• Zalo

Người đàn bà ngủ lang ở viện

Sức khỏeThứ Tư, 03/07/2013 06:28:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tối tối người đàn bà này kiếm một chỗ trong viện và ngủ lang qua đêm.

(VTC News)  - Ba năm nay, bệnh viện trở thành nhà, tối tối người đàn bà này kiếm một chỗ trong viện và ngủ lang qua đêm.


3 năm bám viện

Chị Hà Thị Yến, quê ở Phú Thọ đã 38 tuổi. Ở cái tuổi này, trông chị vẫn tràn trề sức sống với sống mũi cao, làn da hơi rám nắng của một người đàn bà bươn chải. Hiện, chị ‘đóng đô’ ở viện Sức khỏe tâm thần quốc gia.

Đã 3 năm nay, chị lấy viện là nhà. Ngày ngày đi kiếm việc trong bệnh viện, cứ  nhà nào cần thuê người trông bệnh nhân là chị nhận.

osin bệnh viện
Nghề trông người ốm vất vả khi có việc, khi không có người thuê thì lang thang ngủ vạ vật bám viện. Ảnh: Nguyễn Tâm 

Chị bảo: “Đi làm nghề này là bần cùng lắm. Gia cảnh tôi khó khăn. Chồng thì rượu chè tối ngày. Chính vì rượu mà anh ấy bị nhồi máu não đã phải nằm viện, giờ thì tự chăm cho mình được rồi.

Tôi có 2 đứa con, 1 đứa năm nay 16 tuổi đi bán hàng giúp người ta, 1 đứa tôi để ở nhà cho chị gái nuôi. Nhà tôi ở quê, nhà không ra nhà. Cách đây 3 năm, nó như cái lều. Đến năm 2010, nhà nước có chính sách xóa nhà tạm nên  cho gia đình tôi vay hỗ trợ  40 triệu. Nhưng cái nhà cấp 4 lợp mái pro xi măng ấy tôi xây hết 150 triệu đồng, lại còn tiền mua đất nữa.

Tôi lấy chồng nhưng không ở nhà chồng mà về quê ngoại sống nhưng nhà ngoại cũng không có đất.

Giờ, tôi còn nợ nần nhiều lắm, cứ 10 triệu đồng phải trả 250 ngàn đồng tiền lãi mỗi tháng. Nếu tôi không đi trông người bệnh thì lấy tiền đâu trả lãi hả cô?”

Theo lời chị Yến thì vì khó khăn quá, chị lần mò lên Hà Nội kiếm việc. Nếu trông người bệnh, mỗi ngày đêm kiếm được 300 ngàn đồng. Cứ 10 ngày, họ thanh toán 1 lần. Có ca làm được 1 tuần, có  ca kéo dài vài tháng. “Làm cái nghề này vất vả lắm, phải thức khuya dậy sớm nhưng tất cả vì công việc, vì tiền nên tôi phải cố gắng. Tôi không nề hà gì. Những lúc người bệnh, người thuê mình có nói làm mình chạnh lòng thì phải cho qua, chịu nhịn chứ. Nhưng cái nghề này, cô bảo ráo mồ hôi là hết tiền ấy mà”.

Có chứng kiến việc chăm sóc bệnh nhân ở khoa Thần Kinh, viện Sức khỏe tâm thần quốc gia mới thấy hết nỗi vất vả của người đàn bà này. Họ phải lau rửa thường xuyên cho người bệnh, có người nằm lâu quá, mông lở loét, bác sĩ bỏ đi cả mảng thịt thối, rồi máu thường xuyên rỉ phải lau...

Ở viện này, bệnh nhân đa số là người lớn tuổi, bị đột quỵ nên không tự làm được bất cứ việc gì. Trời nóng quá, nhiều người còn được lột trần để tránh lở loét vì nằm lâu.

Còn chị Yến, dù đang bị cúm cả tuần lễ nay chưa khỏi, nhưng việc vẫn phải làm, không thể bỏ được.

