần động viên, dỗ dành rồi đưa về nhà tắm giặt, nuôi dưỡng đến giờ.

Không chỉ làm phúc tại nhà, ông còn khâm niệm xác chết trong nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc và là hiệp sĩ bắt cướp dũng mãnh trên tuyến đường quốc lộ 1A địa bàn huyện Thanh Liêm. Nhờ công của công mà nhiều tên cướp nguy hiểm đã phải chịu tội trước pháp luật.

Giờ ông đã có tuổi, không thể lặn lội xa xôi tìm kiếm những số phận điên dại như trước nhưng hễ nghe ai báo tin, ở đâu có người thất lạc, ông đều tìm đến đón nhận tức thời.

Nhận xét về ông Nhẫn, ông Nguyễn Văn Tập, trưởng công an xã Thanh Hải cho biết, ông Nhẫn là một công dân tốt của địa phương, có tấm lòng cao cả, giúp đỡ nhiều người lang thang, cơ nhỡ. Mọi người dân đều coi ông là tấm gương sáng để noi theo.

Theo VOVGT

Bình luận
vtcnews.vn