Vùng rừng Mã Đà, thuộc địa phận xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ấn tượng của chúng tôi khi ghé thăm nhà của già làng Tơ Tơ cùng nhiều gia đình Chơro khác ở chiến khu Mã Đà ngày nào là thấy nhiều nhà treo phía trước cửa nếu không là tổ ong thì là chiếc đầu lâu rất giống sọ người.
Thoạt đầu khi nhìn thấy những chiếc sọ trắng hếu treo trước nhà như thế, hình ảnh về bộ tộc chuyên săn thủ cấp của các bộ tộc thù địch, cắt lấy đầu rồi thu nhỏ sọ làm chiến lợi phẩm ở vùng rừng rậm Amazon tại Brazil được chiếu trên truyền hình ở mục khám phá, bất chợt ập đến trong chúng tôi.
“Tục treo tổ ong được duy trì qua nhiều đời rồi, bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa mà người già kể cho con cháu nghe, cứ thế đời này kể cho đời khác, kể đến hôm nay” – già Tơ Tơ, hào hứng trò chuyện. Rồi ông bật mí treo tổ ong để đánh lừa ma quỷ, tránh chuyện ma quỷ bắt người, hại người.
Khi chúng tôi lái câu chuyện sang những chiếc sọ được treo trước nhà, các già làng khẳng định đó không phải là sọ người, đó là sọ thú, thường là sọ voọc. Tục lệ treo sọ thú trước nhà là cách mà gia chủ bật mí cho khách đến thăm họ là chiến binh dũng cảm, là thợ săn tài ba, là người can đảm! Vì chỉ có người can đảm, tài giỏi mới săn được nhiều con thịt (thú-cách nói của người Chơro-PV)…
Quanh chuyện săn thú của các trai làng Chơro ngày trước, mới biết người ta có thể săn trăn, rắn khổng lồ, săn bò rừng, trâu mộng, nai, cheo, mễnh… Nhưng có một con thịt mà mất kỳ ai khi gặp dẫu có đói mấy cũng không bao giờ phóng lao bắn tên, đó là loài nhĩ hầu. Già làng Tơ Tơ như nhiều chủ nhân ngàn đời của vùng sơn cước Mã Đà, khẳng định loài nhĩ hầu chính là “ông tổ” của tộc người mình nên không ai dám mạo phạm!
Nhĩ hầu được các già làng giải thích là con culi hay cù lần. Sách đỏ Việt Nam ghi nhận loài culi còn có tên gọi khác là khỉ gió, là loài thú cỡ nhỏ, chỉ bằng con mèo, thân dài từ 26-31cm, đuôi dài 2-4cm. Đầu tròn, mắt trố to giúp nhìn thấy mọi vật trong đêm tối, lông mềm mại có màu nâu vàng đỏ lẫn xám tro trổ dọc sống lưng…, culi là loài có móng vuốt ở tứ chi. Chính những móng vuốt này giúp chúng cầm nắm, víu các cành cây để di chuyển.
Hỏi bất kỳ già làng Chơro nào ở Mã Đà, ai nấy đều rành rẽ tập tính của loài culi được họ xem là loài thú tổ của tộc người mình. Như nhiều người khác, nghệ nhân Hồng Thị Lịch, 74 tuổi, vợ già làng Tơ Tơ, người rành rẽ nhiều loại nhạc cụ cổ truyền của tộc người, trong đó có tuyệt chiêu thổi kèn lá, kèn vỏ trấu, lời rằng: như tộc người Mạ và Stiêng (cư trú đông ở tỉnh Bình Phước), bao đời cha ông người Chơro lưu truyền truyền thuyết loài nhĩ hầu chính là “ông tổ” của... con người? Chính loài thú chậm chạp hiền lành đến không tưởng này trong buổi sơ khai đã dạy người biết làm rẫy, trồng cây thu họach lúa bắp làm lương thực duy trì cuộc sống?!
Các già làng không giải thích được vì sao tổ tiên của mình lại xem loài thú nổi tiếng bé nhỏ, chậm chạp và hiền lành này là loài thú tổ? Các già chỉ biết vì xem loài nhĩ hầu là nguồn cội của tộc người mình nên từ nhiều đời qua, người Chơro có những kiêng cữ rất lạ đời liên quan đến loài này.
Khi đi rẫy, nếu gặp các loài trăn, trút, rắn, rùa chết trong rẫy thì người ta sẽ bỏ rẫy đó không dám làm vì sợ trỉa lúa sẽ thất (mất mùa) và gia đình sẽ ốm đau. Nếu gặp con mang (con mễnh, hoẵng) thì phải quay về vì đấy là con vật báo điềm xui xẻo: “Gặp nhĩ hầu cũng vậy, phải bỏ rẫy trở về thôi, hôm sau lại ra, không thấy thì làm, thấy thì lại về. Phải về vì nhĩ hầu là ông tổ, mình không đựơc phép làm kinh động” – già làng Năm Nổi giải thích.
Chiều tà, trước khi khép lại câu chuyện loài culi là thú tổ của tộc người mình, vợ chồng già làng Tơ Tơ, hướng ánh mắt về phía rừng, thở dài. Ông bà cho biết ngày trước, trong rừng nhiều culi lắm, người bản xứ chẳng ai bắt bao giờ. Nhưng về sau, vì hám lợi, những kẻ xấu từ nơi khác đến đã ra sức bẫy bắt đem bán.
Thế nên giờ đây, như nhiều địa phương từng được ghi nhận có sự hiện diện của nhiều bầy đàn culi (phạm vi phân bố được ghi nhận từ rừng Bắc Cạn đổ dài đến các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ), rừng Mã Đà nay vơi vắng bóng hình loài thú này ít nhiều!
Cách đây không lâu, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh (Hạt kiểm lâm Cát Tiên) trĩu nặng ưu tư cho biết, cuộc chiến bảo vệ loài culi và nhiều loài thú khác ở Mã Đà hơn lúc nào hết, rất đỗi chông gai khi cánh thợ săn ngày càng manh động. Họ săn thú trộm bất kể ngày đêm, khi bị bắt quả tang không ít đối tượng ngang nhiên dùng súng sẵn sàng chống trả...
Nguồn: Công an nhân dân
Bình luận