Nhưng không phải lúc nào, chị cũng có việc. Có những lúc lang thang ở viện hàng chục ngày. Những ngày đó, chị chỉ ăn cho đủ no để  chờ việc.

Đến tối, chị cũng không thuê nhà trọ mà ngủ lang thang. Nơi nào có chỗ ngủ thì chui vào nằm, không thì tự trải chiếu cứ chỗ nào ngả lưng được là ngủ.

“Thế chị không sợ, cảnh đàn bà lang thang nơi viện thì gặp điều không hay à?”.“Tôi quen rồi, chưa gặp chuyện gì xảy ra cả.

xã hội này thì muôn hình vạn trạng. Nhưng mình phải thế nào thì người ta mới thế. Tôi cứ chăm chăm lo làm ăn và lao động bằng sức lực của mình thôi chứ không để bị sa ngã”.

Vừa chăm con bệnh vừa bán nước, trông người ốm

Còn chị Dung (Nam Định) có ‘duyên’ với bệnh viện vì cái số chị như vậy. Đến viện sức khỏe tâm thần quốc gia, nhiều người dừng chân nơi gốc cây lùm lùm để uống cốc nước của chị.

osin bệnh viện
Người đàn bà này vừa chăm con chạy thận vừa bán nước, ai thuê thì đi trông người ốm. Ảnh:Nguyễn Tâm 
Với người đàn bà này, bệnh viện là cứu cánh. Ngày ngày, khi không có người thuê chăm bệnh nhân, chị lại mang chén, cốc, phích ra ngồi dưới gốc cây để kiếm sống.

Vợ chồng chị có 2 người con, 1 đứa lớn đã lấy chồng, đứa thứ 2 thì mắc bệnh về hệ thống miễn dịch, rồi bị suy thận.

10 năm nay, chị đã lang bạt lên Hà Nội và bám trụ tại bệnh viện. Đã 10 năm, người đàn bà ấy theo con đi chạy thận ở Khoa thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai.

Những ngày mới ra Hà Nội còn lạ nước lạ cái, 2 mẹ con bao bọc nhau. Chị phải đi nhặt ve chai để có tiền chăm con. Rồi chị đi trông nom bệnh nhân ốm để có tiền.

Vợ chồng biền biệt xa cách. Chồng ở quê trông nom nhà cửa và làm mấy sào ruộng nhưng cũng không đủ ăn.

Hai mẹ con chị thuê căn nhà nhỏ gần viện cho con chị tiện đi chạy thận 3 lần mỗi tuần. Mỗi tháng, tiền thuốc con chị hết 5 – 6 triệu đồng. Người mẹ ấy không biết kiếm đâu ra, đành lăn lộn bằng mọi cách có tiền cho con. Giờ, gia đình chị được xếp vào trường hợp hộ nghèo nên được hỗ trợ 95% chi phí viện nên cũng đỡ hơn nhiều.

Chị đến với nghề bán nước đã 4 năm nay. Nhưng bán nước cả ngày cũng chỉ được hơn trăm bạc, không đủ 2 mẹ con sống. Vì vậy, có ai gọi đi trông người bệnh là chị đi liền vì đi như vậy ít cũng được 300 ngàn đồng/ngày đêm.

Chị Dung tâm sự về nghề nâng giấc cho người ốm: Có lúc, bệnh nhân đau đớn, mệt mỏi, người ta cáu gắt nhưng tôi từng trông nom con nên tôi hiểu và cảm thông.

Có khi, phải chăm đàn ông, lúc đầu cũng  ngượng lắm nhưng rồi vì đồng tiền thì phải làm và làm rồi thành quen thôi. Những lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến con, thì việc gì mình cũng có thể làm.

Nói rồi, chị Dung lại cặm cụi rót nước bán cho người trong viện để nhặt từng đồng. Mỗi đồng ấy là sự sống của con chị đang lệ thuộc vào. Thấy mà xót xa cho những người đàn bà này lắm.




Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn