Khi mỗi lít xăng tăng trên 2,2 USD (tương đương 50.000 VNĐ), Aziz Brahmi - tài xế ở Paris tránh lái xe vòng quanh để tìm kiếm khách.
"Điều duy nhất tôi có thể làm là hạn chế lái xe khi không có khách", Brahmi, 38 tuổi cho biết.
Trước khi xăng tăng giá, Brahmi di chuyển hết quãng đường 200 km/ngày.
"Chúng tôi chờ đợi các khách hàng tìm tới chúng tôi. Giờ chúng tôi không tìm kiếm họ nữa", anh chia sẻ.
Các tài xế taxi ở London cũng áp dụng chiến lược tương tự.
"Giá xăng tăng ảnh hưởng tới tôi. Do phải chi trả hóa đơn nên tôi phải làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng giờ thì nhiều con đường trong thành phố đang thi công nên thời gian lái xe lâu hơn. Điều này đồng nghĩa tôi phải dùng nhiều nhiên liệu hơn", Gary Bollister, tài xế London với 22 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Giá dầu thô nhảy lên mức cao nhất trong 14 năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Giao tranh giữa Moskva và Kiev sau đó khiến giá dầu tăng vọt do Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới.
Hôm 9/3, giá dầu Brent vượt 130 USD sau khi Tổng thống Biden thông báo cấm nhập dầu và khí đốt từ Nga. Anh đang lên kế hoạch chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.
Đức và quốc gia thuộc Liên minh châu Âu khác phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga không đồng tình với các bước đi này.
Hôm 8/3, Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo giá dầu có thể vượt mức 300 USD/thùng nếu phương Tây cấm vận dầu mỏ Nga.
Giá dầu những ngày qua đánh mạnh vào túi tiền của nhiều người và không ít các doanh nghiệp.
Colin, 55 tuổi, nhân viên chuyển phát nhanh ở London phải chi 26 USD mỗi ngày để đổ đầy bình xăng, đắt gấp đôi so với thời điểm bình thường.
"Tôi thà đi bộ còn hơn là cứ tiếp tục mất tiền", ông chia sẻ. Những ngày này, giá dầu diesel tại một trạm xăng gần nơi Colin sinh sống leo lên mức 2,1 USD/lít.
Các tài xế ở Thụy Điển phải chịu mức giá cao nhất châu Âu với giá dầu diesel vượt 2,53 USD/lít ở nhiều trạm xăng.
Tại Đức, giá xăng trung bình những ngày này rơi vào khoảng 2 USD.
Abdellatif Helaoui, một nhân viên y tế 28 tuổi ở Pháp phải lái xe 25 km đi làm mỗi ngày.
"Nó tiêu tốn của tôi khoảng 220 USD/tháng. Chúng tôi phải từ bỏ một số thứ, có thể là các kỳ nghỉ", Helaoui chia sẻ.
Alexandra Koch, một công dân ở Frankfurt nói cô sẵn sàng hi sinh tài chính để giúp Đức giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
"Nếu các mức giá này là sự đóng góp mà tôi có thể làm để chúng tôi thoát cảnh phụ thuộc vào nhiên liệu Nga, tôi sẵn sàng làm vậy", Koch cho hay.
Marco Senfter, nhân viên pha chế 39 tuổi bỏ xó chiếc Audi của mình trong nhà để xe những ngày qua và dùng phương tiện công cộng thay thế. Senfter nói anh không muốn phải trả thêm 33 USD cho mỗi lần đổ xăng.
Marius Scheidemann, một người làm vườn 23 tuổi cần dùng xe của mình để chạy một số việc lặt vặt.
Giải pháp của anh những ngày này là lái xe với tốc độ không quá 100 km/h trên đường cao tốc để tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.
Bình luận