Kỳ 3: Những cơn đau ngất lịm
Ngôi chùa Văn lặng lẽ và thanh tịnh nơi cuối làng Phú Sơn (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Nơi đây, sư thầy Thích Đàm Đoán, từng là thanh niên xung phong của đơn vị C895, Sư đoàn 559, đã tu hành khổ hạnh hơn chục năm nay mà vẫn chưa một ngày siêu độ, bởi những cơn đau do chiến tranh vẫn từng ngày cào xé thân thể.
Mới 17 tuổi, cô gái Bùi Thị Đoán, quê ở xã Hồng Minh (Hưng Hà) đã xung phong ra chiến trường. Suốt 5 năm trời đơn vị chị hoạt động ở tuyến lửa khu 4, khu 5, nơi mà giặc Mỹ ngày đêm rải thảm chất độc dioxin. Những cánh rừng bạt ngàn còn bị hủy diệt nói chi đến con người.
Núi rừng Trường Sơn là nơi tàn phá nhan sắc ghê gớm. Những cơn sốt rét rừng vắt kiệt tuổi trẻ, những con ruồi vàng cắm vòi vào da thịt con gái hút máu khiến khắp người sần lên mụn nhọt, lở loét.
Người con gái quý nhất là hàm răng, mái tóc, vì thế khổ nhất là tóc cứ rụng dần, trơ ra từng mảng da đầu.
Sư thầy Thích Đàm Đoán |
Lứa tuổi của chị Bùi Thị Đoán cứ ùn ùn kéo vào chiến trường, nhưng giờ điểm lại chẳng còn quá mấy đầu ngón tay. Những người may mắn sống sót trở về, người thì điên điên, dở dở, vì còn mảnh bom, mảnh đạn trong đầu, người thì sống khốn khổ trong cảnh cô đơn, mù lòa. Một số chị cũng lấy chồng, nhưng do nhiễm chất độc da cam mà sinh ra những đứa con dị dạng.
Hồi xuất ngũ về làm hộ lý ở bệnh viện tỉnh, chị còn chút nhan sắc nên đàn ông vẫn năng lui tới thăm nom. Có người cùng học phổ thông thương mến nên cứ bám riết lấy chị.
Thương anh lắm, nhưng chị vẫn phải nói thẳng với anh: “Ở cùng đơn vị em có cô Vũ Thị Lan, sau khi xuất ngũ cũng đi lấy chồng, nhưng ba lần sinh con đều kinh hãi đến phát ngất. Đứa chân ngắn, đầu dính liền vai. Đứa nửa vượn, nửa người, tay, chân, lưng đầy lông lá. Đứa thì như một cục thịt đỏ hỏn…”.
Chị Đoán cũng đã từng lăn lộn khắp các cánh rừng trên dải Trường Sơn, nơi mà quân Mỹ đã rải không biết bao nhiêu tấn chất độc dioxin, chị cũng đã từng vốc nước dưới hố bom để uống và ngày nào cũng tắm táp dưới những con suối mà nước thì ít, chất độc thì nhiều.
Chị không dám lấy chồng bởi sợ rằng, chị cũng sẽ đẻ ra những quái thai, rồi lại làm dầy thêm bể khổ trầm luân.
Cha mẹ đã chết hết, anh em kiến giả nhất phận, người bạn trai thì không thể lấy làm chồng, chị đành xuống tóc đi tu, nương nhờ cửa Phật.
Sư Đoán mượn tiếng kinh để quên đi nỗi đau thể xác |
Giờ đây, ở tuổi 60, khuôn mặt sư thầy Thích Đàm Đoán mỗi ngày thêm nhợt nhạt, vàng vọt. Những cơn đau do thuốc độc ngấm từ trên tai xuống làm sưng cả quai hàm bên phải. Những nếp nhăn dày thêm, sâu hơn.
Dù đã khép mình vào chốn thiền môn, nhưng sư thầy Thích Đàm Đoán vẫn lặng lẽ chống chọi với những cơn đau chưa một ngày nào ngừng hành hạ.
Nhân dân quanh chùa, từ sáng đến tối đều nghe văng vẳng tiếng gõ mõ, tụng kinh. Khi nào thấy tiếng mõ yếu dần rồi dừng hẳn là y rằng sư Đoán đang bò lê, bò càng dưới chân tượng Phật. Những lúc đó, từ mũi, tai sư Đoán cứ rỉ ra những giọt máu pha lẫn mủ.
Cái thứ thuốc độc chết người năm xưa, đã 40 năm nay nó vẫn chung thủy nằm ở trong tai, trong mũi và không biết đến bao giờ nó mới thôi hành hạ.
