• Zalo

Người đàn bà 'thép' của bắn súng Việt Nam

Thể thaoChủ Nhật, 29/01/2017 11:48:00 +07:00Google News

Được mệnh danh là “người đàn bà thép”, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung vừa đảm nhận thêm cương vị Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Trải qua 38 năm trong nghề, từ một vận động viên trẻ từng vô địch quốc gia nhiều năm ở nội dung súng ngắn 25m, người phụ nữ ngoài 50 tuổi này thực sự đứng trên đỉnh cao thành công trong năm 2016 trên cương vị huấn luyện viên khi học trò cưng là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên giành huy chương Vàng tại Thế vận hội Olympic Rio 2016. Thành công này của Hoàng Xuân Vinh có công rất lớn của huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung, bà đã bỏ nhiều tâm huyết, dày công đào tạo, huấn luyện xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thành người hội tụ đủ phẩm chất đỉnh cao trong làng Bắn súng Việt Nam.

nguyen-thi-nhung

 HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung trao quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn đang được điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Giã từ sự nghiệp vận động viên từ năm 1985, nữ xạ thủ Nguyễn Thị Nhung quyết định theo học lớp huấn luyện viên chuyên ngành bắn súng tại Trường Thể dục Thể thao Matxcơva. Khi về nước bà thử sức mình ở lĩnh vực kinh doanh. Trải qua nhiều năm tháng, cái duyên với nghiệp bắn súng đã kéo nữ xạ thủ trở về với nghề huấn luyện viên. Năm 2017, huấn luyện viên trưởng này chính thức có bề dầy 38 năm lăn lộn với bắn súng. Từ một vận động viên, bà đã trở thành Trưởng bộ môn Bắn súng - Tổng cục Thể dục thể thao kiêm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bắn súng Quốc gia, Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam.

Nữ huấn luyện viên cho biết: Từ năm 2006 bà bắt đầu tham gia huấn luyện cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, vào thời điểm này thành tích của Vinh chưa thực sự nổi bật. Vào lúc đó, giới chuyên môn nhắc nhiều hơn tới xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường, một tay thiện xạ được đánh giá cao. Tuy nhiên, chính bà đã thấy được ở Hoàng Xuân Vinh hội tụ đủ phẩm chất của một vận động viên đỉnh cao, có chí hướng, khắc phục bản thân, kiên trì nhẫn nại để đạt mục tiêu.

Cả huấn luyện viên và học trò đều là người có cá tính mạnh mẽ nên trong quá trình tập luyện khó tránh khỏi xung đột, nhưng nữ huấn luyện viên cho rằng đây là chuyện hết sức bình thường. Hai người đều biết tính nhau, bộc trực giống nhau nên sau mỗi cuộc tranh cãi họ lại vỡ ra được nhiều điều đáng quý cả về chuyên môn lẫn cuộc sống...

Clip xạ thủ Hoàn Xuân Vinh bắn súng chào năm mới 2017

Hơn 10 năm làm việc cùng nhau, nữ huấn luyện viên đánh giá: Không phải lúc nào Hoàng Xuân Vinh cũng giữ được sự bình tĩnh, mạnh mẽ. Sau cú vấp ngã ở ASIAD 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) và Olympic London 2012, Hoàng Xuân Vinh đã có lúc nghĩ đến chuyện giã từ bắn súng. Đã có lần Vinh hỏi huấn luyện viên “Em có còn bắn súng được nữa không?”. Với câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy quả quyết “Em làm được” của nữ huấn luyện viên đã góp phần củng cố niềm tin của Hoàng Xuân Vinh vào năng lực bản thân. Có thể cũng từ lời khẳng định này của Nguyễn Thị Nhung mà nhiều người đã nói “không có Vinh thì không có Vàng Olympic, mà không có Nhung thì chẳng thể có một Hoàng Xuân Vinh như ngày nay”...

Có thể thấy rằng, đằng sau huy chương Vàng Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh luôn có bóng dáng của “người đàn bà thép” mạnh mẽ, cổ vũ anh vươn lên chính mình để giành chiến thắng. Chính xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng khẳng định nếu không có sự giúp sức của huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung thì anh không có giây phút huy hoàng trong chiến thắng tại Olympic Rio 2016. Chính huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung đã giúp anh vượt qua nhiều cú sốc để lấy lại thăng bằng, lấy lại niềm tin chiến thắng.

Bước sang năm mới 2017, Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đều mong muốn thể thao Việt Nam ngày càng lớn mạnh, gặt hái nhiều thành công và giành nhiều huy chương trên các giải đấu quốc tế. Thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung cũng mong muốn Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài và cán bộ quản lý, điều hành môn bắn súng; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao tạo điều kiện, hỗ trợ Liên đoàn Bắn súng Việt Nam phát triển cơ sở hoạt động, giữ gìn phát triển truyền thống gắn với giáo dục quốc phòng, an ninh quốc gia; xã hội hóa môn bắn súng trên toàn quốc... nhằm góp phần phát triển thành tích của Bắn súng Việt Nam trên các đấu trường quốc tế.

(Nguồn: Tin tức TTXVN)
Bình luận
vtcnews.vn