Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm có khả năng xuất hiện khoảng 9 đến 11 cơn áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Bão lũ không những gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, mà hậu quả sau bão lũ cũng vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt đời sống hàng ngày của người dân. Sự ô nhiễm nặng đến từ môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho người dân. Tại nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lũ, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ thường rất hay xảy ra.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, tuyệt đối không sử dụng động vật chết do bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Sử dụng những thực phẩm thay thế như: Nước tương, muối lạc, muối vừng, các loại ngũ cốc... đủ khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, dễ chế biến và ít có nguy cơ bị ngộ độc thức ăn. Mít xanh luộc chín, giá đỗ làm đậu,... các bộ phận của cây chuối (thân, củ, quả) chính là nguồn bổ sung thay thế rau xanh sau đợt lũ phá hỏng làm nguồn rau xanh bị cạn kiệt.
Hai là, hộ gia đình cần phải chủ động dự trữ thực phẩm trong mùa bão lũ. Để đối phó với bão lũ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cần thiết phải tính toán, sẵn sàng có một lượng dự trữ về lương thực, thực phẩm, nước uống.
Các loại thực phẩm như “lương khô”, chà bông thịt hoặc cá, mấy viên đạm tổng hợp, kẹo gừng... khá an toàn và có thể dự trữ lâu dài, dễ bảo quản và sử dụng đơn giản, nhanh chóng, tiện dụng và đầy đủ dinh dưỡng. Để dự trữ thực phẩm tươi sống, rất cần rửa sạch và đóng gói, trữ trong tủ đá, thùng kín đặt trên kệ cao để khi cần dùng có thể sử dụng ngay.
Ba là, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm. Nếu không có nước sạch, phải dùng nước sông, suối ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn, dùng phèn chua tỉ lệ 1gam phèn /20 lít nước để làm trong nước, chờ 30 phút cho cặn lắng rồi gạn lấy nước trong. Trong trường hợp không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Tiếp tục khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi (một viên 0,25g dùng cho 25 lít nước).
Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Một điều cần lưu ý tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lí bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.
Bốn là, thực hiện ăn chín, uống chín. Đây là biện pháp tốt nhất nhằm để phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa bão lũ.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM
Bình luận