Đã không ít lần, sư Đoán lên cơn co giật, điên loạn, xé quần áo tơi tả. Người dân xóm nhỏ này đều biết sư từng là thanh niên xung phong, cũng vì bom đạn nên mới ra nông nỗi này nên đều thương sư lắm.
Ngày rằm, ngày lễ, người dân gần đó chùa đều mang gạo, hoa quả để cúng bái, nhưng chẳng bao giờ họ mang lộc về, mà cố tình để lại cho sư bồi dưỡng. Số tiền lương mất sức của 15 năm làm hộ lý ở bệnh viện tỉnh không đủ mua thuốc và tiền hàng tháng đi Hà Nội khám bệnh, chữa trị.
Sư thầy Thích Đàm Đoán kể lại rằng, cách đây mấy năm, đoàn nhà văn của tỉnh Thái Bình biết sư thầy là thanh niên xung phong tu ở chùa Văn đã phi xe máy về tận nơi để gặp.
Các anh cứ gục mặt xuống bàn khóc khi chứng kiến cảnh sư thầy Thích Đàm Đoán chân tay run lẩy bẩy, khuôn mặt dúm dó vì đau đớn mà vẫn gượng sức, lê lết chăm sóc một cụ bà 80 tuổi, từng sống lang thang, không nhà cửa, đã nằm liệt từ nhiều năm nay.
Một nhà văn ôm mặt chạy ra sau nhà chùa khóc như một đứa trẻ. Bởi anh đã từng là bộ đội, đã từng ra sống, vào chết nơi chiến trường nên đã được thấy cái khốc liệt, cái mất mát ghê gớm của chiến tranh. Các anh khóc còn bởi người ta dường như đang lãng quên những con người như sư Đoán.
Sau đợt ấy, sư Đoán được tỉnh mời đi họp mặt thanh niên xung phong Trường Sơn. Nhưng, khi đứng trên bục, chưa kịp nhận món quà nhỏ mà các lãnh đạo tỉnh trao tặng thì vết thương chiến tranh đột nhiên tái phát, sư Đoán cứ thỉu đi rồi đổ vật xuống sàn bất tỉnh. Bữa ấy, đồng đội phải xúm vào đưa sư Đoán đi cấp cứu…
Tạm biệt sư Đoán, tôi rời ngôi chùa Văn nhỏ xíu, có cánh cửa cong vênh, đi một đoạn xa, vẫn nghe rõ tiếng mõ đều đặn “cốc, cốc, cốc…”. Những ngày này thời tiết chuyển mùa, đầu sư Đoán đau như kẹp óc.
Sau mấy ngày rong ruổi trên khắp các ngôi chùa ở Thái Bình, tôi thống kê được tới cả chục trường hợp sư thầy, ni cô từng là thanh niên xung phong, nay vì lý do nào đó mà phải gửi thân vào nhà chùa. Mỗi người đều có hoàn cảnh éo le riêng.
Mấy chục năm trước, họ đều là những thiếu nữ tuổi 17, 18 tràn trề sức sống, họ đem xương máu hiến dâng mà không so bì.
Nhưng, trở về cuộc sống đời thường, họ đã không còn đủ cả sức lực lẫn cơ hội để vượt lên, bởi vì cả tuổi xuân, sức trẻ họ đã để hết nơi chiến trận.
Trong số nữ tu từng là thanh niên xung phong, còn có rất nhiều hoàn cảnh éo le tột cùng, như sư thầy Thích Đàm Thân ở chùa Đông Am (Quang Bình, Kiến Xương), bị thương nặng ở cột sống, tê liệt phần dưới cơ thể, mất 62% sức khỏe.
Rồi sư thầy Thích Đàm Nhũ, ở chùa Việt Yên (Hưng Hà), cũng là thương binh loại 1, cứ rời tràng hạt là lên cơn điên loạn, bỏ đi lang thang.
Rồi sư Đán ở chùa Tân La (Đông Hưng), cũng vì mảnh bom còn ở trong đầu mà thỉnh thoảng lại lên cơn co giật.
Điều đáng nói là một số nữ tu từng là thanh niên xung phong, bị thương tật, nhiễm chất độc hóa học lại chưa hề được hưởng chính sách, hoặc có nhưng rất thấp.
Các sư đều hiểu rằng, đã gửi thân vào chùa thì ăn cơm chay đạm bạc, đâu màng đến vinh danh, tiền bạc. Nhưng, mỗi khi trái gió trở giời, muốn có thuốc tốt để chống lại những cơn đau cũng đâu có tiền mà mua.
Họ chỉ còn biết dùng tiếng kinh kệ để quên đi nỗi đau thể xác.
Thủy Bình
Bình luận